Tình cờ được một người bạn sau chuyến đi thăm Quảng Trị giới thiệu về cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến thành cổ Quảng Trị” của thương binh Nguyễn Văn Hợi, tôi thực sự xúc động với những trang viết thắm đượm nghĩa tình đồng đội. Tìm đến nhà ông ở đường Trường Chinh (thành phố Nam Định), qua dòng hồi ức của người lính năm xưa, quá khứ hào hùng một thuở của dân tộc bỗng chốc được tái hiện như những thước phim quay chậm.
Ông Nguyễn Văn Hợi với cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến thành cổ Quảng Trị”. |
Ông Nguyễn Văn Hợi, thương binh hạng 1/4, nguyên là trợ lý quân lực Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo huyền thoại với lời thề “K3 - Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”. Tiểu đoàn K3-Tam Đảo của ông là đơn vị trực tiếp chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị qua 81 ngày đêm lịch sử, bi tráng và khốc liệt. Ông cũng là một trong hơn mười chiến sĩ cuối cùng của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã chấp hành lệnh rút lui khỏi Thành cổ vào đêm 15-9-1972. Ngày đến Khe Sanh, ông Hợi mới tròn 20 tuổi. Được giao nhiệm vụ trợ lý quân lực kiêm văn thư của đơn vị, sau mỗi trận đánh khốc liệt, ông thường viết báo cáo, liệt kê chi tiết những mất mát, hy sinh của đồng đội. Đó cũng là những tư liệu quý giá để ông viết nhật ký chiến đấu suốt từ ngày 22-1-1968 cho đến khi rời quân ngũ (tháng 4-1973) và sau này là cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến thành cổ Quảng Trị”. Trong cuốn nhật ký, ông cẩn thận lưu lại những chi tiết nhỏ nhất với ước nguyện sau chiến tranh, nếu may mắn còn sống trở về sẽ cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa. Ở đó, qua mỗi trang viết, thế hệ sau này có thể mường tượng được rõ nét những vất vả, hiểm nguy trên chặng đường hành quân, thực tế cuộc sống chiến đấu thiếu thốn khắc nghiệt, tình đồng chí đồng đội thắm thiết keo sơn, lòng quả cảm, lý tưởng sống cao đẹp sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc của thế hệ cha anh. Ngày 29-4-1968, ông viết: “Ngày hôm nay vẫn nghỉ ở trạm. Mấy bước chân nữa thôi là chúng tôi sang đất bạn Lào. Những lúc không đi trên mảnh đất quê hương như thế này, ai mà chẳng có tâm sự khiến người ta buồn vui lẫn lộn, xao xuyến trong lòng. 5 giờ kém 15 phút bắt đầu hành quân. Chạy nhiều lúc muốn tắt thở. Mồm mũi thở hồng hộc. Hai cái quai ba lô thì cứ xiết chặt lấy 2 vai. Phải cố nghiến răng mà chịu đựng, chỉ cần quỵ xuống thì chắc không thể đứng dậy được. Trời lại đổ mưa, đại đội trưởng lại đau bụng. Trời tối như bưng. Chỉ còn biết quan sát ánh lân tinh trên mũ người đi trước và bằng cảm nhận hơi thở và tiếng gậy chống của đồng đội mà đi”. Ngày 26 tháng 6 năm 1968, ông viết: “Cùng đơn vị lên chốt trên Cao điểm 622, ở mặt trận Khe Sanh này chắc sẽ khó quên lắm. Những cái tên Tà Cơn, làng Vây, Khe Sanh và bao cái tên khác của miền Tây Quảng Trị, cách đây vài tháng thôi nó còn có vẻ xa lạ, khiến chúng tôi ước ao sớm được đến với nó. Giờ đây ước mơ đó đã thành sự thật. Tôi đã trở thành một chiến sĩ giải phóng quân, người chiến sĩ đang ngày đêm cùng đơn vị vây ép quân Mỹ ở 689. Những tên Mỹ nào liều lĩnh ra khỏi hầm, lập tức bị súng bắn tỉa và cối 82 của chúng tôi tiêu diệt. Bom đạn L19, OV10 và B52 đối với chúng tôi bây giờ quen thuộc lắm rồi. Những tối lên chốt cùng đại đội trưởng, nghe tiếng cắt gió của đạn cối, đạn pháo không còn bị hoảng loạn như những ngày đầu. Những lúc như thế, cảm thấy mình lớn lên nhiều. Đêm cuối tháng ngồi bên sườn hố bom Mỹ trên đỉnh 622, đếm sao rơi và quan sát động tĩnh của lính Mỹ trên 689, nghe gió nồm nam thổi bỗng thấy xôn xao”… Những dòng nhật ký chân thực ấy đã làm sống lại cuộc sống chiến đấu, những chiến công vang dội, những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo, Trung đoàn 246, đặc biệt là trận đánh trên Cao điểm 689, trận quyết định làm nên chiến thắng Khe Sanh.
Ngày ấy, đơn vị ông được giao nhiệm vụ trực tiếp vây ép, đánh địch ở các cao điểm 845, 832, 689 trong đó, Cao điểm 689 được ví như “đồi A1 của Điện Biên Phủ” bởi tầm quan trọng và độ khốc liệt, nếu ta đánh được sẽ khống chế toàn bộ quân địch. Từ ngày 12-6-1968, với phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, đơn vị ông bao vây đánh địch ở Cao điểm 689. Đầu tháng 7-1968, khi đánh Cao điểm 689, đơn vị ông có 47 người phải đương đầu với cả mấy trăm quân của địch. Thua trận đánh đó, giặc Mỹ đã dùng bom Napan, đạn pháo hủy diệt toàn bộ cứ điểm, cứ 90 phút chúng lại dội một trận bom. Ông Hợi nhớ lại: “Trận đánh trên Cao điểm 689 đã buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi Khe Sanh, làm nức lòng quân dân cả nước. Trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đó có câu “Cả nước xin được ôm hôn các dũng sĩ trên Cao điểm 689”. Trong những ngày chiến đấu ác liệt ấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau trận đánh Cao điểm 689, Tiểu đoàn 3 hai lần vinh dự được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, 5 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 2 đồng chí trực tiếp được tuyên dương tại trận đánh là liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh và đồng chí Nguyễn Hữu Quyền, người đã cắm lá cờ giải phóng lên điểm Mõm A. Bản thân ông Hợi bị thương nặng. Trải qua những trận đánh quyết tử với quân thù, sau chiến thắng Khe Sanh và chiến thắng Thành cổ Quảng Trị, ông rời chiến trường với thương tật 81%. Tháng 4-1973, ông Nguyễn Văn Hợi được về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Liêm Cần (Hà Nam), sau đó về làm việc tại Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi (Nam Định). Năm 1978, ông xây dựng gia đình và sinh sống tại thành phố Nam Định. Hơn 40 năm trôi qua, ký ức về những năm tháng chiến đấu, đồng đội cũ và mảnh đất Khe Sanh, Quảng Trị đã trở thành một phần ký ức không phai mờ luôn đau đáu trong ông. Và năm 2009, cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến thành cổ Quảng Trị” đã được ông viết lại từ cuốn nhật ký chiến trường có sức sống kỳ diệu, đã cùng ông vượt qua những trận “bom đào, pháo trộn” trong 81 ngày đêm chốt giữ trong Thành cổ, như một nén tâm nhang, bày tỏ lòng tri ân những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Với giá trị lịch sử đặc biệt, cuốn nhật ký “Từ Khe Sanh đến thành cổ Quảng Trị” của ông đã được hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và tặng cho nhiều đơn vị, nhà trường quân đội như một tài liệu giáo dục truyền thống quý giá.
Nặng lòng với quá khứ, với những anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào cỏ cây đất mẹ, những năm qua, mặc dù tuổi cao sức yếu, bị thương tật 81%, ông Hợi vẫn cất công đi tìm đồng đội cũ, thu thập từng chi tiết về trận đánh trên Cao điểm 689, viết tâm thư gửi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và đã được Bộ GTVT, Lữ đoàn 384 - đơn vị nhà thầu thi công các dự án giao thông và công trình trọng điểm trên địa bàn Quảng Trị phối hợp tài trợ, thiết kế thi công Công trình bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ trên Cao điểm 689. Ông Hợi cùng Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo còn vận động xã hội hóa được 6,9 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu tưởng niệm Di tích lịch sử Cao điểm 689, Khe Sanh. Dự kiến, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay (22-12-1944 - 22-12-2020), mái nhà chung của những người lính quả cảm sau hơn 50 năm ngã xuống nơi chiến địa oai hùng sẽ được khánh thành. Bao dự định, kế hoạch đang được ông Hợi ấp ủ, trong đó sẽ tổ chức đêm “Hát cho đồng đội tôi nghe”, để mãi nhớ về những người đồng chí, đồng đội một thời./.
Bài và ảnh: Lam Hồng