Xứng danh cái nôi ngành Dệt may Việt Nam

07:03, 25/03/2019

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, gần 4.000 cán bộ, công nhân, người lao động Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng 130 năm ngày thành lập (25/3/1889 - 25/3/2019). Khởi nguồn từ xưởng kéo sợi thủ công do một tư nhân Hoa Kiều thành lập năm 1889 với 9 máy kéo sợi và 100 công nhân. Tháng 8-1890, Pháp chiếm quyền quản lý nhà máy, thành lập Công ty Bông sợi Bắc Kỳ và nhanh chóng mở rộng nhà máy, khai thác nhân công, tích tụ tư bản. Đến năm 1940, Công ty Bông sợi Bắc Kỳ đã trở thành nhà máy lớn nhất Đông Dương với công nghệ hiện đại, quy mô đồ sộ gồm 3 xưởng sợi, 3 xưởng dệt, 1 xưởng chăn, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng cơ khí, 1 xưởng điện, với 14.400 lao động. Ra đời trong thời kỳ khai thác thuộc địa của thực dân Pháp nên lịch sử truyền thống của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, đội ngũ công nhân Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đã liên tục đấu tranh đòi quyền và lợi ích hợp pháp và không ngừng trưởng thành về nhận thức, ý thức giai cấp. Năm 1929, tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên trong nhà máy được thành lập có 29 hội viên, trên cơ sở đó sớm hình thành Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Nam Định, trực tiếp lãnh đạo các phong trào đấu tranh. Cuộc đấu tranh ngày 25-3-1930, ngay sau khi Đảng thành lập của hơn 4.000 công nhân Nhà máy Sợi Nam Định diễn ra trong 21 ngày đêm đã làm cho thực dân Pháp hoang mang, buộc chúng phải đáp ứng các yêu sách của công nhân. Thắng lợi này đã mở đầu cho các cao trào cách mạng trên cả nước giai đoạn (1930-1931), (1936-1939) và tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Với những giá trị lịch sử quan trọng đó, ngày 25-3 hàng năm được chọn là Ngày truyền thống của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định và ngành Dệt May Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng tự vệ nhà máy đã tham gia cùng với quân và dân trong tỉnh chiến đấu dũng cảm, bảo vệ quê hương, bảo vệ nhà máy, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay địch, vận động hàng trăm công nhân lên đường nhập ngũ. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định vững vàng trong phong trào “tay thoi, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “đội bom mà sản xuất”, “địch đánh ngày, ta sản xuất đêm”, “địch đánh cả đêm, ta sản xuất cả ba ca”, “10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng xã hội chủ nghĩa, Nhà máy Dệt phát triển tới đỉnh cao với hơn 18 nghìn công nhân, tương đương 10% dân số Thành phố Nam Định. Nhà máy Dệt Nam Định mãi tự hào là một trong những nhà máy đầu tiên của Việt Nam xây dựng mô hình khép kín giữa nhà xưởng sản xuất và hệ thống nhà ở xã hội, gồm nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng… Đồng thời hoàn thành tốt trách nhiệm cử hàng trăm cán bộ quản lý, kỹ thuật; hàng nghìn công nhân đi xây dựng, tăng cường cho các nhà máy dệt trong toàn quốc và làm chuyên gia lĩnh vực dệt, sợi cho nước bạn Lào, Campuchia.

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định (Tổng Công ty Cổ  phần Dệt May Nam Định).
Sản xuất sợi xuất khẩu tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định (Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định).

Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, với nhiều hình thức quản lý và tổ chức lại sản xuất, với nhiều tên gọi khác nhau, ngày 1-1-2008, Công ty đã chính thức chuyển từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Dệt Nam Định thành Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định (trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam).

Kế thừa truyền thống vẻ vang là ngành công nghiệp nhẹ chủ lực của tỉnh, là cái nôi của ngành Dệt may Việt Nam, bước vào thời kỳ đổi mới, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mạnh dạn đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp, lựa chọn sản phẩm chủ lực để đầu tư công nghệ mới, từng bước thực hiện chiến lược xây dựng chuỗi sản xuất sợi - dệt - nhuộm - may… Những khó khăn của Tổng Công ty về nguồn nguyên liệu nhập khẩu, công nghệ sản xuất hay cơ chế quản lý, điều hành, năng lực cán bộ, công nhân đã dần được khắc phục. Hiện tại, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đang từng bước thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại các ngành nghề hoạt động, bộ máy quản lý, tổ chức, điều hành sản xuất; cân đối ổn định nguồn tài chính cho sản xuất và đầu tư. Với 15 đơn vị thành viên, 8 nhà máy trực thuộc, năm 2018, giá trị sản xuất của Tổng Công ty đạt trên 1.304 tỷ đồng, bằng 125,4% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 1.631,64 tỷ đồng, bằng 110,74% so với cùng kỳ. Tổng Công ty đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định tại Khu công nghiệp Hòa Xá (Thành phố Nam Định) với công nghệ hiện đại quy mô 3,12 vạn cọc sợi, công suất 7.000 tấn/năm. Sau hai năm đi vào hoạt động, đến nay, nhà máy đã bắt đầu có lãi, 95% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha… Bên cạnh thị trường xuất khẩu, sản phẩm của nhà máy cũng đã được các doanh nghiệp dệt may trong nước lựa chọn thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Điểm nhấn quan trọng của Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định trong thời kỳ mới là các doanh nghiệp thành viên đã mở rộng quy mô sản xuất về khu vực nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định đã đầu tư 10 Nhà máy may tại địa bàn các huyện: Trực Ninh, Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản và huyện Bình Lục (Hà Nam) với 49 dây chuyền sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định. Giải pháp mở rộng sản xuất về nông thôn không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện đúng hướng, hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định về “chung sức xây dựng nông thôn mới”, phát huy lợi thế lao động tại chỗ, tạo cơ hội và môi trường tốt để nông dân thích nghi với nếp sống tư duy công nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Mục tiêu mà Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định hướng tới trong những năm tiếp theo là tiếp tục đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất tại các Nhà máy Sợi, Khăn; tập trung đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề, rèn tác phong, kỷ luật cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Phấn đấu ngay trong quý IV năm 2019, Tổng Công ty đưa vào khai thác Nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Hòa Xá và Nhà máy dệt khăn vào năm tiếp theo, góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân của ngành dệt may là 15%/năm, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định quyết tâm giữ vững vị thế là cái nôi của ngành Dệt May Việt Nam, phấn đấu góp phần đưa ngành Dệt may Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may đứng đầu thế giới./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com