Nghị lực vươn lên của một người khiếm thị

08:12, 18/12/2020

Dù khiếm khuyết về đôi mắt nhưng với ý chí vươn lên, anh Trần Văn Khôi (SN 1982) Phó chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Anh Trần Văn Khôi tẩm quất, bấm huyệt cho khách hàng.
Anh Trần Văn Khôi tẩm quất, bấm huyệt cho khách hàng.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Nam Thái (Nam Trực), khi 4 tuổi, hai mắt anh Khôi mờ dần, đến khi anh học lớp 5 bị mất hẳn thị lực. Thời gian đầu anh luôn bi quan, chán nản và dần thu mình không muốn tiếp xúc với ai. Nhờ tình yêu thương, động viên của gia đình, anh đã dần lấy lại cân bằng sau những tháng ngày nặng nề, buồn tủi. Anh được gia đình cho đi khám, chữa ở nhiều nơi nhưng đều bất lực. Chấp nhận thực tại vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng, anh được người thân xin cho đi học tiếp tại trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội, ngôi trường đặc biệt dành cho người khiếm thị. Thời gian đầu mới học chữ nổi dù khó nhưng anh không bỏ cuộc mà quyết tâm phải biết đọc, biết viết. Ngoài việc học văn hóa, anh còn được đào tạo nghề bấm huyệt, tẩm quất dành cho người khiếm thị. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh thi đỗ vào Trường Đại học Mở Hà Nội trong niềm vui của gia đình, bè bạn. Ngoài giờ học, anh tiếp tục làm thêm ở một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống... Dù không nhìn được ánh sáng nhưng anh Khôi luôn tích cực tham gia các chương trình tình nguyện do sinh viên trong trường tổ chức. Năm 2017, anh Khôi về làm tại cơ sở xoa bóp, tẩm quất của Hội Người mù tỉnh. Với những kinh nghiệm tích lũy được, cuối năm 2017, anh đứng ra thành lập cơ sở xoa bóp, tẩm quất Khôi Nguyên ở thành phố Nam Định. Theo anh Khôi, để mưu sinh, kiếm đồng tiền bằng nghề tẩm quất đối với người khiếm thị không phải dễ. Người hành nghề phải trải qua khoảng 3 tháng đào tạo tẩm quất, bấm huyệt cơ bản và trong quá trình làm việc phải thường xuyên học để nâng cao tay nghề. Với tay nghề vững vàng, cơ sở tẩm quất, bấm huyệt Khôi Nguyên được nhiều người biết đến. Ngoài lượng khách nam, thời gian gần đây, lượng khách nữ đến điều trị tại cơ sở ngày càng tăng. Trung bình một tháng, cơ sở có khoảng 600 khách thì khoảng 30% khách là nữ giới. Khách nữ đến đây có nhiều độ tuổi khác nhau từ hơn 20 tuổi đến 60 tuổi phần lớn đều bị các bệnh về đau đầu, vai, gáy do làm việc công sở… Cơ sở tẩm quất, bấm huyệt Khôi Nguyên thường xuyên tạo việc làm cho 5 người khiếm thị với thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Bùi Thị Thanh làm việc tại cơ sở cho biết: “Do bị khiếm thị bẩm sinh nên tôi tìm học nghề xoa bóp, tẩm quất và vào làm tại cơ sở của anh Khôi. Được làm việc ở đây, tôi rất vui vì có người cùng cảnh ngộ chia sẻ, lại có thu nhập ổn định không sống phụ thuộc vào gia đình”. Ngoài thành công trong kinh doanh, anh Khôi còn có một gia đình hạnh phúc với người vợ khỏe mạnh, thương yêu chồng, con. Đầu năm 2020, anh Khôi mở thêm một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Cơ sở thu hút người khiếm thị ở các huyện Mỹ Lộc, Trực Ninh và tỉnh Hà Nam về làm với mức lương trung bình từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực, anh Khôi luôn năng nổ, nhiệt tình với công tác Hội. Anh dành thời gian để động viên, giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh, tạo niềm tin để họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Bởi vậy, hội viên rất quý mến và dành cho anh những tình cảm thân tình.

Ông Nguyễn Văn Nhất, Chủ tịch Hội Người mù huyện Nam Trực cho biết: “Anh Trần Văn Khôi là người có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năng động, sáng tạo trong định hướng xây dựng và phát triển tổ chức hội cũng như chăm lo đời sống, tạo việc làm cho hội viên”. Những nỗ lực của anh Khôi trong cuộc sống và công việc đã tiếp thêm nghị lực cho những người khiếm thị có thêm nghị lực vượt qua hoàn cảnh, tự lập bằng sức lao động của chính mình, hòa nhập với cộng đồng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com