Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xóm An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh), anh nông dân Trịnh Văn Diện đã vinh dự là một trong những người lao động tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 bởi tinh thần dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tích cực hỗ trợ nhân dân trong vùng làm giàu từ đồng đất quê hương.
Anh Trịnh Văn Diện, xóm An Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh) kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của lúa bố mẹ dòng TH3-3. |
Chỉ mới 8 năm chuyên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhưng anh Diện đã sở hữu khu ruộng rộng 22 mẫu với công thức luân canh 2 vụ lúa giống, 1 vụ khoai tây đông, ngoài ra còn hàng chục loại máy nông nghiệp do anh tự sáng chế như một kỹ sư thực thụ. Đây là một thành quả đáng kể đối với một kỹ sư ngành cơ khí chế tạo máy chứ đừng nói là với một nông dân thuần như anh Diện. Anh chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, khó đến đâu ta tìm cách khắc phục đến đó”. Năm 2012, sau nhiều biến cố gia đình, anh bỏ công việc ở Hà Nội, trở về, quyết tâm làm giàu từ đồng đất quê hương và chăm cho các em ăn học cũng như gia đình nhỏ của mình. Bắt tay vào sản xuất, anh thuê 22 mẫu ruộng cánh bãi sông Hồng. “Vạn sự khởi đầu nan” trong quá trình cải tạo đất, đặc biệt cần tiền vốn để mua các loại máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp. Hơn nữa, qua tìm hiểu và thực tế sản xuất, anh nhận thấy nhiều loại máy móc trên thị trường không hẳn phù hợp với thực tế sản xuất ở địa phương như: quy mô sản xuất nhỏ khiến công suất máy dư thừa; đường nội đồng lúc đó còn nhỏ, rất khó đưa máy móc ra ruộng; thiếu những chi tiết máy dùng vào các công đoạn nhỏ như vun luống, thu hoạch khoai, lạc; gieo hạt… Vậy là anh quyết tâm tìm tòi nghiên cứu giải quyết lần lượt từng yêu cầu của việc cơ giới hóa phục vụ sản xuất. Được một người bạn tặng cho cuốn sách “Cẩm nang cơ khí nông nghiệp”, anh mua lại của hợp tác xã chiếc máy cày MTZ cũ để mày mò nghiên cứu, lắp ghép thêm các loại công cụ, chi tiết khác gắn vào phần động cơ máy cày phục vụ các khâu sản xuất. Chiếc máy sau khi được cải tạo đã trở thành máy “đa năng”, khi thì dùng bơm nước chống hạn, úng lụt; lúc lại làm đất, đánh luống, xẻ rãnh, tra hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, tưới nước và thu hoạch... Trong rất nhiều thiết bị máy nông nghiệp do anh chế tạo, tôi đặc biệt ấn tượng với thiết bị phun thuốc trừ sâu bởi việc phun thuốc sâu theo cách truyền thống bằng thủ công vừa chậm lại rất hại cho sức khỏe nông dân. Anh Diện đã sử dụng hệ thống vòi phun thuốc, bình bơm gắn vào máy cày và cài đặt tốc độ phun. Bình đựng thuốc trừ sâu cũng được chế lại không phải đeo trên vai người lao động mà là hai chiếc thùng phi 200 lít gắn đằng sau động cơ để vừa di chuyển, vừa phun thuốc. Ước tính cứ 1 giờ dùng máy phun thuốc trừ sâu sẽ thay thế cho 2 công lao động mà lại giảm tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe nông dân. Toàn bộ 22 mẫu ruộng cấy lúa của gia đình dùng máy phun thuốc sâu chỉ trong vòng 1 ngày là xong thay vì phải mất 3-5 công làm trong 3 ngày mới xong như trước. Nhờ thiết bị cải tiến hiệu quả này đã giúp việc sản xuất của trang trại được cơ giới hóa tối đa, đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản xuất. Một sản phẩm khác là thiết bị tưới tự động được anh Diện thiết kế dùng áp lực nước lớn, xoay tròn và chia nhỏ tia nước để đảm bảo cây trồng trong phạm vi đường kính 30m được tưới nước theo thiết lập của người điều khiển thiết bị. Thiết bị này đặc biệt hữu ích với diện tích trồng màu lớn vừa tiết kiệm nước, nhân công mà chi phí ít hơn rất nhiều so với đầu tư bộ dụng cụ tưới nước tự động theo công nghệ Israel đang phổ biến trên thị trường. Với hệ thống thiết bị nông nghiệp này, anh Diện không chỉ phục vụ sản xuất cho gia đình mình và còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng cũng như một số tỉnh lân cận. Anh cho biết: Việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất đã mang lại lợi ích lớn không chỉ kịp thời vụ, giảm lao động thủ công và tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nguyên liệu mà còn đảm bảo an toàn cho người lao động. Quá trình nghiên cứu cải tiến, thiết kế máy giúp anh có thêm nhiều kiến thức, từ đó làm chủ kỹ thuật, có thể nhanh chóng cải tiến các thông số kỹ thuật máy cho phù hợp với đồng đất địa phương, lại không bị động phụ thuộc, chờ đợi chuyên gia về sửa chữa mỗi khi máy bị trục trặc. Vừa chế tạo máy công cụ, anh vừa chịu khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại 22 mẫu ruộng anh dành riêng cho sản xuất lúa giống và trồng khoai tây vụ đông. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về 40 tấn lúa giống và 30 tấn khoai tây. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình anh đạt trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 15 đến 20 lao động địa phương. Điều đặc biệt do áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích canh tác lớn nên sản phẩm thóc giống và khoai tây thương phẩm của gia đình anh sản xuất luôn đạt năng suất, chất lượng cao. “Tiếng lành đồn xa”, trang trại của gia đình anh đã trở thành địa chỉ tin cậy để các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu, đề nghị hợp tác sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Với vai trò là Chi hội trưởng chi Hội Nông dân xóm An Trạch, từ thành công thực tế của bản thân, anh Diện đã tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua phát triển kinh tế, tích cực tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất, đóng góp tích cực cùng chính quyền xã thực hiện phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Do đó xóm An Trạch luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của xã cũng như đạt năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao nhất xã.
Đam mê sáng tạo, anh Trịnh Văn Diện là điển hình tiêu biểu cho hàng trăm nghìn nông dân trong tỉnh yêu lao động, không chịu “đầu hàng” khó khăn say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, giải quyết những trở ngại trong quá trình lao động sản xuất, đóng góp hiệu quả vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương