Mỗi dịp tết đến, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trên ban thờ tổ tiên mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương trầm thơm ngát. Việc thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa. Nén hương khi thắp lên với hương thơm nồng ấm thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu với ông bà tổ tiên. Những ngày cuối năm, những người làm hương truyền thống bước vào thời điểm bận rộn nhất.
Một cơ sở làm hương trên địa bàn huyện Trực Ninh tất bật chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu của thị trường dịp Tết. |
Ông Trần Văn Lương, chủ cơ sở sản xuất hương trầm ở đường Giải Phóng (thành phố Nam Ðịnh) cho biết: “Gia đình có nghề làm hương truyền thống. Ngày xưa, khi chưa có máy móc, mọi công đoạn đều phải làm thủ công nên rất vất vả. Từ việc đi chặt tre đem về cưa thành từng khúc, chẻ nhỏ, vót rồi phơi khô để làm cốt cho đến nghiền bột, phơi hương thành phẩm... đều phải làm bằng tay”. Trước đây, người dân làm hương bằng cách se bằng tay, nên năng suất thấp và hương làm ra cũng không đều, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 8.000 que hương. Nhưng trong mấy năm trở lại đây, khi máy làm hương ra đời, đã giúp cho công việc của người làm hương bớt vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao từ 20 nghìn đến 30 nghìn que hương một ngày, giảm công lao động và cây hương làm ra rất đều, đẹp. Theo ông Lương, trong các công đoạn làm hương, công đoạn trộn keo là khó nhất. Mỗi nhà làm hương có một công thức trộn keo riêng, được giữ như bí quyết gia truyền. Dù đã có máy móc hỗ trợ nhưng người thợ làm hương vẫn phải có sự chỉn chu, tỉ mỉ và đôi bàn tay khéo léo để trộn keo. Keo lúc nào cũng phải đạt được yêu cầu về độ mịn, độ ẩm thì mới có thể bám chặt vào thân hương; nếu pha trộn không đúng cách thì hương sẽ không thơm, cháy không đều hoặc tắt nửa chừng. Nếu như trước đây, trộn keo phải dùng tay để nhồi, dùng chân để dậm thì giờ đây nhờ có máy móc nên tiết kiệm được thời gian hơn. Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, bột và tăm hương sẽ cho vào từng bộ phận của máy để vận hành. Người làm chỉ việc ngồi đợi que hương hoàn thành ra rồi đem phơi. Nếu như người thợ trộn bột cần phải có kinh nghiệm, thì người vận hành máy đòi hỏi phải có sự khéo léo. Mặc dù đây là công việc không quá vất vả nhưng lại mất khá nhiều thời gian. Nếu tăm hương đang làm bị nghẽn, phải nhanh chóng xử lý để cho máy hoạt động trở lại. Thông thường, hương được phơi trên phên tre, để khô tự nhiên. Nếu trời nhiều nắng, hương chỉ cần phơi một ngày, trời ít nắng thì từ hai đến ba ngày. Dịp cuối năm công việc bận rộn nhưng thời tiết lại hay mưa phùn cộng nồm ẩm, gia đình ông Lương phải sử dụng lò sấy để hương khô nhanh và không bị mốc. Vào dịp tết, có nhiều đơn hàng, gia đình ông cùng thợ phải làm ngày, làm đêm mới kịp. Chuẩn bị hương cho vụ Tết Nguyên Ðán Tân Sửu 2021, từ tháng trước gia đình ông đã thuê thêm 3 thợ với mức lương là 300 nghìn đồng/người/ngày. Ông Lương cho biết, thời điểm cuối năm, lượng hương phục vụ cho nhu cầu của thị trường tăng gấp 30-40 lần ngày bình thường. Các thương lái từ các tỉnh như: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... phải gọi điện đặt hàng trước hoặc vào tận cơ sở để nhập hàng. Ngoài hương nén, dịp tết, hương vòng cũng được mọi người sử dụng nhiều. Hương vòng không có tăm tre hay vật cứng để cố định ở tâm hương mà được ép ra sợi bằng máy. Vòng hương được thợ uốn bằng tay thành dạng khoanh tròn từng vòng xoáy trôn ốc, các tầng hương được nối tiếp với nhau bằng sợi chỉ đỏ để tạo nên hình tháp khi cắm lên trụ hương. Hình tròn của hương vòng tượng trưng cho sự đủ đầy sung túc. Ngoài ra, hương vòng cũng có thời gian cháy lâu nhất nên nhiều người còn quan niệm thắp hương vòng còn mang ý nghĩa “đầy đủ, sung túc, dài lâu”.
Không chỉ trên địa bàn thành phố Nam Ðịnh mà tại các huyện Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên…, các cơ sở làm hương cũng đang bận rộn chuẩn bị hàng cho dịp tết. Cơ sở làm hương của anh Phạm Ðình Ðộ, xã Trực Thanh (Trực Ninh) thời điểm này có trên 20 lao động. Cơ sở được đầu tư hệ thống máy móc chuyên dụng; các khâu chẻ lát, vót tăm… đều được thực hiện bằng máy. Với tốc độ làm việc khẩn trương, những tháng cuối năm cơ sở của anh Ðộ cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn hương thương phẩm.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, những ngày tết sẽ không thể thiếu được mùi thơm thiêng liêng của những nén hương trầm. Những người thợ làm hương trong tỉnh với đôi bàn tay khéo léo lại tất bật chuẩn bị hàng phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyễn Ðán Tân Sửu 2021./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa