Người mang phở Nam Định đến Trường Sa

07:09, 04/09/2020

Anh Vũ Ngọc Vượng (43 tuổi) sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề phở tại thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực). Anh là người may mắn được 2 lần ra Trường Sa nấu hàng nghìn tô phở tặng các cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, anh sở hữu chuỗi 5 cửa hàng phở có tiếng mang tên Phở Ngọc Vượng ở thành phố Hà Nội.

Anh Vũ Ngọc Vượng (áo đỏ) chuẩn bị nguyên liệu chế biến món phở Nam Định tặng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang.  Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Anh Vũ Ngọc Vượng (áo đỏ) chuẩn bị nguyên liệu chế biến món phở Nam Định tặng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang. Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Gìn giữ hồn cốt phở Nam Định

Sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề phở, từ nhỏ cuộc sống của Vũ Ngọc Vượng đã gắn liền với hương vị phở đặc trưng làng nghề. Năm 1993, anh theo bố lên Hà Nội hành nghề. Từ sáng tinh mơ anh đã đi giao bánh phở cho các quán. Sau đó, anh phụ giúp bố, mẹ công việc hàng quán rồi thành thạo các quy trình làm nghề từ lúc nào không hay. Năm 1997, trước khi mở hàng phở đầu tiên, anh đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hàng phở trên địa bàn Hà Nội, sau đó kết hợp với công thức của ông nội truyền lại để tạo ra hương vị riêng, đó là cho thêm chút hạt mùi ta rang vàng, bọc vải, cho vào nồi nước dùng, bên cạnh các hương liệu quen thuộc như gừng nướng, hành nướng, hoa hồi, quế chi… Tổng kết trong tháng đầu tiên quán phở của anh đã phục vụ tới gần 1.000 khách/ngày. Năm 2006, anh đăng ký bản quyền thương hiệu “Phở Ngọc Vượng” với logo có chữ “PNĐ” (Phở Nam Định viết tắt) và hình chiếc lá bánh phở. Anh đã gặt hái nhiều thành công như: Đoạt giải Nhất của hội thi nấu phở uy tín lần đầu tiên được tổ chức năm 2006 bởi Tập đoàn ACCOR và Khách sạn Quốc tế Sofitel Metropole tại Hà Nội trong chương trình tôn vinh nghề phở Việt Nam. Cuối năm 2006, anh đã được tín nhiệm giao phục vụ món phở (liên tục trong gần 2 tuần) cho đại biểu, quan chức cao cấp và thành viên tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 ở Hà Nội. Năm 2007, chứng kiến sự phát triển của những mô hình mới như các chuỗi nhà hàng phở, anh Vượng đã nghĩ đến việc nâng cấp các cửa hàng để bắt kịp xu thế. Anh đã phát triển lần lượt năm cửa hàng ở thành phố Hà Nội. Tâm sự về việc xây dựng chuỗi cửa hàng phở mang thương hiệu Phở Ngọc Vượng, anh cho biết: Để làm hệ thống nhà hàng phở không đơn giản vì phải đảm bảo số lượng và chất lượng đầu bếp. Bởi vậy trước khi đưa ra ý tưởng xây dựng chuỗi cửa hàng phở, anh Vượng đã đầu tư đào tạo đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng phục vụ ở từng cửa hàng và anh vẫn thường xuyên trực tiếp đứng bếp. Anh có thói quen quan sát thái độ khách hàng sau khi ăn, nếu thấy ai đó bỏ dở bát phở anh đều hỏi rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, chuỗi cửa hàng phở của anh Vượng là điểm đến quen thuộc của nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2019, Phở Ngọc Vượng vinh dự lọt vào top 10 thương hiệu phở được yêu thích nhất do Báo Tuổi Trẻ tổ chức bình chọn. Là người đam mê làm phở, Vũ Ngọc Vượng còn có nhiều ý tưởng táo bạo. Anh từng sáng tạo ra nhiều “con đường phở” để chinh phục các thực khách. Từ những tiệc buffet phở với những món: phở bò chín, phở bò tái, phở gầu, phở gân, phở chiên giòn, phở xào mềm, phở sốt vang, phở xào lăn, phở cuốn... cho đến các cuộc thi nấu phở, các hoạt động từ thiện tặng phở miễn phí tại những nơi có điều kiện khó khăn. Anh Vượng đã được tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương danh dự vì đóng góp tích cực cho sự phát triển của Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam 20 năm qua (1993-2013).

Kỷ niệm 2 lần mang phở ra Trường Sa

22 năm kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, đặc biệt là trong lĩnh vực phở gia truyền, Vũ Ngọc Vượng luôn khao khát được tự tay nấu những bát phở Nam Định đặc biệt thơm ngon phục vụ các chiến sĩ ngoài biển đảo, mang hương vị ngọt ngào của đất liền đến với Trường Sa. Năm 2013, mong ước của anh trở thành hiện thực khi anh được cùng đoàn công tác Thông tấn xã Việt Nam ra Trường Sa. Trong chuyến đi, anh đã đặt mục tiêu tặng 1.000 bát phở cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đoàn đến thăm. Từ lúc nhận lời tham gia đoàn công tác, Vũ Ngọc Vượng luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để giữ được chất lượng những bát phở trong điều kiện vận chuyển dài ngày? Các nguyên vật liệu sẽ được bảo quản ra sao trong suốt hành trình lênh đênh trên sóng gió? Anh Vượng đã tự thử nghiệm nhiều phương pháp; tự tay tráng bánh phở vừa đảm bảo độ bông, xốp, đồng thời phải dày dặn để có thể chịu được trong điều kiện vận chuyển thời gian dài. Còn nước dùng, gia vị và thịt bò anh chọn giải pháp nấu nước dùng tại đất liền rồi cấp đông, mang đến từng đảo. Toàn bộ rau thơm, gia vị được chế biến trước, hong khô rồi bọc cẩn thận. Trong chuyến đi, gần 40 thùng hàng các loại đã được bao gói, đóng thùng dán tem cẩn thận mang dòng chữ “Thông tấn xã Việt Nam - Quân chủng Hải quân - Phở Ngọc Vượng - Quà tặng Trường Sa”. Anh Vượng chia sẻ: “Lần đầu tiên được bước chân lên con tàu HQ 561, tôi yên tâm khi tất cả các trang thiết bị dụng cụ nhà bếp, phòng lạnh, phòng tủ đông đều tốt đảm bảo giữ được thực phẩm tươi”. Khi tàu gần đến đảo Sơn Ca, mặc dù còn say sóng, nhưng anh Vượng vẫn dậy sớm chuẩn bị đồ, thực phẩm, sẵn sàng lên xuồng vào đảo để chiêu đãi cán bộ, chiến sĩ món phở. Sau hơn hai giờ vừa rã đông, đun nước dùng và thái thịt… anh đã nấu được gần 300 bát phở phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Những ngày tiếp theo, anh Vượng tiếp tục công việc nấu hơn 700 bát phở để phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên các đảo Nam Yết, đảo Trường Sa lớn. Tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đều cảm động vì sự quan tâm đặc biệt của đất liền bởi Trường Sa chưa từng một lần đón đầu bếp nấu phở. Sau chuyến đi, anh được Quân chủng Hải quân Việt Nam trao Huy hiệu danh dự “Chiến sĩ Trường Sa” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Năm 2017, Vũ Ngọc Vượng tiếp tục đồng hành cùng đoàn công tác của Thông tấn xã Việt Nam ra Trường Sa. Với kinh nghiệm từ chuyến đi đầu tiên, tưởng chừng việc bảo quản nguyên liệu sẽ dễ dàng nhưng lần này con tàu HQ996 thế hệ cũ không có hệ thống hầm lạnh chứa thực phẩm. Vậy là anh cùng đoàn công tác tự chuẩn bị tủ đông để bảo quản nguyên liệu. Anh Vượng cho biết: Trong cả 2 lần đưa phở đến với Trường Sa, cùng đi với anh là nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Trung tâm ảnh Thông tấn xã Việt Nam - một người am hiểu về phở. Sau hơn hai ngày lênh đênh trên biển, tàu đến đảo Đá Lát, anh cùng nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ dậy từ sớm lo rã đông các nguyên liệu, sau đó cùng các chiến sĩ Hải quân chất nguyên liệu lên chuyến xuồng đầu tiên. Vào đảo, hai người lập tức nổi lửa, chế biến nước cốt thành nước dùng, thái thịt, thái hành, rửa rau thơm... Có những ngày trong hành trình, đoàn lên hai đảo. Anh phải chuẩn bị kỹ hơn, lo phân chia sức để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các chiến sĩ. Tiếp đó, đoàn lần lượt đến các đảo Trường Sa lớn, Đá Tây, Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang, Tốc Tan A, nhà giàn DK1, 2, 2.000 suất phở do anh Vượng chế biến đều được cán bộ, chiến sĩ hải quân cũng như những cư dân trên đảo đón nhận nồng nhiệt. 

Là một trong những thành viên của Hội đồng hương Vân Cù lập nghiệp tại Hà Nội, anh Vượng luôn sẵn sàng giúp đỡ những người mới vào nghề về kỹ thuật, tư vấn kinh nghiệm để các quán phở hoạt động hiệu quả. Với anh, việc gìn giữ và phát huy hồn cốt của Phở Nam Định là trách nhiệm mỗi người làm nghề./.

Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com