Ở trang trại nuôi ba ba lớn nhất miền Bắc

05:10, 29/10/2021

Về xã Hợp Hưng (Vụ Bản) hỏi đến trang trại ba ba Ao Quê, hầu như ai cũng biết anh Lương  Minh Cường - chủ trang trại sản xuất giống và ba ba thương phẩm lớn nhất miền Bắc, mỗi năm cung cấp ra thị trường cả trăm nghìn con giống và hàng chục tấn ba ba thịt.

Kiểm tra tình hình sinh trưởng ba ba giống tại trang trại của anh Lương Minh Cường, xã Hợp Hưng (Vụ Bản).
Kiểm tra tình hình sinh trưởng ba ba giống tại trang trại của anh Lương Minh Cường, xã Hợp Hưng (Vụ Bản).

Từ năm 2010, khi UBND xã có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, anh Cường đã bàn bạc với gia đình đấu thầu 12ha đất ruộng tại cánh đồng thôn Thám Hòa để đầu tư xây dựng trang trại nuôi ba ba. Sau 5 năm đầu tư cải tạo, anh Cường đã biến cả vùng đất “thùng đào, thùng đấu” xưa thành một trang trại “hoành tráng” được quy hoạch khoa học: trên bờ trồng cây cảnh, cây ăn quả, dưới ao nuôi thả ba ba, đường đi lối lại được đổ bê tông. Anh Cường “tiết lộ” với chúng tôi, để có được quy mô bề thế như vậy, anh đã đầu tư tới 30 tỷ đồng và nhiều người dân trong xã cho rằng anh “quá liều” khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng xuống khu đất, điều mà không phải ai cũng dám làm. Song anh có đủ niềm tin để khởi nghiệp bởi từ trước khi bắt tay vào việc thả nuôi, anh đã tham quan nhiều mô hình nuôi ba ba thành công trong nước, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về đặc điểm sinh thái và giá trị kinh tế của con ba ba, từ đó mới dám bỏ tiền đầu tư xây dựng mặt bằng, bố trí và thiết kế ao nuôi đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Trong trang trại, anh Cường chia thành các khu vực lớn, nhỏ khác nhau cho các đối tượng nuôi, gồm 49 ao nuôi liên hoàn và những khu vực riêng cho ba ba sinh sản, khu ấp trứng, khu nuôi dưỡng ba ba mới nở, khu ương ba ba giống. Mỗi ao có diện tích từ 700-1.000m2 lắp rào cao 40cm so với mặt nước để ba ba không bò ra ngoài; trong ao có bãi cho ba ba lên ăn và phơi nắng, lắp đặt hệ thống tiêu, thoát nước hiện đại. Hiện tại, anh Cường nuôi ba ba xanh là chủ lực, khoảng 80%, còn lại là các giống khác như: ba ba gai, ba ba Mỹ, ba ba sông Hồng, cua đinh Nam Bộ… Theo anh Cường, con ba ba hầu như ít nhiễm dịch bệnh nhưng muốn thành công, người nuôi phải xử lý môi trường nuôi thật tốt, thức ăn phải sạch, nhất là con giống phải đảm bảo chất lượng. Do vậy, trước mỗi vụ nuôi thả mới, anh chú ý xử lý kỹ ao nuôi, khử trùng bùn và nước bằng vôi bột, chế phẩm sinh học. Để chủ động nguồn giống tốt, anh đầu tư từ chuồng cho ba ba đẻ đến nơi nuôi úm, ương dưỡng rất công phu và gây dựng đàn ba ba bố mẹ chuẩn với hơn 1.000 con. Ông Hoàng Văn Quế, quản lý kỹ thuật của trang trại cho biết: Ba ba sinh sản quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa hè. Mỗi cặp bố mẹ đẻ 7-8 lứa/năm. Bình quân mỗi ngày đàn ba ba bố mẹ trong trang trại đẻ 200-250 trứng. Sau khi ba ba đẻ, người nuôi nhặt trứng xếp vào khu ấp, phủ cát khô để ấp trong 50-60 ngày ở nhiệt độ 27-300C thì trứng nở. Tỷ lệ trứng nở thành công đạt khoảng 50-70%. Ba ba mới nở được đưa vào khu nuôi dưỡng gồm 8 chậu nuôi không bùn, sau 1 tháng đưa ra khu ương giống. Khu ương giống của trang trại gồm 30 bể có diện tích 15m2/bể; trong đó có 4 bể để lắng và xử lý nước, 26 bể nuôi được rải bùn 20cm và duy trì mực nước 70cm. Sau 2 tháng nuôi trong bể ương, khi đạt trọng lượng khoảng 100g/con, ba ba được chuyển ra ao to nuôi với mật độ mỗi ao từ 400-500 con. Toàn bộ các ao nuôi ba ba thương phẩm của trang trại đều được đánh số để thuận tiện trong việc phân loại ba ba theo giống, giới tính và độ tuổi, dễ dàng quản lý dịch bệnh hơn. “Mặc dù khá dễ chăm sóc nhưng người nuôi ba ba cần đặc biệt lưu ý tới các bệnh: viêm loét do vi khuẩn, bệnh gan, bệnh nấm thủy mi, bệnh ký sinh đơn bào. Đây là các bệnh có khả năng lây lan rất nhanh nên người nuôi phải thường xuyên theo dõi ao nuôi. Khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường cần tách khỏi đàn ngay và xử lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, vôi bột” - ông Quế cho biết thêm. Thức ăn chính của ba ba được trang trại sử dụng là cám công nghiệp và cá tạp. Chi phí thức ăn cho ba ba cũng thấp hơn các vật nuôi khác song cho thu nhập cao hơn. “Ba ba chỉ ăn từ cuối tháng 2 đến tháng 10, còn từ cuối tháng 10 trở đi, ba ba chuyển sang ngủ đông, không cần ăn nên người nuôi cũng đỡ tốn chi phí mua thức ăn” - anh Cường chia sẻ. Anh Cường nuôi nhiều loại ba ba, mỗi loại giống khác nhau nên thời gian thu hoạch của ba ba cũng khác nhau đảm bảo không bị thu hoạch ồ ạt. Cụ thể, ba ba xanh nuôi trong 2 năm trọng lượng có thể đạt 1-1,5kg/con là cho thu hoạch; với ba ba gai là 3 năm và trọng lượng đạt 3-5kg/con; ba ba Mỹ thì “khủng” hơn khi nuôi 5 năm trọng lượng có thể đạt 7-10kg/con. Thời gian nuôi ba ba dài nên anh Cường có thể “đánh tỉa”, thu hoạch và xuất bán quanh năm, không sợ “ế”. Hàng năm, trang trại sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 200 nghìn con giống và trên 50 tấn ba ba thương phẩm với giá ba ba xanh 300 nghìn đồng/kg, ba ba gai 450 nghìn đồng/kg, ba ba Mỹ 600 nghìn đồng/kg… thu nhiều tỷ đồng. Hiện trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ với công 200 nghìn đồng/người/ngày. Điều đáng quý là anh Cường không giấu “bí quyết làm giàu”, trang trại ba ba Ao Quê luôn là nơi bà con nông dân đến tham quan, học hỏi nếu có nhu cầu. Anh Cường sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kỹ thuật nuôi, hướng dẫn từ cách quy hoạch, kỹ thuật đào ao đến nuôi thả, quy trình ấp trứng, ương con giống…

 Cần cù, chịu khó, ham học hỏi biết tận dụng thời cơ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, chuyển đổi vật nuôi, làm giàu chính đáng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng làm giàu, người nông dân tỷ phú Lương Minh Cường ở xã Hợp Hưng thực sự là hình ảnh của những nông dân NTM./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com