Đảm bảo an toàn khi tái đàn vật nuôi

08:03, 12/03/2019

Sau Tết Nguyên đán tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Hiện nay người chăn nuôi đang tập trung tái đàn vật nuôi để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Làm thế nào để tái đàn an toàn là vấn đề được cơ quan chức năng và người chăn nuôi quan tâm thực hiện.

Kiểm tra con gà giống trước khi xuất bán tại Công ty cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực).
Kiểm tra con gà giống trước khi xuất bán tại Công ty cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực).

Là chủ một trong những trang trại chăn nuôi gà lớn của huyện Vụ Bản, trong năm qua, ông Triệu Văn Tấn ở xóm Triệu, xã Hiển Khánh đã xuất bán trên 60 tấn gà thương phẩm. Để ổn định sản xuất đầu năm, ông Tấn đã tuyển chọn, nhập 5.000 con gà giống lai chọi của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định). Đây là giống gà nhanh lớn, sức đề kháng tốt và chất lượng thịt thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Theo kinh nghiệm của ông Tấn, việc chọn mua con giống ở cơ sở giống uy tín, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo quy định sẽ giúp đàn gà phát triển tốt, an toàn dịch bệnh trong suốt quá trình chăn nuôi. Giai đoạn mới nhập con giống, ông chú ý sử dụng bóng điện sưởi ấm cho đàn gà vào ban đêm. Ngoài ra, công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại cũng được ông hoàn thành trước khi bước vào vụ nuôi mới. Trong dịp Tết vừa qua, trang trại của anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) xuất bán được 700 con lợn thịt. Ngay sau khi lợn xuất chuồng, anh Luật đã dùng hóa chất sát trùng idonine và vôi bột khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý chất thải, sát trùng dụng cụ chăn nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Anh Luật cho biết, sau khi để trống chuồng hơn nửa tháng, trong tuần tới, anh sẽ nhập thêm 700 con lợn giống của Công ty trách nhiệm hữu hạn Japfa Comfeed Việt Nam và cách ly 10 ngày để theo dõi tình hình sức khỏe của đàn lợn trước khi nhập vào khu đàn nuôi cũ. Đồng thời thông báo tới cán bộ thú y của xã, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như: dịch tả, tai xanh, tụ huyết trùng… cho đàn lợn. Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nhập giống và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh nên nhiều năm nay các trang trại của ông Tấn và anh Luật luôn đảm bảo an toàn ngay cả khi tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Nhìn chung, giá con giống vật nuôi sau Tết giảm mạnh so với ở thời điểm tháng 1-2019, cụ thể: giá các loại lợn giống giảm 100-200 nghìn đồng/con; giá gà trắng giống mỗi con giảm 50%, giá gà lông màu giảm 1.000-2.000 đồng/con. Giá con giống các loại vật nuôi giảm mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi tập trung đầu tư tái đàn. Tuy nhiên, mỗi năm các hộ chăn nuôi cần khoảng 2 triệu con lợn giống, trên 13 triệu con gà giống, 2 triệu con thủy cầm giống và 23 nghìn con trâu, bò giống nhưng đến nay các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu lợn giống cho các hộ nuôi thương phẩm. Còn phần lớn con giống gia cầm, giống trâu, bò và các vật nuôi khác phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập từ các cơ sở sản xuất giống của Trung ương và các tỉnh ngoài, do vậy việc kiểm soát chất lượng con giống và dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay là thời điểm người chăn nuôi tập trung nhập con giống để tái đàn, ổn định đàn vật nuôi sau Tết Nguyên đán trong khi tình hình dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật phục vụ các lễ hội tăng mạnh. Do vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi phải chủ động quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi khi tái đàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi. Vệ sinh, khử trùng sạch sẽ chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán lứa cũ. Khi nhập giống gia súc, gia cầm ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và đe dọa an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Khi nghi ngờ về dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi cần kịp thời thực hiện biện pháp cách ly, báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để được tư vấn biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và điều trị hiệu quả. Cần tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng; chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường đưa con giống, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập.

Để việc tái đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng cũng như phát triển kinh tế, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo người chăn nuôi chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống vật nuôi, kiểm dịch động vật. Người chăn nuôi cũng cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình; phát triển đàn vật nuôi theo định hướng, không ồ ạt, tự phát, tăng đàn, đảm bảo mật độ phù hợp với quy mô chuồng trại; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về con giống, thiết bị chăn nuôi; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại tổng đàn để chuẩn bị triển khai công tác tiêm phòng vụ xuân 2019 các loại vắc-xin: dịch tả, tụ huyết trùng ở lợn; lở mồm long móng cho trâu, bò, dê...; thời gian tiêm phòng diễn ra từ ngày 15-3 đến ngày 15-4./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com