Tỉnh ta có hơn 2.000 tàu, thuyền đánh cá với khoảng gần 6.000 lao động trực tiếp trên tàu cá. Với số lượng lớn tàu cá như vậy nên đội ngũ thợ máy tàu cá khá đông đảo, tập trung ở các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy.
Thợ máy ở cơ sở sửa chữa tàu cá Phú Sơn, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) sửa máy tàu cho ngư dân vươn khơi. |
Từ lâu, những người thợ máy tàu cá đã gắn bó thân thiết với những ngư dân để giúp những con tàu vươn khơi bám biển an toàn. Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sửa chữa máy tàu cá của tỉnh bởi lượng tàu cập cảng cá Ninh Cơ khá nhiều. Mỗi xưởng sửa chữa ở đây có 3 đến 10 người thợ. Họ cặm cụi làm việc bên những cỗ máy cồng kềnh, ám mùi dầu nhớt với đủ loại linh kiện máy móc. Có mặt tại xưởng sửa chữa máy tàu cá Phú Sơn, thị trấn Thịnh Long, một cơ sở có tiếng, được nhiều ngư dân tin tưởng, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào sự vất vả, khó nhọc của những người thợ sửa máy tàu cá. Khi chúng tôi đến xưởng, 5 thợ máy đang tất bật bảo dưỡng 5 máy tàu cá có công suất từ 400-800CV, còn 2 thợ khác thì đang làm việc tại các tàu cá neo đậu tại cảng cá Ninh Cơ. Ấn tượng đầu tiên về họ là những chiếc áo thấm đầy mùi dầu máy, tay chân, mặt mũi lấm lem, rám nắng vì năm tháng với nghề. Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 35-40 độ những người thợ vẫn phải chui vào hầm máy để tháo, lắp máy tàu. Có những bộ phận của tàu nặng hàng tạ cũng phải cố gắng dùng sức để vác. Có những lần sơ suất để sắt đè vào tay, chân xây xát, bong gân. Chưa kể, họ còn thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, bụi bặm lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe. Đưa tay lên lau vết dầu nhớt bắn lên mặt, anh Đỗ Văn Trường, một thợ máy trẻ tuổi với 5 năm trong nghề cho biết: “Vì gia đình khó khăn nên học xong cấp 2, tôi đi học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 20 ở thành phố Nam Định. Sau đó tôi lại tiếp tục vào miền Nam để học tiếp, nâng cao nghiệp vụ sửa chữa tàu. Nghề này phải học từ 3-5 năm, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, theo bản thân tôi nhận thấy nghề gì cũng vậy, ngoài những kỹ năng được dạy và học, tự bản thân mày mò, học hỏi trong thực tế là những bài học hiệu quả nhất, hữu ích nhất, giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm một cách nhanh chóng. Làm nghề này vất vả lắm. Ngoài kinh nghiệm ra, chỉ những người có sức khỏe, kiên trì mới làm được. Nhưng mỗi khi giúp ngư dân sửa chữa tàu xong tôi cảm thấy rất vui. Những lời cảm ơn chân thành của bà con chính là sự động viên, an ủi chúng tôi cố gắng gắn bó với nghề”. Ông Nguyễn Xuân Bắc, một thợ cả với thâm niên hơn 20 năm trong nghề tâm sự: “Sinh ra và lớn lên tại làng quê biển, tôi hiểu rõ những nguy hiểm, nỗi nhọc nhằn của những chuyến vươn khơi xa dài ngày. Những chuyến đi lênh đênh trên biển với sóng to gió lớn làm ảnh hưởng không nhỏ tới tàu cá. Với mỗi tàu cá, máy tàu chính là bộ phận quan trọng nên với kinh nghiệm làm nghề hơn 20 năm của bản thân, tôi luôn cố gắng vận dụng hết kinh nghiệm, kiến thức của bản thân để sửa chữa máy tàu”. Không chỉ sửa chữa tại xưởng mà còn có những thợ sửa chữa lưu động. Có những ngư dân gặp sự cố khi đang lênh đênh trên biển, không thể tự khắc phục được nên đã gọi điện về “cầu cứu” thợ sửa chữa. Mỗi khi gặp sự cố như thế, những thợ máy tàu phải tức tốc “lên đường” đem theo trang thiết bị, thuê tàu ra tận nơi để sửa chữa, giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản. Mỗi người thợ máy tàu cá đều tâm niệm khi sửa chữa hay bảo dưỡng máy tàu cá phải làm rất cẩn thận, tỉ mỉ, với mong muốn những con tàu sau mỗi chuyến ra khơi trở về an toàn. Dưới hầm máy nóng bức, ngột ngạt mùi dầu nhớt, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại, lấm lem dầu mỡ. Thường thì sửa chữa lưu động, các thợ máy không có sự hỗ trợ từ các thiết bị máy móc hiện đại nên phải dùng sức. Nhưng với kinh nghiệm và nhiệt huyết với nghề, chỉ sau 2, 3 giờ đồng hồ, tùy theo tình hình hỏng hóc là những người thợ đã hoàn thành việc sửa chữa. Ngư dân Trần Văn Chiến, xã Hải Chính (Hải Hậu) chia sẻ: “Gắn bó với nghề biển hàng chục năm, hầu hết những ngư dân như tôi chỉ có kinh nghiệm đánh bắt cá chứ về máy móc tàu cá thì không rành. Nếu không có những thợ sửa chữa máy tàu nhanh nhẹn, hết lòng và chuyên nghiệp kịp thời ứng cứu thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tàu hoạt động hư hỏng ở đâu, chỉ cần gọi điện thoại là được sửa chữa. Chính vì vậy, chúng tôi yên tâm vươn khơi hơn, đồng thời cũng phần nào giảm thiểu được chi phí”. Nghề sửa chữa máy tàu chẳng khác so với nghề sửa xe máy, ô tô, sửa xong tùy theo mức độ hư hỏng và phụ tùng thay thế để tính công. Do có thợ đến tận nơi sửa chữa nên chủ tàu tiết kiệm được một phần chi phí đi lại.
Qua những cuộc trò chuyện vui vẻ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của những người thợ máy tàu cá, những người đã giúp ngư dân vững lòng bám biển. Không chỉ gắn bó với nghề vì miếng cơm, manh áo mà mỗi người thợ sửa máy tàu còn đóng góp một phần nhỏ của mình vào công tác bảo vệ ngư trường, biển đảo, vì họ đã đồng hành, tiếp sức với ngư dân./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa