Năm học 2015-2016, năm học thứ 3 thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Ngành GD và ĐT tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua cùng với những giải pháp mang tính đột phá và lâu dài nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD và ĐT.
Giờ học theo mô hình trường học kiểu mới ở Trường Tiểu học Mỹ Hà (Mỹ Lộc). |
Ngay từ đầu năm, học Sở GD và ĐT đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đồng thời mở các lớp tập huấn đổi mới các hoạt động sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; công tác giáo viên chủ nhiệm; bồi dưỡng giáo viên; tổ chức các hội thi để nâng cao năng lực và kỹ năng sống cho đội ngũ giáo viên. Để triển khai tốt các hoạt động giáo dục, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo 100% trường mầm non tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới; chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành, ứng dụng, giúp học sinh phấn khởi, tự tin trong các giờ học, đồng thời đổi mới phương pháp dạy học gắn với tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, chú ý sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học. Việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập học kỳ I của các khối lớp 5, 9, 12 được các nhà trường phân tích kỹ lưỡng, có sự so sánh với điểm tuyển sinh đầu vào và phân tích chất lượng, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, đổi mới việc tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng cuối học kỳ I cho học sinh lớp 9 bằng bài thi tổ hợp gồm các môn: Anh, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục công dân, Sử, Địa. Bài thi tổ hợp đảm bảo theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân loại học sinh theo các mức độ nhận thức, đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng học tập toàn diện, tránh tình trạng học lệch, học tủ, học thêm tràn lan, tiếp cận với những đổi mới trong kiểm tra đánh giá hiện nay. Đến nay, toàn ngành đã huy động được 29.889 trẻ ra nhà trẻ, đạt 40,04% độ tuổi; huy động được 91.650 trẻ ra lớp mẫu giáo, đạt 96,57% độ tuổi, trong đó có 28.650 trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp diện phổ cập, đạt 100%. Tỷ lệ trẻ ở nhà trẻ được nuôi ăn bán trú tại trường đạt 90,1%, tăng 1,9% so với cùng kỳ; trẻ mẫu giáo được nuôi ăn bán trú, đạt 96,48%, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong học kỳ I, các cơ sở giáo dục mầm non đều đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 3,69% ở nhà trẻ, giảm 0,61% so với đầu năm học, còn 4,53% ở mẫu giáo, giảm 0,17% so với đầu năm học; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 4,89% ở nhà trẻ, giảm 0,51% so với đầu năm học; 4,57% ở mẫu giáo, giảm 0,43% so với đầu năm học. Đối với bậc tiểu học, các nhà trường đã tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới đánh giá học sinh để giáo viên hiểu đúng, đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá; cách nhận biết những biểu hiện năng lực và phẩm chất của học sinh; cách nhận xét và đề ra biện pháp thúc đẩy học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo mô hình VNEN đã tạo ra không khí sôi nổi trong các giờ học, tăng cường mối liên hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng. Học sinh bước đầu bắt nhịp được với hình thức học tập mới. Các em đã tích cực, tự giác hơn trong học tập; bước đầu có nhiều tiến bộ trong giao tiếp, hợp tác, hỗ trợ nhau trong học tập. Đối với bậc giáo dục trung học, các nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế cho học sinh, đồng thời triển khai thí điểm mô hình trường học mới tại 21 trường THCS. Nét mới trong học kỳ I vừa qua là Sở GD và ĐT đã tổ chức kỳ thi Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tự nguyện cho học sinh lớp 8, 10, 11 cùng với tổ chức hội giảng cho giáo viên nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của giáo viên, học sinh. Sở GD và ĐT cũng tổ chức thành công cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, với 57 đơn vị, trường học tham gia ở 85 dự án và đã có 3 dự án đoạt giải nhất, 3 dự án đoạt giải nhì, 4 giải ba và 6 giải khuyến khích; chọn 5 dự án xuất sắc tham dự ở cấp quốc gia. Ở ngành học GDTX, các trung tâm đã làm tốt công tác huy động học viên và hiện tại đã có 3.456 học viên học tại các Trung tâm GDTX, tăng 726 học viên, trong đó, có 2.758 học viên vào lớp 10. Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các Trung tâm GDTX thực hiện đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã tạo hứng thú học tập cho học sinh. Các trung tâm GDTX đã tích cực triển khai liên kết dạy văn hóa trong các trường nghề. Bên cạnh đó, thông qua các Trung tâm học tập cộng đồng và các lớp chuyên đề ở Trung tâm GDTX, đã thu hút 133.322 lượt người tham gia học tập. Ở ngành giáo dục chuyên nghiệp, các trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2015, đạt 40% kế hoạch và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học. Nội dung đào tạo được xây dựng theo hướng tích hợp hình thành năng lực nghề nghiệp của học sinh.
Phát huy thành tích đạt được, bám sát nhiệm vụ năm học 2015-2016, trong học kỳ II toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc kế hoạch năm học, phấn đấu giữ vững danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu” toàn quốc trong các mặt công tác./.
Bài và ảnh: Hồng Minh