Qua các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thời gian qua, đại diện cử tri xã Nam Mỹ (Nam Trực) đã nhiều lần kiến nghị đề xuất chính quyền cấp trên, các ngành chức năng quan tâm kiểm tra, có phương án xử lý tình trạng nguồn nước ở kênh CT2 (kênh tưới tiêu chính phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã) gần 2 năm qua bị ô nhiễm do luôn phải tiếp nhận nguồn nước thải độc hại chưa qua xử lý, làm cá chết hàng loạt, gây hư hại cho cây trồng và bốc mùi xú uế ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ của người dân.
Lãnh đạo xã Nam Mỹ và cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên tuyến kênh CT2 tại địa bàn xã. |
Dẫn phóng viên Báo Nam Định len lỏi qua vùng trồng đào ra bờ kênh bên đường lớn, anh Trần Quang Tú, đại diện các hộ trồng đào của xã Nam Mỹ (Nam Trực) phản ánh: “Trồng đào là nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định của trên 1.600 hộ, chiếm 74% số hộ nông dân trong xã (mỗi hộ có từ 5-7 sào đến 1-2 mẫu trồng hoa đào). Từ bao lâu nay các hộ dân trồng đào sử dụng nguồn nước tưới cho đào lấy từ hệ thống kênh CT2 dài 3km chạy dọc xã Nam Mỹ, có điểm khởi đầu tiếp giáp xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây trên tuyến kênh CT2 liên tục xuất hiện tình trạng nước thải có màu đen kịt, mùi hóa chất nồng nặc; nhiều đợt nước chuyển sang màu đỏ, cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh đầy mặt kênh và bốc mùi xú uế nồng nặc. Do đây là nguồn nước duy nhất các hộ dân vẫn sử dụng để tưới cho hoa và cây cảnh nên phải chịu nhiều thiệt hại đáng kể về kinh tế. Đỉnh điểm là vụ đào Tết Tân Sửu 2021 mới đây, do sử dụng nguồn nước từ kênh CT2 để tưới, nhiều diện tích đào cảnh bị đỏ lá, héo úa, cây suy kiệt dần rồi chết gốc”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xóm 2 xã Nam Mỹ đại diện cho các hộ dân sống dọc kênh CT2 cho biết: “Không chỉ thiệt hại về cây trồng, theo các hộ dân xóm 2 sống dọc tuyến kênh CT2 còn khốn khổ vì mùi hóa chất bốc lên từ nước thải ở kênh nồng nặc hàng ngày. Vào mùa mưa tuyến kênh đầy nước còn đỡ mùi, khi thời tiết heo may, nước cạn, không khí ngột ngạt, khó thở, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đợt giáp Tết Tân Sửu vừa qua, cá chết nhiều khiến không khí nồng nặc mùi tanh hôi, người dân trong xóm còn mất ăn, mất ngủ vì khó thở”.
Nguồn nước trên kênh CT2 chảy qua địa bàn xã Nam Mỹ thường xuyên bị ô nhiễm, đen đặc. |
Theo bà Nguyễn Thị Thìn, Trưởng xóm 5 phản ánh: Trước tình trạng kể trên, người dân trong xã rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn nguồn nước ô nhiễm phát sinh từ xã Nam Phong đổ vào kênh tưới tiêu của Nam Mỹ. Người dân còn chủ động lần theo dòng chảy để truy tìm nguồn xả thải và đã chụp ảnh, quay video lưu giữ bằng chứng về những lần nước thải gây ô nhiễm môi trường mà mình đang phải gánh chịu, chung sống. Người dân cho biết cứ sau 3 ngày nước kênh CT2 bị đen ngòm, bốc mùi hóa chất thì đầu nguồn lại mở cống dẫn nước vào giảm tải ô nhiễm nước đen chuyển màu đục. Người dân xã Nam Mỹ nhận định đây là cách mà phía phát sinh nguồn xả thải gây ô nhiễm áp dụng nhằm xoa dịu giảm xung đột, phản đối của người dân. Rõ ràng, việc định kỳ xả nước vào kênh chỉ là hình thức giải quyết bề nổi chứ chưa xử lý gốc rễ vấn đề là kiểm soát ngăn chặn nguồn phát thải gây ô nhiễm ra môi trường nước từ xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Nhiều người dân quá bức xúc vì thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe đã không ít lần đề xuất với chính quyền địa phương tự góp kinh phí, xây đập chặn dòng nước ô nhiễm chảy vào địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Trường Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ cho biết: Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, UBND xã đã trực tiếp kiểm tra thực tế. Hệ thống thủy nông Nam Ninh để phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã Nam Mỹ có điểm đầu tiếp nước từ xã Nam Phong. Trước kia, hệ thống kênh nổi chảy thông thì trên địa bàn xã không xuất hiện tình trạng này. Nhưng kể từ khi có dự án đường 45m, xây dựng cống hộp Vạn Diệp, nguồn nước từ xã Nam Phong sẽ phải chảy dồn về cống Vạn Diệp rồi đổ vào kênh CT2. Từ đó, trên địa bàn xã bắt đầu ghi nhận tình trạng ô nhiễm khiến người dân 3 xóm Đống Ích, Tân Tiến, Đại Thắng của xã phải gánh chịu. Ngoài ra còn ảnh hưởng thêm một số xã khác thuộc địa bàn huyện Nam Trực do kênh CT2 qua xã Nam Mỹ còn tiếp tục kéo dài rồi mới đổ ra sông Châu Thành. Tuy nhiên do nguồn phát sinh ô nhiễm không phải từ địa bàn xã nên xã không thể xử lý ngăn chặn. UBND xã Nam Mỹ đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng của huyện; có tờ trình đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh nguồn ô nhiễm của tuyến kênh CT2. Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 26-10-2020 của đại biểu HĐND huyện, HĐND tỉnh, lãnh đạo xã đã đại diện phản ánh ý kiến của người dân địa phương. Cũng theo đồng chí Đào Trường Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ: Trước mắt, UBND xã tiếp tục vận động người dân khắc phục khó khăn, giảm tối đa các thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm gây nên; chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tránh bị kích động dẫn đến các hành vi quá khích gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; không tự ý xây đập chắn dòng chảy ô nhiễm vào kênh vì sẽ dẫn đến nguy cơ úng ngập, vừa vi phạm pháp luật vừa thiệt hại kinh tế của địa phương cũng như các xã lân cận. Về lâu dài, chính quyền cũng như toàn thể nhân dân xã Nam Mỹ rất mong các cơ quan chức năng, các ban, ngành quan tâm chỉ đạo sớm có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước của tuyến kênh CT2 nhằm đảm bảo môi trường sinh sống, sản xuất cho người dân./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy