Để trở thành "miền quê đáng sống"

07:08, 23/08/2019

Với phương châm "Xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm dừng", ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, huyện Hải Hậu tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, theo hướng bền vững và phát triển. Trong đó, đảm bảo "Có hạ tầng kiên cố, đồng bộ, kết nối các huyện và vùng tỉnh; cảnh quan môi trường thường xuyên xanh, sạch; nếp sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; xã hội nông thôn trật tự, an toàn, bình yên; kinh tế phát triển, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao".

Công  ty Cổ phần May Sông Hồng, Cụm công nghiệp xã Hải Phương (Hải Hậu) tạo việc làm, thu nhập cho hơn 2.000 lao động.
Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Cụm công nghiệp xã Hải Phương (Hải Hậu) tạo việc làm, thu nhập cho hơn 2.000 lao động.

Chọn khâu đột phá, cách làm sáng tạo

Từ năm 2009, huyện Hải Hậu được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn làm huyện điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời kỳ đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển; lực lượng lao động nông thôn thiếu việc làm, thu nhập thấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương, còn hoài nghi về hiệu quả và lợi ích của Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Một số xã có xuất phát điểm thấp, năm 2010 có 28/35 xã, thị trấn đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 20,2%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao (11,17%). Sự bỡ ngỡ từ trong tư duy và quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn về phương pháp, cách làm và nguồn lực hỗ trợ đầu tư.

Đồng chí Mai Văn Quyết, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy cho biết: Để tạo đột phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy xác định dồn điền đổi thửa là điều kiện, là tiền đề quan trọng. Ngay trong năm 2011, toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và giao đất ngoài thực địa. Sau dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân của mỗi hộ nông dân giảm từ 2,8 xuống còn khoảng 1,5 thửa. Thông qua dồn điền đổi thửa đã quy gọn được quỹ đất công ích từ 506 vùng xuống còn 321 vùng; đã vận động nhân dân góp trên 345ha đất nông nghiệp và trên 25ha đất thổ cư để làm đường giao thông, thủy lợi và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Cả 35 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc lập, phê duyệt và công khai 3 quy hoạch cấp xã đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Cán bộ và nhân dân trong huyện tích cực triển khai thực hiện toàn diện chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, “Làm từ đồng về làng, từ nhà ra xóm, từ xóm lên xã”, chương trình xây dựng nông thôn mới đều được cụ thể hóa thành các phong trào thi đua, các cuộc vận động và triển khai tới tất cả các cơ quan, đoàn thể, các thôn xóm và các hộ dân. Huyện đã huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các chức sắc tôn giáo, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển ngành nghề để tạo việc làm, thu nhập cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu lao động. Huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực hỗ trợ của con em địa phương xa quê. Giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện đạt trên 3.200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân đóng góp trên 345ha đất nông nghiệp, 25ha đất ở để làm đường giao thông, trên 150 nghìn ngày công lao động. Sự đóng góp lớn của nhân dân thể hiện sự đồng thuận, bền vững, cơ chế chính sách là đúng và phù hợp. Từ năm 2010, toàn huyện đã đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, đến năm 2015 toàn bộ 222km đường trục xã và đường liên xã; 450km đường trục xóm và đường liên xóm; 670km đường ngõ xóm; 792km đường trục chính nội đồng đạt chuẩn nông thôn mới.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong huyện và với phương pháp, cách làm sáng tạo, nên đến hết năm 2014 toàn huyện đã có 100% xã, thị trấn (35/35 xã, thị trấn) đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 23-6-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 921/QĐ-TTg công nhận huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên của cả nước có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện nông thôn mới thứ 5 của cả nước.

Phát triển "tam nông" với tầm nhìn lâu dài

Năm 2017, Hải Hậu được Trung ương lựa chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, huyện đã xây dựng Đề án huyện Hải Hậu nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2025. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hoàn thiện, nâng chất lượng tất cả các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới để đạt chuẩn mới và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; lựa chọn xã, xóm nông thôn mới điển hình để làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (với 4 tiêu chí kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường, hạ tầng và văn hóa). Phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng thời bổ sung nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách huyện để thực hiện các nội dung về cảnh quan, môi trường, hạ tầng, văn hóa và phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các chủ trương, chính sách, biện pháp chỉ đạo trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới sớm được triển khai trong thực tiễn; các cách làm hay, sáng tạo và các mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nhanh chóng được nhân rộng.

Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tích cực chuyển đổi các vùng sản xuất theo quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới và cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Sản lượng lương thực bình quân toàn huyện đạt 12.600 tấn/năm, lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 35% (năm 2010) đạt 73,5% (năm 2018). Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác tăng từ 68 triệu đồng (năm 2010) lên 120 triệu đồng (năm 2018). Toàn huyện có 10.500ha đất sản xuất lúa, 1.800ha đất sản xuất cây màu, 647ha đất trồng cây dược liệu, 541ha trồng hoa cây cảnh, 2.320ha nuôi trồng thủy sản, có 880 phương tiện khai thác hải sản (tổng công suất trên 70 nghìn CV). Sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 20 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng đạt trên 8.000 tấn. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi tôm thẻ chân trắng đạt bình quân giá trị 1,5 tỷ đồng/ha/năm, mô hình nuôi cá diêu hồng đạt gần 600 triệu đồng/ha/năm…; có 151 trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, 970 gia trại chăn nuôi. Huyện đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa gạo sạch 130 ha/vụ; chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ lúa đặc sản 500ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn 20ha, chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ cây dược liệu 185ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt 150ha, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thủy sản mặn lợ 300ha…

Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, huyện tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề tại các cụm công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện có 3 cụm công nghiệp, 44 làng nghề với trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho trên 33 nghìn lao động nông thôn. Trong số đó có 60 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần May Sông Hồng 7, Công ty Cổ phần Đạt Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Đường..., đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 3.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt 7.180,9 tỷ đồng, chiếm gần 40% cơ cấu giá trị sản xuất toàn huyện. Triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của huyện tăng từ 21% (năm 2010) lên trên 60% (năm 2018). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đến năm 2018 đạt 95%. Các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nghề đã tạo thêm nhiều việc làm ổn định, thu nhập khá cho lao động nông thôn, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 10,2 triệu đồng/người (năm 2010) lên 45,16 triệu đồng/người (năm 2018).

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện Đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay, huyện Hải Hậu có 15 xã cơ bản đạt chuẩn 19 tiêu chí nâng cao và đủ điều kiện thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019; có 9 mô hình cấp xóm cơ bản hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường, về văn hóa và sản xuất; 3 xã là Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu cơ bản hình thành được các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường và văn hóa. Mục tiêu giai đoạn 2018-2020, huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2024 có trên 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều mô hình kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường, về văn hóa và sản xuất. Huyện đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình phát triển sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com