Tại hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ V, giai đoạn 2020-2025 do Hội CTĐ tỉnh tổ chức, một trong những tấm gương tiêu biểu gây ấn tượng mạnh đối với tôi là cụ Hoàng Thị Tuyết Minh, 90 tuổi, cán bộ CTĐ ở phường Mỹ Xá. Sinh năm 1930 tại xã Yên Phong (Ý Yên), bản thân trải qua những thời điểm vô cùng gian khổ, khó khăn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. “Vì vậy, khi thấy những người nghèo khó, tôi thương lắm. Chỉ mong có gì để giúp đỡ họ”, cụ Minh nói. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ là nữ hộ sinh của Bệnh viện Phụ sản Nam Định. Sau khi về nghỉ chế độ, cụ Minh là thành viên tích cực của Hội Người cao tuổi, Hội CCB, Hội Phụ nữ phường. Về hưu có nhiều thời gian hơn cũng là lúc cụ bắt đầu tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo. Ban đầu cụ làm từ thiện theo kiểu “tự phát”, nghĩa là thấy ai khó khăn, vất vả thì giúp đỡ. “Thời đó thì ai cũng khó khăn cả nhưng mình còn có đồng lương, có đồng ra đồng vào chứ nhiều người khổ lắm, không biết trông cậy vào đâu. Khi đó lương tôi mỗi tháng được mấy chục nghìn, tôi không dám tiêu cả, hàng tháng đều đặn trích ra vài nghìn để thấy ai khổ quá thì giúp”, cụ Minh cho biết. Khi Hội CTĐ phường Mỹ Xá được thành lập, cụ Minh cũng là một trong những người xung phong tham gia công tác Hội đầu tiên. Từ đó, cụ có nhiều điều kiện để thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện của mình. Theo đó cụ cùng với các cán bộ trong tổ dân phố, phường Mỹ Xá phát động, triển khai các phong trào nhân đạo như: “Mỗi tập thể, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo”… Cụ Minh nhớ mãi một kỷ niệm: “cách đây vài chục năm, vài nghìn bạc đã là đáng quý nhưng chứng kiến cảnh một gia đình quá nghèo cơm không đủ ăn, người chồng trụ cột trong gia đình bị tai nạn lao động phải cưa chân…, tôi đã rút hết số tiền dành dụm gần cả năm trời để tặng họ hơn 100 nghìn đồng”. 3 năm trở lại đây, mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày cụ Minh vẫn đều đặn đi bộ khắp các ngõ phố để thu gom đồng nát, vỏ chai bán gây Quỹ Nhân đạo. “Nhìn thấy tôi già cả rồi vẫn đi nhặt đồng nát, nhiều người tỏ ra ái ngại còn bảo, bà già như thế, ăn có được bao nhiêu mà còn phải đi nhặt phế liệu. Tôi trả lời, tôi đi nhặt cho vui ấy mà. Nhặt đến đâu tôi đem bán lấy tiền mang xuống phường ủng hộ vào các Quỹ Nhân đạo của Hội CTĐ và MTTQ. Thấy tôi làm được nhiều việc có ích, phường cũng đã biểu dương. Từ đó nhiều người biết việc tôi làm còn chủ động thu gom phế liệu mang xuống cho tôi bán”, cụ Minh vui vẻ kể. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế của đất nước, nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do dịch dã. Để trợ giúp các hộ gia đình nghèo, cụ đi bộ xuống từng nhà trong tổ dân phố vận động kêu gọi ủng hộ quần áo, lương thực thực phẩm. 3 tháng trở lại đây, từ nguồn kêu gọi của cụ, hàng tạ quần áo, nhu yếu phẩm được chuyển đến cho các hộ gia đình nghèo phường Mỹ Xá. Bản thân cụ bỏ ra 1 triệu đồng ủng hộ cho 2 học sinh nghèo vượt khó học giỏi của phường. Cụ cũng trích tiền lương 1 triệu đồng mua khẩu trang ủng hộ Hội CTĐ thành phố để chuyển đến tay những người có nhu cầu. Ghi nhận tấm lòng và những nhiệt huyết của cụ trong phong trào CTĐ, Trung ương Hội, Tỉnh Hội, Thành Hội tặng cụ nhiều bằng khen, giấy khen cao quý.
Cụ Hoàng Thị Tuyết Minh, cán bộ CTĐ phường Mỹ Xá tại hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ V, giai đoạn 2020-2025 do Hội CTĐ tỉnh tổ chức. |
Bà Vũ Thị Lành năm nay 70 tuổi nhưng cũng đã có tới gần 30 năm làm công tác từ thiện nhân đạo. Từng đi bộ đội, biên chế tại Đoàn 22, Tổng cục Hậu cần, những năm tuổi trẻ sôi nổi bà cùng các đồng chí, đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ các sân bay ở Thủ đô Hà Nội. Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, năm 1976, bà Lành được cử đi học tại Trường Trung cấp Thương nghiệp 2 năm. Sau đó bà về công tác tại Công ty ăn uống thành phố Nam Định. 49 tuổi, do điều kiện sức khỏe bà Lành nghỉ hưu. Về địa phương bà rất năng nổ tham gia các hoạt động xã hội ở tổ dân phố, trong phường. Bà Lành hiện là chi hội trưởng chi Hội CTĐ tổ 18, trước đó bà có nhiều năm làm Phó chủ tịch Hội CTĐ phường Vị Xuyên. Tham gia công tác CTĐ, đối với bà Lành đơn giản là có nhiều điều kiện để thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo. Luôn ý thức người làm công tác nhân đạo là người phải có tâm, biết đồng cảm với người nghèo khó, vì vậy, bà thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, để có kế hoạch giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bà Lành chia sẻ: “Trong công tác nhân đạo từ thiện, để những người nghèo, người kém may mắn được chia sẻ, giúp đỡ thì Hội CTĐ đóng vai trò như sợi dây liên kết và người làm công tác Hội phải biết cách vận động, kêu gọi những nhà hảo tâm, biết chia sẻ các phần quà hợp lý đến đúng người, đúng đối tượng. Có như vậy các tổ chức, cá nhân mới tin tưởng, hỗ trợ với Hội lâu dài”. Bà luôn tranh thủ sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, sự chung tay của các ngành, đoàn thể tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam trong tổ dân phố đều có quà tết. Trong 5 năm qua, bà đã vận động cấp phát được hàng trăm suất quà, trực tiếp vận động các nhà hảo tâm trợ giúp thường xuyên cho một số địa chỉ nhân đạo ở tổ dân phố và phường Vị Xuyên. Từ năm 2009 đến nay bà cùng với người cô ruột thành lập một nhóm từ thiện với 20 người đều đặn vào dịp tết về trại phong Văn Môn trao 200 suất quà cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây. Cũng đã thành thông lệ, tháng 2 hàng năm bà Lành tiến hành vận động quyên góp và trực tiếp đi trao hàng trăm suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát sau tết, bà Lành vừa tự vận động vừa dùng tiền cá nhân quyên góp được 6,3 triệu đồng chuyển đến Hội CTĐ thành phố và phường Vị Xuyên. Bà Lành nhớ mãi những kỷ niệm trong suốt gần 3 chục năm làm công tác từ thiện. Ấy là khi bà đến vận động một hộ gia đình có con nghiện trong phường tham gia công tác CTĐ nhưng bị họ chửi mắng thậm tệ. Không nề hà, bà thường xuyên xuống trò chuyện, tâm sự, giúp đỡ cả về mặt vật chất, tinh thần. “Mưa dần thấm lâu”, người thân trong gia đình đó ngày càng hiểu hơn về các hoạt động CTĐ, “tin yêu” người cán bộ nhiệt huyết để rồi cả gia đình vui vẻ tham gia công tác CTĐ. Hay lần đến thăm một gia đình nghèo 3 thế hệ sống trong một căn nhà có diện tích 12m2, con bị nghiện…, bà đã chủ động đề xuất trích Quỹ Nhân đạo hỗ trợ rồi xin việc cho con cái họ. “Có lẽ cũng do cảm nhận được tấm lòng của tôi, sau này các cháu đều chủ động đi cai nghiện làm lại cuộc đời và có công ăn việc làm ổn định. Bản thân tôi khi chứng kiến những thay đổi tích cực ấy cảm động đến phát khóc. Giúp được người khác, tôi thấy lòng mình cũng hoan hỉ”, bà Lành cho biết thêm. Chồng bà Lành vốn là một bác sĩ có tiếng, quá trình phụ ông khám bệnh, biết hoàn cảnh ai nghèo khó bà Lành cho cả tiền khám lẫn tiền thuốc…
Đối với những người làm công tác CTĐ cấp cơ sở, với họ công việc xuất phát chủ yếu từ cái tâm, tình thương người như thể thương thân. Vì hầu như họ không có chế độ đãi ngộ. 2 cán bộ Hội CTĐ mà chúng tôi gặp là những con người như thế. Trong hành trình tìm đến việc thiện, làm việc thiện, bàn chân họ chưa một ngày ngơi nghỉ. Đó là những tấm lòng nhân ái toả sáng giữa đời thường vô cùng đáng quý cần được vinh danh, trân trọng./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân