Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 (lớp thứ 3) đã có chuyến đi thực tế về nguồn, thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Cao Bằng. Đây chính là nơi đặt chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và là nơi Người đặt đại bản doanh của cách mạng Việt Nam trong những năm 1941-1945. Chuyến đi thực tế này có ý nghĩa sâu sắc, giúp các học viên hiểu thêm về một “địa chỉ đỏ”, nơi cội nguồn cách mạng , gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước khi vào tham quan trung tâm Khu di tích Pác Bó, Đoàn cán bộ và học viên của lớp đã dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ. Đền thờ Bác Hồ được xây dựng và hoàn thành chỉ trong vòng một năm (từ ngày 19-5-2010 đến ngày 19-5-2011). Ngôi đền thể hiện nguyện vọng, tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Đền thờ được xây dựng tại vị trí trung tâm vùng đất thiêng Pác Bó, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sinh khí nghìn năm hội tụ; kiến trúc của ngôi đền là sự kết hợp hài hòa giữa đặc trưng kiến trúc truyền thống Cao Bằng với nét kiến trúc hiện đại, tỏa lên vẻ thiêng liêng mà gần gũi giản dị.
Trong chuyến về nguồn này, chúng tôi được tham quan, tìm hiểu và tận mắt thực tế những địa danh lịch sử đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là dòng suối Lê-nin trong xanh hiền hòa bao quanh ngọn núi Các-mác hùng vĩ sừng sững như bức thành đồng hiên ngang cùng năm tháng, như một chứng nhân lịch sử chứng kiến, lưu dấu những năm tháng hoạt động cách mạng quan trọng, mặc dù đầy khó khăn, thử thách nhưng vô cùng bền bỉ, kiên cường của Bác Hồ ở nơi núi rừng Pác Bó… Ngược dòng suối Lê-nin trong vắt quanh năm nước chảy hiền hòa là lên đến nơi ngọn nguồn nhất, đó là hang Cốc Bó, nơi Bác ở và làm việc trong thời gian đầu trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa xanh thẳm núi rừng hùng vĩ còn in đậm dấu tích của lịch sử, quá khứ vọng về như từng thước phim quay chậm những năm tháng cách mạng hào hùng. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau khi phân tích kỹ tình hình phong trào cách mạng ở Việt Nam, theo dõi sát phong trào, Người đã chọn Pác Bó (nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) làm nơi đặt chân đầu tiên. Thời gian đầu, Người ở với đồng bào Pác Bó, nhưng để đảm bảo bí mật, ngày 8-2-1941, Người chuyển vào ở và làm việc trong hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn) thuộc bản Pác Bó, nơi có địa thế “đắc địa” thuận lợi cho hoạt động cách mạng của Người. Tại đây, Người đã khắc lên vách hang dòng chữ Hán để ghi lại thời gian lịch sử này “Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật”, tức “ngày mồng 8 tháng 2 năm 1941”; từ đây, Cốc Bó trở thành đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Hang Cốc Bó, nơi đây có dòng suối lớn, nước trong vắt, thoát ra từ hang núi đá lớn, Bác đặt tên là suối Lê-nin. Hang Cốc Bó nằm sâu dưới một ngọn núi đá cao (Bác đặt tên là núi Các-mác), trong thời gian sống và làm việc tại đây (từ ngày 8-2-1941 đến cuối tháng 3-1941),
cuộc sống và sinh hoạt của Người vô cùng khó khăn, gian khổ, bữa ăn chỉ có cháo bẹ rau rừng, khi ốm đau hái lá cây rừng làm thuốc. Bên dòng suối Lê-nin, dưới bóng cây si um tùm, Bác đã cùng với các đồng chí cán bộ cách mạng đặt một bộ bàn ghế bằng những viên đá ghép lại rất đơn sơ, giản dị, đó cũng chính là nơi Người thường ngồi làm việc và viết nhiều tài liệu quan trọng huấn luyện cán bộ, nơi Người dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô... Bộ bàn ghế đá cũng đã được ghi vào lịch sử bằng chính bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Bác với một tinh thần lạc quan cách mạng tràn đầy:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Tham quan hang Cốc Bó, chúng tôi bồi hồi, xúc động và cảm phục khi nhìn những kỷ vật đơn sơ, giản dị gắn liền với quãng thời gian Bác sống và làm việc ở nơi đây vẫn còn được lưu giữ vẹn nguyên cùng thời gian, đó là: chiếc giường Bác nằm nghỉ ngơi chỉ là tấm phản đơn sơ từ các tấm ván cây nghiến ghép lại, chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc, nơi Bác ngồi làm thơ, câu cá… Tất cả những kỷ vật bình dị này đã toát lên một cuộc sống rất giản dị mà thanh cao của Bác, thể hiện một tầm vóc vĩ đại của một nhân cách lớn Hồ Chí Minh, đúng như lời nhà thơ Tố Hữu viết về Bác: “Một đời thanh bạch chẳng vàng son. Mong manh áo vải hồn muôn trượng. Hơn tượng đồng soi những lối mòn”…
Gần 80 năm đã qua với biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, những di tích như: suối Lê-nin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm… mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc, là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Khu di tích lịch sử Pác Bó mãi là chứng nhân lịch sử quan trọng, lưu giữ một giai đoạn cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Từ nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chủ trương và quyết định quan trọng, chuẩn bị các điều kiện về chính trị và vũ trang để tiến tới thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi quan trọng mang tính bước ngoặt, là động lực tinh thần lớn lao để dân tộc ta tiếp tục kiên cường, anh dũng chiến đấu giành thắng lợi vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để đất nước ca khúc khải hoàn non sông độc lập thống nhất, nối liền một dải. Pác Bó ngày nay trở thành một địa danh thiêng liêng, Khu di tích có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Với những ý nghĩa lịch sử to lớn, Khu Di tích lịch sử Pác Bó rộng trên 295ha với trên 46 điểm di tích, trở thành một trong những khu di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống các di tích về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ 1941-1945. Tháng 5-2012, Pác Bó trở thành Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, tháng 6-2014, xã Trường Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu của Trung ương. Khu di tích là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng Việt Nam cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; truyền thống cách mạng ở nơi đây vẫn không ngừng được bồi đắp và tạo sức mạnh viết tiếp những trang vàng của lịch sử.
Qua cuộc hành trình về nơi cội nguồn cách mạng Pác Bó - Cao Bằng cho chúng tôi hiểu sâu hơn về những địa danh lịch sử, với truyền thống cách mạng hào hùng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, qua đó vun đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn luôn ghi nhớ cội nguồn lịch sử và trân quý, giữ gìn, tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp và nỗ lực rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác./.
Thu Thủy