Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân Trần Văn Sình (53 tuổi) ở thôn Hưng Long, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) những thanh hóp, gốc tre xù xì, gai góc mộc mạc được “thổi hồn” biến hóa thành những chiếc lồng chim độc đáo được nhiều người chơi chim cảnh sưu tầm.
Ông Trần Văn Sình (53 tuổi) ở thôn Hưng Long, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có nhiều tác phẩm lồng chim nghệ thuật đặc sắc. |
Sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm lồng và chơi chim cu gáy, từ nhỏ ông Sình đã học nghề từ ông nội và bố. Từ năm 12 tuổi, những chiếc lồng chim đầu tiên do chính tay cậu Sình làm đã được những người chơi chim lựa chọn. Năm 2010, ông tham gia Hội chim cu gáy Hà Nội. Năm đó Hội chim cu gáy các tỉnh phía Bắc tổ chức giao lưu, ông Sình làm tặng Ban tổ chức một chiếc lồng chim cu gáy nghệ thuật. Tác phẩm trưng bày trong chương trình giao lưu đã nhận được sự quan tâm của nhiều người chơi chim. Qua giao lưu, trao đổi, nhận thấy thị trường làm lồng chim cu gáy đại trà đang dần bão hòa, trong khi chế tác lồng chim nghệ thuật ngày càng được người chơi ưa chuộng nên ông đã tiếp tục mày mò, phát triển nghề. Nghề chơi nên phải rất công phu từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu đến lên khung, vào nan, tạo hình họa tiết móc, đế… Nếu như nhiều người chọn cây mây để làm xương lồng thì nghệ nhân Trần Văn Sình lựa chọn tre làm nguyên liệu chính. Các cấu kiện như móc, đế có nguyên liệu là gốc tre; nan được chế tác từ cây hóp. Kinh nghiệm của ông Sình khi chọn nguyên liệu đó là tre phải được trồng ít nhất 2 năm, khai thác vào mùa đông để thân tre dẻo, bền. Sau đó, tre được cắt cho phù hợp kích thước, đem luộc và ngâm dưới nước 2 tháng, gác bếp 1 năm. Để có nguồn nguyên liệu làm nan ưng ý, ông Sình đi khắp các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An… tìm mua hóp (tre hóp). Sau khi chọn được cây hóp ưng ý, ông Sình pha nan rồi cho vào nồi luộc 6-8 tiếng; sau đó đến công đoạn xoắn, phơi. Nan sau khi được xử lý vặn xoắn có đường kính khoảng 1mm, tuy mỏng nhưng có độ bền cao. Các họa tiết như móc, đế được ông sử dụng hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu bằng tre. Các gốc tre tự nhiên được ông chau chuốt tạo hình theo các linh vật như rồng, cá chép… rất sống động. Người chơi nếu muốn đặt những chiếc lồng mô phỏng theo hình quả đào hoặc các hình dạng khác theo điển tích để nuôi chim gáy, ông đều đáp ứng. Nhiều tác phẩm lồng chim cu gáy chế tác theo các điển tích của ông được người chơi đánh giá cao như: “Lão long hướng tử”, “Ngũ lân quá Hải”, “Cửu ngư quần hội”, “Bát lý ngư”, “Bách long”, “bánh chưng - bánh dày”… Tác phẩm lồng chim cu gáy “Lão long hướng tử” được nghệ nhân Trần Văn Sình hoàn thành năm 2017 phỏng theo tích rồng mẹ đang dạy 9 rồng con. Lồng có đường kính 1,26m và thời gian thực hiện ngót nửa năm. Chiếc lồng được một người sưu tầm ở Hà Nội mua với giá 80 triệu đồng. Vừa qua, nghệ nhân Trần Văn Sình đã hoàn thiện tác phẩm lồng chim nghệ thuật độc đáo mang tên “Bách Long” với các chi tiết được làm từ gốc tre tạo tác thành 100 con rồng. Để hoàn thành tác phẩm, ông đã dành nhiều năm để sưu tầm nguyên liệu, lên ý tưởng thực hiện. Một trong những tác phẩm độc đáo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của nghệ nhân Trần Văn Sình là tác phẩm lồng “Bánh chưng - Bánh dày”. Lồng được tạo tác 2 phần được ghép với nhau bằng mộng: phía trên hình tròn tượng trưng cho trời, phía dưới biểu tượng của đất. Với nghệ nhân Trần Văn Sình khi đã thực hiện tác phẩm ông dồn tất cả tâm huyết, niềm đam mê trong từng công đoạn để tạo nên những chiếc lồng chim có giá trị nghệ thuật vượt trên giá trị sử dụng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện nay nghệ nhân Trần Văn Sình còn làm các sản phẩm lồng nghệ thuật mô hình để treo móc chìa khóa, trang trí trên cây cảnh… Giá mỗi sản phẩm dao động từ 1-5 triệu đồng/chiếc. Các sản phẩm lồng mô hình của nghệ nhân Trần Văn Sình có đầy đủ các tiểu tiết giống như các sản phẩm kích thước lớn nên đòi hỏi phải tỷ mẩn, kiên trì. Sản phẩm lồng chim nghệ thuật của nghệ nhân Trần Văn Sình “hút hồn” người sành chơi bởi độ tinh xảo, sắc nét trong từng chi tiết, từ khâu làm nan đến chạm trổ hoa văn, làm đế… Không chỉ người chơi ở trong nước mà nhiều Việt kiều đã tìm đến ông đặt hàng. Vì giá trị kinh tế cao nên nghệ nhân Trần Văn Sình chỉ làm theo đơn đặt hàng. Ông cho biết: “Nhiều người mới nghe giật mình với giá vài chục triệu đồng/lồng nhưng khi họ tìm hiểu quy trình làm ra sản phẩm phải mất khoảng 4-5 tháng để chạm trổ từng chi tiết nhỏ trên chiếc lồng họ thấy hoàn toàn xứng đáng với sức lao động nghệ nhân bỏ ra. Gian nan là thế nhưng khi thấy sản phẩm của mình làm ra được nhiều người trân trọng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim và làm lồng chim nghệ thuật, từ năm 2010 nghệ nhân Trần Văn Sình đã lập fanpage Facebook mang tên “Lồng chim A Sình”, thu hút 1.000 lượt người theo dõi, là nơi những người có cùng đam mê học hỏi, chia sẻ kiến thức nuôi chim, cách làm lồng chim nghệ thuật. Bên cạnh đó, nghệ nhân Trần Văn Sình còn đem các lồng chim nghệ thuật tham gia các triển lãm sinh vật cảnh lớn tại Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên… góp phần quảng bá thú chơi có truyền thống lâu đời.
Trong cuộc sống công nghiệp hiện đại, môi trường đô thị hóa, tiếng chim cu gáy vẳng bên hiên nhà, ngoài vườn, quán cà phê góc phố... luôn đem đến cho mỗi người cảm giác được hòa mình với thiên nhiên. Nhờ thế, nghề chế tác lồng chim nghệ thuật của nghệ nhân Trần Văn Sình còn nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, tâm huyết, sự đam mê sáng tạo và có thu nhập xứng đáng./.
Bài và ảnh: Viết Dư