Nghề vớt "lộc biển"

05:09, 11/09/2020

Rau câu là một loại tảo giàu chất dinh dưỡng, được sử dụng trong chế biến thực phẩm, nước uống giải khát... Do có sẵn trong tự nhiên lại không mất công nuôi trồng, nhiều hộ dân nuôi thủy sản khu vực ngoài đê ven biển các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã tận dụng mùa rau câu phát triển, khai thác để tăng thu nhập. Người dân nơi đây thường gọi vui nghề khai thác rau câu là nghề vớt “lộc biển”.

Rau câu phát triển mạnh từ tháng 2 tới tháng 6 (âm lịch) hàng năm. Trước kia, rau câu phát triển ở các vùng đầm, bãi nhưng người dân không khai thác do thị trường không có nhu cầu. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các nhà máy thạch rau câu phát triển, nhu cầu thu mua rau câu lớn nên người dân bắt đầu khai thác. Rau câu phát triển tự nhiên, theo mùa, nếu không thu hoạch đúng thời điểm, hết mùa rau câu cũng tự chết. Vì vậy có nhiều hộ dân nuôi thủy sản ven biển sẽ tận dụng lúc chưa nuôi thả thủy sản để khai thác rau câu, sau khi khai thác xong sẽ làm sạch đầm để nuôi thủy sản vụ mới. Không chỉ nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, ông Vũ Mạnh Bằng ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) còn kiếm thêm hàng chục triệu đồng nhờ khai thác rau câu tự nhiên trong đầm. Ông cho biết: Gia đình tôi có hơn 1ha diện tích đầm nước mặn để nuôi thủy sản. Sau khi khai thác thủy sản, từ tháng 9 âm lịch, tôi tháo nước vào đầm để rau câu theo con nước vào rồi phát triển tự nhiên. Đến khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch tôi khai thác hết rau câu rồi làm sạch đầm để chuẩn bị cho vụ nuôi thủy sản mới. Rau câu sau khi vớt lên được rửa sạch rồi phơi nắng. Nếu nắng to thì chỉ 2 nắng là rau câu có thể thu gom được, sau đó được đóng gói rồi chờ thương lái đến tận nơi thu mua. Rau câu được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ bán. Vào mùa nắng nóng, rau câu được xem như thực phẩm “vàng” để giải nhiệt  nên nhu cầu thu mua rau câu càng lớn, giá bán cũng cao hơn. Một kg rau câu phơi khô có giá từ 4 đến 6.000 đồng, trung bình mỗi mùa rau câu, các hộ thu được khoảng từ 20-40 triệu đồng, giúp cho người dân có diện tích nuôi thủy sản ở khu vực ven biển của tỉnh có thêm thu nhập.

Ông Vũ Mạnh Bằng, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) phơi rau câu.
Ông Vũ Mạnh Bằng, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) phơi rau câu.

Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) nằm ở phía nam cửa sông Hồng, có hệ sinh thái ngập mặn ven biển phong phú nên có sản lượng thủy sản tự nhiên dồi dào, trong đó, nguồn rau câu tự nhiên cũng khá lớn. Nhằm tạo điều kiện cho người dân sống ở các xã khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia gồm Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Hải, Giao Xuân có thêm nguồn thu nhập, từ năm 2012 Ban quản lý Vườn quốc gia đã cho phép người dân được khai thác thủy sản tại vùng lõi. Chúng tôi về Vườn quốc gia Xuân Thủy vào những ngày mùa khai thác rau câu, người dân nơi đây đang tranh thủ những ngày “được nắng” để vớt râu câu lên bờ phơi khô. Trung bình mỗi ngày, một người khai thác được 5-7 tạ rau câu tự nhiên tại Vườn quốc gia Xuân Thủy với giá trị ngày công khoảng 200 nghìn đồng. Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Giao Xuân (Giao Thủy) cho biết: “Việc khai thác rau câu tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy giúp gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Ban quản lý Vườn quốc gia đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi được khai thác thủy sản, rau câu tại đây nên tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình, khai thác hợp lý, không làm ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên của Vườn quốc gia”. Đồng chí Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện cho người dân các xã vùng đệm của Vườn quốc gia khai thác thủy sản tự nhiên và được phép thả thêm một số đối tượng nuôi để người dân có thêm thu nhập. Các hoạt động này đều được quản lý, người dân phải tuân thủ các quy định bảo đảm sinh kế của họ không gây hại đến môi trường sinh thái tự nhiên của Vườn quốc gia”. Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình khai thác thủy sản của người dân, đôn đốc, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức cá nhân, trách nhiệm trong việc bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên.

Để nghề khai thác rau câu tự nhiên phát triển ổn định, bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức để khai thác an toàn, hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa quá trình khai thác, sản xuất và chế biến rau câu để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com