Khu nhà vườn của nghệ nhân Quốc gia Phạm Minh Châu, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) những ngày này trở nên ấn tượng với khách tham quan. Xen kẽ giữa những cây cảnh lâu năm với tán, thế độc đáo là những hàng quất bonsai được ký trên gốm, lũa cầu kỳ, thể hiện một lối chơi độc đáo, khác biệt, tài hoa của chủ nhà vườn.
Nghệ nhân Quốc gia Phạm Minh Châu, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc quất trong nhà vườn. |
Sinh ra ở làng nghề, ông Châu cũng như nhiều người trong xã biết trồng, chơi cây từ rất sớm. Trước đây các loại cây cảnh mà ông trồng chủ yếu là cây cảnh lâu năm, tập trung vào các loại cây như: xanh, si, tùng la hán… Khoảng những năm 2012, khi cây cảnh lâu năm ở vào thời kỳ bão hòa, ông Châu xoay sang làm cây công trình, cây bonsai. Ông còn nhận thiết kế hòn non bộ, bể cá, sân vườn. Hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, giúp ông mở rộng nhà vườn. Mấy năm gần đây, ông Châu chuyển hẳn sang trồng quất bonsai. “Cơ duyên” để ông quyết định chuyển sang trồng quất là trong lần vào Thanh Hóa thăm một người bạn, ông thấy trong nhà có cây quất nhỏ được trồng vào bình gốm. Chủ nhà cho biết, quá trình trồng không chăm sóc gì nhiều, cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Ðặc biệt cây được ký trên bình gốm mang lại vẻ đẹp rất riêng, hài hòa, độc đáo. “Mê” cách trồng mới, ông Châu về nhà dồn toàn bộ vốn liếng, đầu tư 3 tỷ đồng mua các gốc quất già, các chậu gốm, sứ để về ký cây. “Khi biết tôi có ý định ký quất bonsai trên gốm, một số người trồng quất trong làng còn bảo tôi “điên”. Tuy nhiên, tôi luôn có niềm tin hướng đi mới sẽ thành công”, ông Châu chia sẻ. Nghĩ là làm, ông đến nhiều vùng trồng quất ở các tỉnh, thành phía Bắc tìm mua được trên 1.000 gốc quất già, thế đẹp. Ngoài ra ông còn đến các lò gốm thủ công ở Bát Tràng tìm đặt các chậu gốm, sứ đẹp, lạ về ký cây. Ông Châu lên mạng, tham gia vào các hội nhóm đam mê sưu tầm đồ gốm, sành sứ Trung Quốc để đặt mua thêm các chậu phù hợp. Ðầu tư theo hướng chuyên nghiệp, mới lạ, những cây quất cảnh trồng trên các chậu gốm của ông nhanh chóng thu hút thị trường, được người tiêu dùng yêu thích. Riêng vụ tết năm 2016, ông thu về trên 1 tỷ đồng. Sang đến vụ quất thứ 2, ông Châu cho biết, đã có lãi. Những vụ quất đầu thắng lợi, ông Châu chuyển hẳn sang trồng quất bonsai. Tuy nhiên, theo ông, trồng quất bonsai rất “khó” chăm sóc bởi cho nhiều hoặc ít chất dinh dưỡng đều ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nếu cho phân quá nhiều cây sẽ bị rụng hoa nhưng nếu phân ít, cây sẽ rất dễ bị “sốc” không ra hoa; nếu tưới nhiều hoặc gặp những năm mưa nhiều cũng dễ thất bát. Tháng 7, tháng 8 trời mưa liên tục khoảng 1 tuần là phải phun thuốc chống thối ngay, nếu không lá sẽ nhũn, rụng” - Ông Châu nêu kinh nghiệm. Trồng quất bonsai đã khó, để chăm sóc được những gốc quất già, theo ông còn khó hơn: “Cái khó nhất của việc làm quất thế, quất bonsai là giải quyết được mâu thuẫn cây quất phôi già lâu năm thì thường ít quả và khó chăm sóc. Tôi phải mất một thời gian dài “học nghề”, tìm tòi, thử nghiệm với nhiều thất bại. Mất nhiều đêm không ngủ tôi mới tìm ra cách giải quyết vấn đề nan giải này” - Ông chia sẻ. Trời không phụ công người chịu khó, đến năm thứ 3, ông Châu đã có gần 1.000 gốc quất đẹp. Ðặc biệt, trên mỗi cây quất, tùy theo dáng, thế từng cây ông còn thiết kế thêm các tiểu cảnh bằng những chi tiết trang trí rất riêng. Vì thế, mỗi chậu quất còn mang một câu chuyện, một chủ đề và thông điệp khác nhau giúp cho người thưởng lãm không thấy nhàm chán. Có tác phẩm thể hiện tình phụ tử cha con thắm thiết, có cây thể hiện nghĩa phu thê, có cây mang thông điệp về tương sinh, tương khắc… Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, nhà vườn của ông lại phải đối mặt với sự cạnh tranh. Ở nhiều vùng trồng quất trong tỉnh sau khi thấy mô hình trồng quất bonsai trên chậu gốm, sành sứ của ông thành công đã nhanh chóng “học” theo. Thị trường do đó cũng bão hòa. Ðể duy trì, phát triển nhà vườn, ông Châu chuyển hướng trồng quất bon sai trên gỗ lũa. Theo đó, ông lại đi khắp nơi lùng mua lũa, chọn những dáng lũa lạ mắt, vân lũa đẹp phù hợp để ký cây. Việc chăm sóc những cây quất ký trên gỗ lũa cũng khác biệt so với trồng trên các chậu gốm sứ. Do đó, ông phải tỉnh toán tưới nước và bón phân phù hợp để đảm bảo cây phát triển tốt cùng với thân gỗ lũa và tạo đúng thế như mong muốn. Bắt đầu ghép quất với gỗ lũa từ năm 2018, đến nay nhà vườn của ông có trên 200 gốc quất đẹp. Vụ tết năm 2020, với giá bán 1 cây quất ghép trên gỗ lũa dao động từ 4-7 triệu đồng, tùy vào tuổi thọ, kích thước, thế cây và chất lượng của gỗ cũng như vẻ đẹp tổng thể của toàn bộ tác phẩm. So với giá bán của quất được trồng trong các chậu gốm, sứ, ông Châu cho biết cao gấp khoảng 1,5 lần. Ðây cũng chính là “quả ngọt” ông thu được từ hướng đi mới. Năm 2020, doanh thu từ việc bán quất của nhà vườn đạt trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Anh Ðinh Văn Hường, khách hàng thường xuyên của ông Châu vào mỗi dịp tết cho biết rất yêu thích những cây quất ghép trên gỗ lũa của nhà vườn bởi kết hợp được giữa sự mềm mại, tươi xanh của cành lá quất với chất cứng cỏi, mộc mạc, phong trần in dấu thời gian của thân gỗ lũa; từ đó tạo nên 1 tác phẩm mang vẻ đẹp mạnh mẽ, lôi cuốn, khác biệt. Ngoài trồng quất, nhà vườn của ông Châu hiện đang trồng, kinh doanh các loại cây cảnh lâu năm, cây bonsai, cây công trình… cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Bắc.
Ngắm nhìn vườn quất bonsai của của ông vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước hàng nghìn tác phẩm với dáng thế khác nhau là kết tinh sự tài hoa, sáng tạo của người nghệ nhân. Cả nhà vườn rộng trên 8.000m2 như đang được thắp sáng bởi những cây quất trĩu quả chuẩn bị vào mùa tết. Giữa những hàng quất được bày biện đẹp mắt, tấp nập khách tham quan đi lại ngã giá, hứa hẹn một mùa bội thu./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân