Trường học khang trang, môi trường vệ sinh sạch sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm sức khỏe của giáo viên và học sinh, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục. Thời gian qua trong chỉ thị nhiệm vụ năm học, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo Sở GD và ĐT các địa phương đưa nội dung truyền thông về vệ sinh học đường, nước sạch và vệ sinh môi trường vào chỉ đạo toàn ngành thực hiện theo từng năm học.
"Xe quét rác sân trường" - Sản phẩm của học sinh Trường THCS Minh Tân (Vụ Bản) được trưng bày tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học toàn tỉnh năm học 2020-2021. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép giáo dục vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường vào các tiết học chính khóa của các môn học thích hợp và hoạt động ngoại khóa, đồng thời, phát động các phong trào thi đua như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp”. Đặc biệt, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực GD và ĐT, UBND tỉnh, ngành GD và ĐT và các địa phương đã đầu tư kinh phí xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học ở các nhà trường đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường học đường. Định kỳ hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế chuyên môn và Sở GD và ĐT tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát điều kiện vệ sinh các trường học. Kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng vệ sinh chung của các trường sạch sẽ, khuôn viên đẹp. Diện tích trung bình/học sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Điển hình là các trường ở các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu... Tuy nhiên, thực trạng vệ sinh ở không ít trường học vẫn còn những bất cập, đặc biệt là tình trạng thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn. Thậm chí ở một số trường học ngay trên địa bàn thành phố, việc xây dựng nhà vệ sinh và đầu tư trang thiết bị vệ sinh trường học vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe học sinh. Trường có đầy đủ nhà vệ sinh cho các khối lớp nhưng lại thiếu vòi nước rửa tay và xà phòng rửa tay cho học sinh; có không ít trường nhà vệ sinh cũ, hỏng, thiếu nước, thiếu xà phòng và giấy vệ sinh. Tình trạng nhà vệ sinh bẩn do quá tải, thiếu người dọn dẹp, vứt rác bừa bãi, tắc vòi nước sau khi sử dụng do học sinh vệ sinh không đúng chỗ, không dội nước sau khi vệ sinh… Do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nhiều học sinh vì sợ bẩn nên “nhịn” tiêu, tiểu trong thời gian ở trường, đặc biệt là ở các trường có tổ chức bán trú cho học sinh, điều này không tốt, thậm chí gây hại cho sức khỏe học sinh nếu lặp lại nhiều lần. Tất cả các trường mầm non trên toàn tỉnh và các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Nam Định tổ chức bán trú cho học sinh; khoảng 30% số trường tiểu học ở khu vực nông thôn có tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Thời gian học sinh bán trú tại trường thường từ 9-10 tiếng. Chị Mai Trang, trú tại ngõ 45 Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn thành phố cho biết: Theo quy định thì cứ 100 học sinh có một nhà vệ sinh, trong khi đó trường nơi con chị học mỗi lớp có khoảng 40-45 học sinh, mỗi tầng khoảng 5-6 lớp chỉ có 1 nhà vệ sinh. Do quá tải và ý thức giữ gìn vệ sinh kém nên không chỉ riêng con chị mà nhiều bạn trong lớp thường “nhịn” đi tiểu ở nhà vệ sinh của trường. Khi bất đắc dĩ phải vào nhà vệ sinh, cháu thường phải nín thở. Nhà vệ sinh bẩn không chỉ do ý thức giữ gìn vệ sinh kém mà còn do công trình xuống cấp và không thường xuyên được cải tạo, tu sửa trong khi sử dụng quá tải kéo dài. Không chỉ trong nhà vệ sinh mà việc giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học sạch sẽ cũng còn nhiều hạn chế với tình trạng học sinh thiếu ý thức giữ vệ sinh chung, vứt rác lung tung ở sân trường, hành lang, ngăn bàn, dưới nền lớp học... làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và không khí học tập, sinh hoạt, vui chơi.
Trường học là nơi tập trung đông người, nếu điều kiện vệ sinh học đường không bảo đảm thì nguy cơ phát sinh và lan truyền dịch bệnh rất cao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Để làm tốt công tác vệ sinh trường học, trước mắt, những việc có thể làm hàng ngày là các trường tuyên truyền cho học sinh ý thức bảo vệ, tiết kiệm nước sạch cũng như giữ gìn vệ sinh chung. Không vứt rác bừa bãi, tắt vòi nước sau khi sử dụng, vệ sinh đúng chỗ, dội nước sau khi vệ sinh để giữ gìn môi trường vệ sinh học đường thật sự “xanh - sạch - đẹp”. Phổ biến cho học sinh kiến thức và kỹ năng thực hành về các vấn đề sức khỏe như vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp, vệ sinh môi trường và nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao hiểu biết của các em về tầm quan trọng của các vấn đề này. Từ đó, các em nâng cao ý thức, nâng cao chất lượng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hình thành các thói quen tác phong hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Tổ chức tốt các hoạt động phòng, chống các dịch, bệnh, tật trong trường học; kiểm soát, thu gom và xử lý các hóa chất, chất thải độc hại nguy hiểm trong nhà trường; đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học; tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các nhà trường. Các trường học quan tâm vệ sinh sạch sẽ các công trình vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả và giám sát chặt chẽ các hoạt động của công tác nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học; sử dụng và bảo quản tốt các công trình cấp nước và công trình vệ sinh trong trường học./.
Bài và ảnh: Minh Thuận