Việc người dân sử dụng hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên, việc đảm bảo cân đối giữa tạo điều kiện cho người dân khai thác kinh tế từ vỉa hè với đảm bảo trật tự đô thị là vấn đề cần quan tâm.
Hộ dân trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị. |
Là đô thị cổ gắn với hành cung Thiên Trường xưa nên thành phố Nam Định từ xưa đã phát triển thương mại sầm uất. Mỗi khu phố là nơi kinh doanh, giao thương các sản phẩm nghề thủ công, người qua lại đông đúc. Vậy là ngẫu nhiên ngoài không gian chợ, ở các tuyến phố thương mại xuất hiện các quán cóc nhỏ bày bán cốc nước trà, gói kẹo bột, điếu thuốc ở ngay rìa chợ, góc phố, vỉa hè… để phục vụ các tiểu thương tá túc chờ hàng, đợi khách. Người dân khu vực ngoại thành tháo vát ngày ngày mang đặc sản làng nghề nào là hoa tươi, bánh cuốn làng Kênh, bánh dày Vị Dương, bún Phong Lộc (thành phố Nam Định), tương nếp An Lá, rượu nếp Nam Mỹ (Nam Trực)… vào bán cho dân phố thị, gánh hàng đặt ngay trên vỉa hè các tuyến phố. Người dân bắt được con cá to, mớ tôm đồng tươi rói mang ngay vào thành phố, đến tận các cửa hiệu, nhà buôn (những người bận rộn không có thời gian đi chợ) để chào mời… Kinh tế vỉa hè có lẽ manh nha hình thành từ đó. Sau sự kiện nhà máy Dệt Nam Định gặp khó khăn trong kinh doanh, hàng nghìn lao động mất việc làm, vỉa hè mang đến kế sinh nhai cho nhiều công nhân, từ bán hàng ăn sáng đến quán chè chén nhỏ. Cứ như thế, kinh tế vỉa hè cũng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Bà Trần Thị Thuỷ, bán hàng nước ở khu vực Nhà Thờ lớn (thành phố Nam Định) cho biết: Là công nhân Nhà máy Dệt nghỉ mất sức lao động, tôi từng xoay xở nhiều nghề để sống. Cách đây hơn 20 năm tôi ra đây bán nước phục vụ khách ăn sáng vì đây là khu trung tâm có nhiều cơ quan, công sở, nhiều quán hàng. Cứ thế tôi có việc làm và thu nhập ổn định từ bấy đến nay. Đến giờ, người dân Thành Nam vẫn có thói quen uống trà quán cóc vỉa hè… Nhiều quán ăn đường phố đã thành địa chỉ ẩm thực nổi tiếng của Thành Nam như xôi khúc phố Nhà Thờ, bánh mì pa-tê chân cầu Đò Quan, ốc luộc phố Trần Hưng Đạo;… Kinh tế vỉa hè làm nên nét riêng trong phong cách sinh hoạt của người Thành Nam. Vỉa hè được tận dụng triệt để từ buôn bán nhỏ đến kinh doanh đa dạng các loại hình dịch vụ. Đường phố trở thành nơi tiếp thị hàng hóa nhanh nhất, cũng là nơi buôn bán từ sáng tới khuya. Vào buổi chiều, dọc các tuyến phố Năng Tĩnh, Trần Huy Liệu, Trần Phú, Văn Cao, Hàn Thuyên, Trường Chinh, Đồng Tháp Mười... là đủ loại hàng tiêu dùng từ quần áo, thú bông, khăn, mũ, tất, đồ chơi, giầy dép, túi ví, rau, củ, quả... được người bán hàng dọn bày bán la liệt trên vỉa hè. Hàng hóa trong chợ cuối ngày không bán hết, các tiểu thương bê ra vỉa hè ngồi bán cho nhanh… Đặc biệt những tuyến vỉa hè gần các trường học hoặc doanh nghiệp thì mật độ cửa hàng, quán cóc tràn xuống vỉa hè kinh doanh ngày càng xuất hiện nhiều.
Kinh doanh vỉa hè “thuận cho người bán, tiện cho người mua” nhưng cũng có nhiều bất cập và không công bằng với những người kinh doanh trong chợ hoặc có cửa hàng, trụ sở trong việc thực hiện nghĩa vụ của người kinh doanh đối với Nhà nước và các dịch vụ công ích khác. Chưa kể tình trạng mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự diễn ra thường xuyên, gây nhiều hệ lụy cho văn minh đô thị. Theo quy định vỉa hè là công trình giao thông tĩnh, việc sử dụng vào các mục đích ngoài giao thông chỉ được cho phép trong từng thời điểm nhất định theo yêu cầu thực tế. Việc người kinh doanh lấn chiếm, sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh vừa mất không gian của người đi bộ, gây tình trạng lộn xộn mất trật tự an toàn giao thông và nhiều hệ lụy về quản lý Nhà nước khác.
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2013, UBND thành phố Nam Định đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn và giao cho chính quyền các xã, phường phải kiên quyết quản lý trật tự đô thị theo quy định. Theo đó vỉa hè được phân định ranh giới cho người dân để phương tiện khi tham gia mua bán hàng hoá, yêu cầu người bán hàng ký cam kết chấp hành nghiêm quy chế, đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị. Cùng với việc ban hành quy chế, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền chi tiết, cụ thể các quy định về việc sử dụng vỉa hè với mục đích kinh tế như trông giữ xe công cộng có thu phí; việc sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán, trưng biển quảng cáo hàng hóa... Đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm quy chế quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường đô thị trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp. Để giải quyết vấn đề này bên cạnh nỗ lực của chính quyền trong công tác quản lý thì người tận dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, mua bán phải có ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Có như vậy mới mong đạt “lợi ích kép” vừa khai thác được kinh tế vỉa hè vừa đảm bảo an toàn trật tự, văn minh đô thị./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương