Du nhập về Hải Hậu từ những năm 1995 và cho hiệu quả kinh tế khá cao nên cây thanh long giờ đây đã trở thành cây trồng quen thuộc với đất và người nơi đây. Trong huyện, có rất nhiều xã trồng thanh long, một số xã trồng nhiều như Hải Đường, Hải Bắc, Hải Thanh, Hải Châu, Hải Lộc, Hải Minh... Thời điểm hiện tại, ở các nhà vườn, mùa thanh long đang vào chính vụ. Trên những trụ cây rực lên màu đỏ của thanh long chín.
Ông Đỗ Văn Thường, xóm 10, xã Hải Thanh (Hải Hậu) chăm sóc vườn thanh long của gia đình. |
Gia đình ông Đỗ Văn Thường, xóm 10, xã Hải Thanh trồng thanh long đến nay cũng đã được 4-5 năm. Hiện vườn nhà ông có trên 50 trụ thanh long. Ban đầu, ông không có ý định trồng giống cây này nhưng sau thấy nhiều gia đình trong xã trồng, ông cũng “học theo”. Trước khi bắt tay vào trồng thanh long, ông đã đi tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Sau đó, ông xin giống của một người quen rồi về nhà ươm, để cây phát triển tự do. Sau 1 năm, hợp chất đất, thổ nhưỡng, cây cho hoa rồi ra quả sai trĩu, ông Thường quyết định nhân rộng ra cả vườn. Để trồng thanh long, ông chuẩn bị rất kỹ khâu làm đất bởi theo ông, cây trồng có tốt, sai quả, ít sâu bệnh đều do chất đất. Theo đó, ông xáo xới đất vườn, phơi nắng phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh. Chuẩn bị đất xong, ông làm trụ bê tông cao khoảng 1,8m. Với giá 80 nghìn đồng/trụ, ông Thường đầu tư hết gần 5 triệu đồng. Sau khi chôn xong trụ, ông đào xung quanh trụ, độ sâu từ 10-20 cm, bán kính 1,5m, bón lót phân chuồng, phủ thêm một lớp đất nhẹ rồi mới đặt hom giống. Mỗi trụ, ông cấy khoảng 4 hom, cho cây bò vào thân trụ bê tông. Cách khoảng 3m, ông cấy 1 trụ. Khi cây đã bắt đầu bám vào trụ, ông dùng vải mềm bó chặt ngọn vào thân trụ bê tông hoặc gốc cây cao. Theo ông Thường, thanh long là giống cây dễ trồng lại không tốn nhiều công chăm sóc, tưới tiêu, sâu bệnh cũng ít. Mặc dù thanh long chịu hạn giỏi, nhưng nếu nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và giảm năng suất quả. Do đó, ông rất coi trọng việc cung cấp nước tưới đầy đủ cho cây. Tùy vào độ ẩm của đất mà cách từ 3-7 ngày, ông lại tưới cho thanh long 1 lần. Căn cứ vào tính chất đất, độ tuổi, sản lượng của cây, ông cũng tính toán để bón lượng phân phù hợp. Theo đó, 1 năm ông bón phân cho cây khoảng 4 lần. Nhằm ngày mưa, ông ra vườn vãi phân cho thanh long để cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Các loại phân mà ông dùng là NPK, phân chuồng, phân hữu cơ, phân lân… Cũng theo ông Thường, thanh long mà đặc biệt là giống thanh long ruột đỏ tương đối ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên để phòng trừ các loại côn trùng như kiến, bọ xít, ruồi vàng, các bệnh thối đầu cành, đốm nâu trên cành, nám cành…, ông sử dụng thêm một số thuốc đặc trị để phun cho cây. Chăm sóc hợp lý, vườn thanh long của ông Thường nhanh chóng cho quả, đạt sản lượng cao. Theo ước tính của ông, năm đầu mỗi gốc thanh long chỉ cho sản lượng khoảng 10 kg/trụ. Từ năm thứ hai, cây đã ổn định hơn nên sản lượng cũng tăng cao hơn, khoảng 20 kg/trụ. Đến năm thứ 3, nếu được chăm sóc tốt, cây sẽ cho thu hoạch 30 kg/trụ. 2 năm trở lại đây, trung bình mỗi vụ thanh long, ông Thường thu được hơn 1 tấn quả. Đầu mùa, với mức giá nhập bán cho thương lái tại vườn khoảng 20 nghìn đồng/kg, giữa mùa dao động từ 10-15 nghìn đồng/kg; mỗi vụ thanh long, trừ chi phí ông thu về trên dưới 20 triệu đồng. Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây thanh long, ông Thường khẳng định: “Trồng thanh long cho thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa. Với các ưu thế, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu ít, tuổi thọ cây khá cao, khoảng 20 năm và nhanh cho thu hoạch nên khả năng thu hồi vốn đối với các chủ nhà vườn rất nhanh”. Hiện nay, thanh long trồng trên địa bàn tỉnh nói chung tương đối dễ tiêu thụ, đến mùa, thương lái vào tận nhà vườn thu mua, các chủ nhà vườn cũng không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho sản phẩm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây thanh long, không chỉ riêng gia đình ông Thường, nhiều hộ gia đình khác ở Hải Thanh đã cải tạo đất vườn để trồng giống cây này. Thanh long sẽ cho thu hoạch liên tục trong vòng khoảng 5 tháng. Tháng 8, tháng 9 dương lịch được coi là thời điểm chính vụ cuả cây thanh long. Sau đó nếu muốn thu hoạch “vớt” thêm 1-2 tháng nữa, các chủ nhà vườn phải kích điện cho cây ra hoa, ra quả. Hết mùa thu hoạch, ông Thường ra vườn cắt bỏ những nhánh thanh long già không còn khả năng cho quả để cây tập trung dinh dưỡng cho những nhánh khỏe mạnh cho những vụ thu hoạch sau.
Như nhiều hộ gia đình trồng thanh long khác ở huyện Hải Hậu, ông Thường trồng kết hợp cả thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ. Với mỗi loại, theo ông đều có ưu, nhược điểm riêng. Trồng thanh long ruột đỏ lâu năm, so với thanh long ruột trắng, ông nhận thấy cây sẽ ra hoa sớm hơn 1 tháng và cho thu hoạch lứa cuối muộn hơn 1 tháng. Do đó, thanh long ruột đỏ sẽ có ưu thế thị trường hơn. Chưa kể, quả thanh long ruột đỏ cũng được người tiêu dùng đánh giá có vị ngọt đậm và màu sắc bắt mắt hơn. Tuy nhiên, cành thanh long ruột đỏ giòn và dễ gãy hơn so với thanh long ruột trắng. Quả ruột đỏ cũng không chắc thịt như quả ruột trắng, do đó hay bị úng, thối. Vỏ quả thanh long ruột đỏ cũng dễ bị nhão, dập, khó khăn cho người vận chuyển... Trên cùng một diện tích trồng cây thanh long, ông Thường còn tận dụng diện tích đất dưới chân cây để trồng thêm một số cây hoa màu, rau thơm, rau ăn hàng ngày, cây dược liệu… phục vụ nhu cầu gia đình và bán tăng thêm thu nhập. Năm ngoái, theo ước tính của ông Thường, gia đình ông thu về gần 3 triệu đồng tiền rau và bán đinh lăng.
“Quả ngọt” từ những mùa vụ thanh long đưa lại đang góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, khẳng định ưu thế là giống cây phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Thiết nghĩ, với hiệu quả kinh tế mà cây thanh long mang lại, để giúp cây có cơ hội nhân rộng ra nhiều thôn, xóm, trở thành cây chủ lực, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần định hướng người dân, phát triển trồng thanh long theo quy hoạch để cân đối cung - cầu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh được mùa mất giá./
Bài và ảnh: Hoa Quyên