Nghề đan lát ở làng Vạn Đồn

08:08, 21/08/2020

“Tôi không rõ nghề đan lát ở Vạn Đồn có tự bao giờ, chỉ biết từ xa xưa ông bà, bố mẹ hàng ngày đều tỉ mẩn, cặm cụi ngồi đan. Những năm nghề đan cực thịnh, 100% các hộ gia đình trong làng theo nghề. Vào đầu làng đã ngửi thấy mùi tre nứa ngâm, 2 bên đường là những thúng mủng, giần sàng, nong nia phơi mình đón nắng. Nghề đan đã nuôi sống nhiều thế hệ dân làng tôi”, chị Phạm Thị Thoa, tổ dân phố Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) chia sẻ. Trải qua hàng trăm năm, nghề đan lát vẫn được người dân làng Vạn Đồn duy trì. Dưới bàn tay tài hoa, sự kiên trì, những sản phẩm thủ công đẹp đẽ, tinh xảo vẫn đều đều xuất xưởng phục vụ cuộc sống.

Chị Phạm Thị Thoa, tổ dân phố Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc giới thiệu các sản phẩm mây tre đan của gia đình.
Chị Phạm Thị Thoa, tổ dân phố Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc giới thiệu các sản phẩm mây tre đan của gia đình.

Tổ dân phố Vạn Đồn theo như chị Thoa giờ vẫn có rất nhiều người “nặng lòng” với nghề đan lát. Những ông già bà cả không còn làm được việc nặng ngoài đồng áng, để kiếm thêm thu nhập và đỡ “buồn tay chân” vẫn ngồi nhặt nhạnh phế phẩm thừa của các cơ sở sản xuất lớn ngồi đan. Những người trung tuổi không đi làm ở các công ty, khu công nghiệp hàng ngày vẫn miệt mài đến các cơ sở sản xuất lớn làm công. Tranh thủ thời gian buổi đêm, họ còn nhận thêm nguyên liệu để đan. Nhiều người trẻ ban đầu chỉ đan “góp vui” cùng gia đình, lâu dần ham nghề rồi đứng ra mở xưởng. Cứ như vậy, cả làng duy trì nghề xưa, tạo ra những sản phẩm đã thành thương hiệu. Đó là những quạt, rổ, rá, giần, sàng, giành tích, nong, nia… đảm bảo độ bền đẹp, chắc chắn. Đối với người làng Vạn Đồn, để làm ra một sản phẩm đan lát thủ công đòi hỏi cả quá trình rèn nghề lẫn tâm sức. Họ cẩn trọng từ khâu nhập nguyên liệu cho đến quá trình đan. Thợ nghề ở làng còn không quản ngại đường xá xa xôi tìm đến những vùng núi cao chọn nguyên liệu. “Những năm chiến tranh, rồi hòa bình lập lại cho tới tận những năm 90, làng tôi làm được những sản phẩm thủ công rất vất vả. Tàu, xe đi lại khó khăn, chúng tôi phải vào tận Thanh Hóa, lên Sơn La, Lai Châu… mua nứa, tre, luồng, cắt thành từng gióng mang về nhà làm hàng. Có những dạo cả làng xôn xao tin dân đi bè nứa đậu ở sông Đào (chân cầu Đò Quan) thì vội vã đổ xô lên, hì hục vớt nứa, cưa luôn tại chỗ rồi gánh bộ mang về”, chị Thoa kể. Chọn những cây nứa, luồng già, đanh, dóng thẳng tắp, thợ nghề pha nan, xong thì bó lại và dùng chân để xát. Đó là cách sơ chế nguyên liệu trước đây. Bây giờ, để đan các sản phẩm xuất khẩu, các hộ gia đình ở Vạn Đồn đều dùng máy móc. Cơ sở sản xuất mây tre đan Vạn Lộc của gia đình chị Thoa hiện có hàng chục loại máy hiện đại trị giá hơn 1 tỷ đồng phục vụ cho quá trình sản xuất bao gồm: máy bổ luồng, máy phiên thanh, máy cưa, cắt, máy lột bụng, máy uốn, máy chẻ… Tuy nhiên có những công đoạn máy móc không thể thay thế bàn tay con người như việc đan. Học nghề từ khi còn chưa cầm vững cái bút, theo chị Thoa, nghề đan lát đòi hỏi khá nhiều kỹ năng như sự tỷ mẩn, óc quan sát và cả đôi bàn tay khéo léo. Dưới bàn tay tài hoa của những thợ nghề Vạn Đồn, mỗi một sản phẩm đan đã được “thổi hồn” thành những vật dụng xinh xắn, độc đáo mang đậm dấu ấn riêng của làng nghề hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, các thợ nghề nơi đây rất khéo léo và tài tình trong việc phối hợp các loại vật liệu, từ đó tạo cảm giác mềm mại, tự nhiên trong từng sản phẩm. Trên cùng một cái nia, nong, thợ nghề sử dụng mây để cuốn cạp, “điểm nhấn” là những kiểu đan mới với hoa văn trang trí khác lạ, ấn tượng. Những năm gần đây, người làng Vạn Đồn còn rất năng động khi tìm ra hướng đi mới cho nghề truyền thống. Họ không chỉ sản xuất hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt nội địa mà còn làm hàng xuất khẩu. “Tiên phong” cho hướng đi này chính là cơ sở đan của chị Thoa. Năm 2003, khi một số thương gia Đài Loan đến làng, vào tận các xưởng sản xuất đặt hàng, chị Thoa đã mạnh dạn đề nghị làm nhà cung cấp. Các lô hàng trước khi xuất xưởng được khách kiểm tra kỹ càng về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. “Hơn chục năm trước, trong làng cũng có hàng chục cơ sở nhận làm hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, quá trình hợp tác do không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm nên khách hàng hủy hợp đồng. Hiện ở Vạn Đồn còn duy nhất cơ sở của nhà tôi làm hàng xuất khẩu”, chị Thoa cho biết thêm. Hiện nay, mỗi tháng chị xuất từ 3.000-4.000 sản phẩm sang các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu… Để có chỗ đứng trong những thị trường này, theo chị Thoa là cả quá trình “lấy niềm tin bằng chất lượng” của nhiều thợ nghề trong làng. “Khách hàng nước ngoài của tôi đòi hỏi sản phẩm phải 100% tự nhiên, do đó, 1 cái đinh tôi cũng không đóng được vào sản phẩm. Khi giao hàng, sản phẩm phải đạt độ hoàn hảo lên đến 100%, không được có bất cứ lỗi nhỏ nào. Phát hiện chi tiết lỗi trên 1 sản phẩm bất kỳ, khách sẵn sàng trả lại cả lô”, chị Thoa cho biết thêm. Một trong những ưu thế của cơ sở sản xuất mây tre đan Vạn Lộc so với những cơ sở khác là chị Thoa tìm ra cách ngâm nguyên liệu mới. Theo đó, trước đây những thợ nghề trong làng thường sơ chế nguyên liệu bằng cách ngâm vào muối. Cách ngâm này sẽ không giúp nguyên liệu hạn chế được mối mọt. Sau nhiều lần thử nghiệm chị Thoa đã nghĩ ra cách luộc nguyên liệu trực tiếp trong nước vôi, khắc phục được mối mọt. Luộc nguyên liệu trong nước vôi còn giúp cho nguyên liệu dẻo, không bị vỡ khi đan, sản phẩm làm ra đẹp mắt, bền, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

Trải qua hàng trăm năm phát triển; nghề đan với những ưu điểm không mất quá nhiều công sức, không quá khó, phù hợp với nhiều độ tuổi lao động, tranh thủ được những lúc nông nhàn nên vẫn phát triển ở Vạn Đồn. Hàng tháng, thợ nghề có thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Số tiền này giúp họ trang trải thêm cho cuộc sống, lo cho con cái học hành, mua sắm thêm tiện nghi cho gia đình. Đối với các cơ sở sản xuất, trừ chi phí, mỗi năm các hộ gia đình thu về từ 100-300 triệu đồng. Trong làng một số hộ có thu nhập cao, quy mô sản xuất lớn như hộ gia đình anh chị Nhu Lại, Quế Liềm, Biên Thanh, Kiên Thìn, Đông Hệ...

Trăn trở với nghề truyền thống, chị Thoa tâm sự, nghề đang có dấu hiệu bị mai một do giá trị kinh tế chưa cao, một số sản phẩm mây tre đan không còn được thị trường đón nhận, sử dụng. Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân ở Vạn Đồn, thiết nghĩ cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp. Điều đó không chỉ giúp gìn giữ những giá trị truyền thống, “giữ lửa” cho nghề mà còn góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



Khám phá mbti là gì Hiểu rõ gen z là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com