Là vùng thuần nông, cốt ruộng không đều, khó canh tác; trong đó có khoảng 50ha đất thùng đào, thùng đấu canh tác không hiệu quả nên đời sống kinh tế của người làm nông nghiệp xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) trước đây gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, để giúp người làm nông nghiệp cải thiện đời sống, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Tiến đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho nông dân. Xã quy hoạch lại ruộng đất, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp phát triển mô hình kinh tế khác hiệu quả hơn.
Kiểm tra chất lượng cam đường canh tại trang trại của ông Trần Văn Chiến (bên trái) ở thôn Lang Xá. |
Ruộng đất được dồn đổi, quy hoạch thành từng vùng canh tác thuận lợi để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Theo đó, xã đã quy hoạch diện tích đất canh tác thành 3 vùng chính gồm vùng trồng rau màu, vùng sản xuất lúa hàng hóa và vùng phát triển kinh tế trang trại. Trong đó, vùng phát triển kinh tế trang trại được hình thành trên cơ sở dồn hết diện tích đất công ích, đất canh tác lúa kém hiệu quả vào một khu vực riêng, tách biệt với khu dân cư để khuyến khích đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn mà không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân. Các vùng sản xuất đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng… đảm bảo tưới tiêu đồng bộ, thuận lợi cho ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản ngay tại chân ruộng. Đến nay, tại vùng chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả rộng 7ha ở cánh đồng Thượng Đồng, thôn Lang Xá đã hình thành các trang trại cây ăn quả, cây cảnh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Văn Ấp, Trần Văn Chiến, Trần Văn Hiếu… Với diện tích hơn 2ha, ông Trần Văn Chiến đầu tư gần 1 tỷ đồng quy hoạch lại hệ thống sân vườn, cấp thoát nước, kè bờ ao, trồng 12 nghìn gốc cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh. Ông cho biết, sau gần 3 năm chăm sóc và theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn đã phát triển mạnh, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây... Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông đã cho thu hoạch, chất lượng quả tốt và hứa hẹn một vụ thu hoạch đạt năng suất cao. Theo kinh nghiệm của ông Chiến, để cây cam đường canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao thì phải chọn cây giống khoẻ, mập, không mang mầm bệnh, có bộ rễ khoẻ; thời vụ nên trồng vào đầu tháng 2 hoặc cuối mùa mưa, tầm tháng 9 là thích hợp nhất; chú trọng tạo cành, tỉa tán để cây phát triển cân đối; nên dùng phân bón có nguồn gốc hữu cơ để bón cho cây, thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm các loại sâu bệnh thường gặp như sâu vẽ bùa, rệp cam, sâu đục cành, ruồi đục quả, nhện đỏ… để diệt trừ sớm. Bên cạnh đó, đối với những cây ăn quả đặc sản này để có sản phẩm chất lượng người trồng phải hiểu rõ được đặc tính của từng giống cây, bổ sung đủ dinh dưỡng phù hợp. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu phải được bố trí hợp lý cho từng khu trong vườn phù hợp với các loại cây. Đơn cử như đối với cây cam Vinh ưu tiên trồng ở những khu vực có nhiều nắng, độ dốc cao hơn so với các cây trồng khác; cây cam canh cần nhiều dinh dưỡng từ đất hoai mục; cây bưởi da xanh thì ưu tiên đất có tầng canh tác dầy để cây hấp thu dưỡng chất từ đất… Với kinh nghiệm và sự chăm sóc tỉ mỉ như vậy nên hàng chục nghìn gốc cam canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh của gia đình ông Chiến năm nào cũng sai trĩu quả, thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Sát đó là trang trại của gia đình ông Trần Văn Ấp với diện tích trên 6ha. Phần lớn diện tích, ông trồng cam đường canh, bưởi diễn, quất cảnh, chanh đào, kết hợp với nuôi trên 300 con gà Đông Tảo, 10 con lợn nái, trên 50 con lợn thịt và 8 sào ao nuôi cá truyền thống, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động. Trang trại của gia đình ông Trần Văn Hiếu, ở thôn Nguyễn Huệ, có diện tích trên 5 mẫu, chuyên nuôi vịt và cá truyền thống, trên vườn trồng các loại cây mít Thái, bưởi Diễn, chanh đào, quất cảnh. Không chỉ thu lợi lớn từ bán quả, nhờ linh hoạt nắm bắt nhu cầu thị trường, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ các giống cây ăn quả đang được ưa chuộng, các trang trại ở đây còn chủ động uốn tỉa phát triển thêm hàng nghìn gốc cây cam canh, bưởi Diễn cảnh để phục vụ người dân thưởng thức vào dịp Tết, đem lại thu nhập lớn. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, trang trại của ông Chiến đã bán được hơn 1.000 cây ăn trái cảnh với giá bình quân từ 500-700 nghìn đồng/cây cam canh cảnh; 1-3 triệu đồng/cây bưởi Diễn cảnh. Bình quân mỗi trang trại đều có thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm từ vườn cây ăn trái, cây cảnh đặc sản, tạo việc làm ổn định cho 5-10 lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Trần Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tiến cho biết: Từ thành công của các mô hình chuyển đổi tại thôn Lang Xá, xã khuyến khích người dân tích cực tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái giá trị kinh tế cao áp dụng cải tạo vườn tạp tại các hộ dân. Nhiều hộ dân đã cải tạo vườn tạp, trồng cây bưởi Diễn, cam canh đường tăng thêm thu nhập cho gia đình như hộ các ông: Trần Văn Vân, Trần Văn Hiếu, Đặng Đình Kiên ở thôn Nguyễn Huệ; Trần Văn Trường, Lê Văn Khanh ở thôn Lang Xá; Trần Văn Dũng, Trần Văn Xuất ở thôn La Chợ. Trên cơ sở đó, xã tập trung tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2018, xã đã mở 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, thâm canh cây ăn trái cho hơn 150 hộ dân. Thời gian tới, xã tập trung chuyển đổi 15ha vườn tạp sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, hướng tới xây dựng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu cam canh, bưởi Diễn trên quê hương Mỹ Tiến./.
Bài và ảnh: Đức Toàn