Là địa bàn “cửa ngõ” của tỉnh, tiếp giáp với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, trên địa bàn huyện có Quốc lộ 10 và tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua cùng nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trong cả nước như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, mây tre đan Yên Tiến và dệt may Yên Trị… là những điều kiện thuận lợi để phát triển giao thương và thu hút đầu tư. Tuy nhiên đây cũng là địa bàn thuận lợi cho các gian thương lợi dụng trung chuyển, lưu thông các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tỉnh tiêu thụ. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chống gian lận thương mại, đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Lực lượng QLTT huyện Ý Yên kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường. |
Đồng chí Phạm Quang Khiết, Đội trưởng Đội QLTT huyện cho biết: Xác định rõ thuận lợi, khó khăn của địa bàn, lực lượng QLTT huyện Ý Yên đã chủ động khắc phục khó khăn, tăng cường phối hợp để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và phát hiện xử lý đón chặn nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại lớn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, buôn bán và lưu thông hàng hóa trên thị trường để nâng cao nhận thức của các thành phần tham gia giao dịch thương mại; phối hợp với Đài phát thanh huyện thông tin kịp thời tình hình thị trường, giá các loại hàng hoá và cảnh báo những loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, các biểu hiện gian lận thương mại, vi phạm giả, nhái nhãn mác ở từng nhóm, ngành hàng để người tiêu dùng cảnh giác. Gắn công tác điều tra, kiểm soát thị trường với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề và các hộ kinh doanh trên địa bàn hiểu, tự giác chấp hành quy định của pháp luật thương mại liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tổ chức cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm VSATTP, vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại cũng như ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước làm nguyên liệu sản xuất và tiêu dùng hằng ngày. Bên cạnh đó, Đội QLTT còn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát triệt để các hành vi vi phạm theo các chuyên đề như đảm bảo VSATTP, vật tư nông nghiệp, vận chuyển gia súc, gia cầm (GSGC) và sản phẩm GSGC không qua kiểm dịch; y tế, xăng dầu, chất lượng sản phẩm hàng hóa… Cùng với việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng và xây dựng nhân mối tại những địa bàn trọng điểm để người tiêu dùng chủ động thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật thương mại. Đội QLTT huyện tăng cường điều tra trinh sát, nắm chắc các đơn vị, đối tượng kinh doanh trên địa bàn để có phương án kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn các đơn vị ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, Đội QLTT phân công cán bộ bám sát địa bàn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát thị trường, ngăn chặn hoạt động sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng và kiểm tra các quy định quản lý về giá đối với các hoạt động thương mại trên địa bàn...; tập trung lực lượng kiểm soát thị trường trọng điểm khu vực Thị trấn Lâm, Cát Đằng; một số xã thuộc vùng giáp ranh với tỉnh bạn và huyện lân cận như Yên Bằng, Yên Thành, Yên Nhân, Yên Trị… Trong quá trình hoạt động nghiệp vụ, Đội QLTT thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Thuế, Tài chính, NN và PTNT, Y tế, VH-TT triển khai kiểm tra theo chuyên đề một số mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng… Trong đó việc phối hợp với lực lượng Công an huyện tiến hành trinh sát, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng trên tuyến Quốc lộ 10 qua địa bàn được đặc biệt chú trọng để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng thâm nhập, phát tán ra thị trường, đồng thời ngăn chặn việc các gian thương lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình tập kết, đưa hàng hóa kém chất lượng vào địa bàn huyện tiêu thụ… Bằng cách triển khai đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ, từ năm 2015 đến nay, lực lượng QLTT huyện đã tiến hành kiểm tra hàng hóa, xử lý 138 vụ việc với tổng số tiền thu phạt là trên 120 triệu đồng. Trong đó có 86 vụ vi phạm hành chính, 6 vụ buôn bán hàng cấm và 1 vụ buôn bán lưu thông hàng giả… Đối tượng hàng hóa vi phạm chủ yếu là đồ chơi kích động bạo lực, văn hóa phẩm mang tính mê tín dị đoan; nhóm hàng công nghệ phẩm phục vụ tiêu dùng và vật tư nông nghiệp. Nhiều vụ việc trung chuyển hàng hóa vi phạm lớn như vận chuyển bánh kẹo không đảm bảo chất lượng, đồ chơi kích động bạo lực, văn hóa phẩm, mì chính giả được lực lượng QLTT phát hiện kịp thời ngay tại cửa ngõ của tỉnh đã góp phần hạn chế một lượng lớn hàng giả, hàng kém chất lượng xâm nhập địa bàn và các huyện lân cận. Điển hình như trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, lực lượng QLTT huyện đã phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện) ngăn chặn kịp thời một vụ buôn bán 100kg xương ống lợn nhập khẩu từ Ba Lan không bảo đảm chất lượng định tiêu thụ tại các quán ăn, chợ dân sinh trên địa bàn huyện và khu vực Thành phố Nam Định.
Thời gian tới, lực lượng QLTT huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường thông qua việc bám sát địa bàn và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, Đội QLTT huyện rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc phối hợp cung cấp thông tin, tổ chức kiểm soát liên ngành; hỗ trợ điều kiện làm việc như: trụ sở, phương tiện, dụng cụ phát hiện nhanh dấu hiệu vi phạm đối với những mặt hàng không thể phán đoán, xác định lỗi trực quan. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương