Mùa xuân này chúng tôi có dịp gặp những cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác Hội, phát triển kinh tế gia đình. Họ là những phụ nữ nhiệt huyết, tận tâm với hoạt động phong trào, năng động, “dám nghĩ, dám làm” để xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, quê hương giàu mạnh. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng cho hội viên học tập, noi theo, được tôn vinh, biểu dương.
Chị Đỗ Thị Tuyết, xóm Quyết Tiến, xã Nam Mỹ (Nam Trực) chăm sóc hoa phi yến. |
Chi hội trưởng hết mình với công tác Hội
Bà Phạm Thị Hồng (SN 1954) chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 20, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) là cán bộ Quân đội về hưu. Trong 13 năm là Chi hội trưởng Phụ nữ, điều trăn trở nhất của bà Hồng là làm sao để thuyết phục được hội viên tham gia sinh hoạt và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Do đó bà tích cực vận động hội viên tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tạo không khí vui tươi sôi nổi, đoàn kết gắn bó trong chi hội và khu dân cư. Nhằm giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, bà Hồng vận động hội viên đóng góp quỹ chi hội với mức 50 nghìn đồng/người cho vay với lãi suất thấp hoặc không tính lãi với hội viên khó khăn. Bà thành lập 3 nhóm tiết kiệm quay vòng không lấy lãi với 45 thành viên tham gia. Hàng tháng các nhóm sẽ bình xét cho 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn. Năm 2019, bà Hồng đã vận động 127/127 hội viên tham gia Quỹ Tiết kiệm tín dụng 10 nghìn đồng/người/ tháng với số tiền 17,3 triệu đồng, bình xét cho 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay. Năm 2020, bà vận động được 124/127 hội viên tham gia Quỹ tiết kiệm tín dụng. Bà đề xuất với BCH chi hội đề xuất với Hội cấp trên khai thác các nguồn vốn vay của các Ngân hàng CSXH, Quỹ TYM... cho hội viên vay. Trong đó, từ nguồn của Ngân hàng CSXH đã giúp cho 10 hội viên vay vốn với tổng số tiền 345 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ TYM đã giúp cho 53 thành viên vay, dư nợ đạt trên 800 triệu đồng. Hưởng ứng cuộc vận động “Phụ nữ chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh”, bà Hồng cùng hội viên duy trì tốt tuyến đường “Hội Phụ nữ tự quản”; mô hình “Chi hội phụ nữ 3 sạch”, “Ngày chủ nhật sáng - xanh - sạch - đẹp”. Theo đó, vào sáng chủ nhật hàng tuần, các dịp lễ, tết, hội viên trong chi hội xuống đường quét dọn tổng vệ sinh, nhắc nhở các hộ gia đình đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Nam Định về việc ra quân lập lại trật tự ATGT, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, bà Hồng cùng cán bộ tổ dân phố đến từng nhà mặt đường để tuyên truyền, vận động không vi phạm trật tự ATGT, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Với tâm huyết trong công tác Hội, bà Phạm Thị Hồng đã tạo được niềm tin trong hội viên, đưa phong trào phụ nữ của chi hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều năm qua, Chi hội Phụ nữ số 20 luôn được đánh giá là một trong những chi hội mạnh của phường Trường Thi.
Triệu phú làng hoa
Đến thăm ruộng hoa của chị Đỗ Thị Tuyết, xóm Quyết Tiến, xã Nam Mỹ (Nam Trực) chúng tôi thực sự “choáng ngợp” với nhiều loại hoa lạ, đẹp mắt được gia đình chị đưa về trồng. Sinh ra trên đất nghề, ngay từ khi còn nhỏ chị Tuyết đã biết trồng, chiết ghép, chăm sóc các loại hoa. “Tuy nhiên, như nhiều hộ gia đình trồng hoa khác ở Nam Mỹ, nhà tôi trước đây chỉ chuyên về đào, quất. Nhưng nếu nhà ai cũng trồng, về lâu dài đó chưa chắc đã là cách làm hiệu quả. Vì thế, tôi bàn với chồng phá bỏ ruộng đào, tìm đến những giống hoa mới, độc đáo để trồng” - Chị Tuyết cho biết. Việc chuyển hướng trồng cây hoa khiến chị nửa mừng nửa lo. “Lo nhất là các giống cây mới có thích nghi được với đồng đất, khí hậu địa phương hay không? Sau nữa là đầu ra cho sản phẩm khi mà giá thành những loại hoa này tương đối cao so với các giống hoa truyền thống? Nhưng nếu không mạnh dạn tìm hướng đi mới thì cũng không có cơ hội đưa nhà vườn phát triển”. Từ suy nghĩ ấy, từ năm 2018, vợ chồng chị Tuyết đã đến nhiều nhà vườn ở Đà Lạt tìm hiểu về các giống hoa: phi yến, hướng dương, ly, dơn, cát tường... để mang về trồng. Trên 1 mẫu đất trồng đào cũ, chị Tuyết đầu tư cải tạo đất, mua giống, trang bị thêm hệ thống tưới tiêu, điện thắp sáng... Mùa nào hoa nấy, chưa bao giờ ruộng hoa nhà chị thiếu vắng các loại hoa, giống hoa quý. Tuy nhiên, để có được những luống hoa lạ, đẹp mắt là cả quá trình vất vả, nhọc nhằn của vợ chồng chị. Ngoài học hỏi kiến thức thực tế từ các nhà vườn chị đọc thêm sách báo, lên mạng xem các video dạy trồng và chăm sóc giống hoa. Trồng các loại hoa trên không chỉ đòi hỏi vốn đầu tư lớn mà còn phải bỏ nhiều tâm sức, kỹ thuật chăm bón. Chỉ cần nhiệt độ không đảm bảo hoặc bón phân, phun thuốc trừ sâu sai thời điểm, có thể cả mùa hoa đều thành “công cốc” - Chị Tuyết nói. Không phụ công vợ chồng chị sớm hôm trên những cánh đồng, đến mùa hoa thứ 2 những ruộng hoa đã cho lợi nhuận. Vào mùa hoa, thương lái về tận vườn thu mua. Năm 2020, trên diện tích 1 mẫu hoa, gia đình chị Tuyết thu về khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 2-3 lao động. Năm nay, chị dự định mở rộng quy mô nhà vườn thêm 1 mẫu. Hiện, chị còn tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa tuy lip, một số loại lan để bổ sung cho nhà vườn.
Tiếp nối nghề trồng hoa truyền thống của địa phương, mạnh dạn lựa chọn hướng đi mới, chị Đỗ Thị Tuyết đã thu được những “quả ngọt” đầu tiên. Đó là nỗ lực, sự sáng tạo của chị trong phát triển kinh tế gia đình./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân