Cuối tuần, chị Ngân ở xã Nam Vân, ngoại thành Nam Định đưa con đến khu vui chơi cho trẻ em tại khu siêu thị, vui chơi ở tòa nhà Nam Định Tower, kết hợp cho con xả hơi cuối tuần, còn chị tranh thủ mua sắm. Đến nơi, nhìn thấy mấy đứa trẻ đang tranh nhau ngồi thử chiếc ghế mát-xa đặt gần đó, hai con của chị Ngân cũng nhao đến đòi mẹ cho ngồi. Chiều con, chị cho mỗi đứa 10 nghìn đồng. Cầm tiền mẹ đưa, bọn trẻ nhanh nhẹn đút tiền vào khe máy rồi ngồi lên ghế, cũng lim dim nhắm mắt vẻ khoái chí khi máy chạy rung rung.
Không chỉ ở siêu thị, tại sảnh chờ tầng 1 của Bệnh viện Nhi tỉnh cũng được đặt mấy chiếc ghế mát-xa tự động. Anh D., một ông bố trẻ có con nằm viện hơn chục ngày điều trị bệnh tay chân miệng kể: Nằm viện buồn chán cháu quấy suốt, ngày nào tôi cũng phải cho con xuống sảnh chơi ở cái ghế ấy nó mới chịu ăn, rồi uống thuốc. Bọn trẻ đang điều trị trong bệnh viện cũng tranh nhau ngồi. Mặc dù tại khu vực đặt ghế có dán tờ giấy ghi lời nhắc nhở mọi người không tùy tiện ngồi lên ghế khi không dùng dịch vụ nhưng do không có nhân viên canh thường xuyên; thêm nữa trẻ con ốm hay quấy nên nhiều khi cha mẹ thường chiều theo ý thích để dỗ con. Vì thế, hết đứa này ra, đứa khác lại trèo lên, không ai kịp nghĩ đến nguy cơ lây bệnh từ những đứa trẻ đang mắc các bệnh truyền nhiễm?!
Nghe anh D. kể, tôi bỗng giật mình. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, bệnh tay chân miệng được biết đến là một trong những bệnh có khả năng lây lan rất nhanh, bệnh truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, nước bọt, qua các chất tiết từ mũi, phân của trẻ mang bệnh. Người mắc tay chân miệng có khả năng phát tán virus gây bệnh ngay trong giai đoạn ủ bệnh. Nhưng, thời gian lây nhiễm sẽ kéo dài hơn, bởi con đường lây nhiễm từ nước bọt, phân của bệnh nhân bởi virus gây bệnh vẫn còn tồn tại trong chúng. Cụ thể: Trẻ em chơi cùng, tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh; trong quá trình nô đùa, trò chuyện có thể trẻ hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện; có thể do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mụn nước của bệnh nhân hoặc phân của người bệnh; chơi chung đồ chơi với trẻ em mắc bệnh; có tiếp xúc trực tiếp trên tay người chăm sóc trẻ mang bệnh cũng là yếu tố gây nên sự lây lan virus gây nên bệnh tay chân miệng. Sau mỗi lần có người sử dụng chiếc ghế mát-xa kia, việc lau chùi, vệ sinh khử khuẩn hầu như không có hoặc rất sơ sài, đồng nghĩa với việc rất có khả năng virus, mầm bệnh phát tán tồn tại ở ghế. Không chỉ bệnh tay chân miệng, mà ở môi trường bệnh viện, các điểm công cộng như siêu thị, khu vui chơi còn nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác cũng có thể phát tán mầm bệnh lây truyền dễ dàng qua các con đường tương tự. Điển hình là dịch bệnh COVID-19 mà hiện nay cả thế giới còn đang chật vật đối phó. Tại Việt Nam mặc dù đã qua hơn 80 ngày không có ca lây nhiễm bệnh trong cộng đồng song nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất cao; cơ quan chuyên môn vẫn khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác phòng ngừa.
Như vậy, để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng các ghế mát-xa tự động được đặt ở các nơi công cộng như bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi… để phòng ngừa nhiễm bệnh. Các cơ quan, đơn vị chủ quản địa điểm cho đặt các thiết bị dịch vụ này cần có khuyến cáo, hướng dẫn rõ ràng cho người dân biết để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch; yêu cầu nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ phải có biện pháp, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị như dụng cụ lau chùi, khử khuẩn bề mặt ghế…, đảm bảo an toàn phòng bệnh cho người dân khi sử dụng các thiết bị này, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng./.
Vân Thi