Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2021 nhưng người dân tại các làng nghề trồng hoa, cây cảnh trong tỉnh đang khẩn trương, chăm sóc từng luống hoa, chậu cảnh để cung ứng cho thị trường đúng dịp tết.
Người dân làng hoa Phù Long, xã Nam Phong (thành phố Nam Ðịnh) chăm sóc vườn hoa đón Tết Nguyên đán 2021. |
Đến xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) vào những ngày cuối năm, không khí lao động, sản xuất trên vườn hoa rộn ràng, tất bật. Là địa phương cung ứng hoa chủ đạo cho thành phố Nam Ðịnh và các tỉnh lân cận, tết là thời điểm cung cấp số lượng lớn nhất ra thị trường và cũng là thời điểm mang lại khoản thu nhập cao nhất cho người trồng hoa. Vườn hoa của gia đình anh Nguyễn Văn Dương (xóm Hồng Hà 2) được xuống giống vào tháng 11 để phục cho thị trường tết. Anh Dương chia sẻ: Gia đình tôi chủ yếu chuyên về các loại hoa như ly, cúc, dơn… Từ đầu tháng 10 âm lịch, gia đình tôi và các hộ dân khác đã xuống giống cho vụ hoa tết. Tới thời điểm này, các loại hoa đã lên mầm và phát triển tốt. Tuy nhiên, năm nay gia đình cũng xuống giống hoa ít hơn so với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường dự đoán bị thu hẹp so với các năm trước. Cùng với đó, thời tiết cuối năm diễn biến khó lường, nếu không chăm sóc cẩn thận, hoa có thể nở không đúng dịp tết. Do đó, ngay sau khi hoa trồng được 7 ngày, người dân bắt đầu giăng điện thắp sáng vào ban đêm để kiểm soát sự sinh trưởng. Theo thống kê, xã Mỹ Tân có gần 600 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh, với tổng diện tích hơn 90ha; trong đó, thôn Hồng Hà 1 với khoảng 200 hộ trồng trên tổng diện tích 40ha, thôn Hồng Hà 2 với khoảng 210 hộ với tổng diện tích 40ha, thôn Bình Dân với khoảng 180 hộ trồng hoa... Diện tích trồng hoa cúc chiếm khoảng 80%, còn lại là các hoa ly, dơn, cát tường, hồng tỷ muội, loa kèn… Thời điểm này, người dân dành khoảng 50% diện tích để trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán, còn lại 50% diện tích dành để trồng hoa cho thời điểm trước và sau tết. Nhiều địa phương ven thành phố Nam Ðịnh đã tập trung xuống giống, chăm sóc vùng trồng hoa phục vụ đón Xuân Tân Sửu. Làng hoa Phù Long, xã Nam Phong có 4 xóm là Mỹ Tiến 1, Mỹ Tiến 2, Mỹ Lợi 1, Mỹ Lợi 2, với 95% số hộ dân trồng hoa. Tổng diện tích trồng hoa của làng Phù Long gần 100 mẫu, trong đó xóm Mỹ Tiến 1 gần 30 mẫu, xóm Mỹ Tiến 2 trên 30 mẫu, Mỹ Lợi 1 và Mỹ Lợi 2, mỗi xóm khoảng 15-20 mẫu. Loài hoa được trồng ở Phù Long chủ yếu là cúc, chiếm khoảng 80% diện tích trồng hoa. Cúc có nhiều loại như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh; ngoài ra người dân còn trồng các loại hoa khác như đồng tiền, thược dược xen kẽ; hoặc dơn, ly…
Ông Ðỗ Mạnh Hùng ở làng nghề hoa, cây cảnh Ðỗ Bá, thị trấn Cồn (Hải Hậu) chăm sóc vườn phong lan. |
Nghề trồng hoa mang lại thu nhập khá cao, ổn định. Nhiều năm trước, nếu như nghề trồng hoa khá vất vả, sản lượng, chất lượng phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thì nay việc phát triển trồng hoa tại các địa phương trong tỉnh đã dần theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ sự thành công của nhiều mô hình đã giúp người nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang sản xuất hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thị trấn Cồn hiện có 2 làng trồng hoa là Ðỗ Bá và Nguyễn Chẩm A được UBND huyện Hải Hậu công nhận làng nghề. Mỗi làng nghề có khoảng 100 gia đình trồng các loại hoa như: loa kèn, cúc, ly, lay-ơn... với tổng diện tích hơn 20ha. Nghệ nhân SVC Ðỗ Thanh Trường ở tổ dân phố (TDP) 4B là một trong những người đầu tiên sản xuất, kinh doanh các loại hoa từ năm 1995. Ông Trường cho biết: Theo kinh nghiệm trồng hoa vụ tết, ngoài việc đưa vào trồng những loại hoa được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao thì các hộ dân có “mẹo” để bảo đảm có hoa bán liên tục, không bị “đọng” vào thời gian cao điểm. Với hơn 2.000m2 trồng hoa, gia đình tôi không xuống giống ồ ạt mà rải vụ, mỗi lượt cách nhau ít nhất 1 tuần đến 10 ngày. Ðồng thời, thực hiện làm chủ thời vụ bằng công nghệ, như: Che chắn, thắp điện sưởi ấm, kích nở cho hoa... Sau nhiều năm thành công từ việc trồng, nhân giống hoa cúc, dịp tết năm nay, ông Trường mạnh dạn đầu tư 1.000m2 nhà lưới để trồng thêm các loại hoa ly, tuy líp, lay-ơn... Ðồng thời, áp dụng trồng trong nhà màng, nhà lưới... để bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển ổn định của hoa. Nếu thuận lợi ông có doanh thu từ nhà vườn 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. Ðáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều người trồng hoa thị trấn Cồn đã chuyển đổi sang trồng, kinh doanh các loại hoa phong lan, địa lan. Nghệ nhân Ðỗ Mạnh Hùng ở làng nghề hoa, cây cảnh Ðỗ Bá sở hữu nhà vườn hoa phong lan với tổng diện tích 2.000m2 với 3 nhà lưới lắp đặt hệ thống phun tưới tự động công nghệ cao với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Với gần 30 năm kinh nghiệm, uy tín dần được khẳng định, sản phẩm hoa lan của gia đình ông có thị trường tiêu thụ rất rộng, không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Theo tính toán, trừ chi phí, ông Hùng thu được từ 300-500 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Con trai ông Hùng là anh Ðỗ Tất Nhiên mở rộng thêm trồng địa lan với nhiều giống quý như: Ðại thanh, hoàng vũ, thiên ngọc… Quy mô vườn lan của anh Nhiên khá rộng lớn với 3 nhà lưới, tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Chuẩn bị cho các đơn hàng vào dịp Tết Nguyên đán, anh đã đầu tư xây dựng khu nhà lưới để nhân giống một số dòng địa lan quý để giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập.
Ngoài các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh truyền thống như Mỹ Lộc, Nam Trực, tỉnh ta còn có thêm nhiều vùng trồng hoa mới tại các huyện Giao Thủy, Trực Ninh, Hải Hậu... Nhờ kinh nghiệm lâu năm trong chăm sóc và ứng dụng kỹ thuật mới, các làng hoa, vùng trồng hoa luôn đáp ứng đủ cho nhu cầu trong dịp tết. Ở một số địa phương đã xuất hiện mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, hoa ly trong nhà kính, nhà lưới... đạt doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Thời điểm này nhiều khách hàng ở các nơi đã về các nhà vườn lựa chọn đặt hàng. Trong đó, khách mua chủ yếu từ thành phố Nam Ðịnh và các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, thành phố Hà Nội... Về mức giá, cơ bản giữ ổn định như mọi năm. Dự kiến hoa lan sẽ dao động từ 120-150 nghìn đồng/cây; lan thế, địa lan có giá từ 1,5-5 triệu đồng/chậu tùy chủng loại; hoa cúc khoảng 3.000 đồng/bông; hoa ly 35-40 nghìn đồng/cây… Tuy nhiên, để có vụ hoa tết bội thu như kỳ vọng, người trồng hoa đang tìm cách ứng phó với những yếu tố rủi ro về thời tiết, thị trường... nhất là hoa đào và một số loại hoa trồng theo phương pháp truyền thống. Người trồng hoa tích cực đầu tư về kỹ thuật, công nghệ để chủ động trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ với kỳ vọng “được mùa - được giá”./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh