Đội Duy tu bảo dưỡng vận hành hệ thống thoát nước thành phố trực thuộc Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định hiện có 30 người, chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng 5,17km hệ thống tuyến cống hộp nổi, 65,04km cống ngầm, 3.208 ga thu nước, quản lý vận hành các trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột… Hằng năm, chỉ tính riêng lượng bùn đất nạo vét trung bình khoảng 3.000m3. Trời nắng cũng như mưa, những công nhân làm công việc nạo vét cống này luôn phải phơi mặt, dầm mình bên miệng cống để giữ cho thành phố xanh, sạch, đẹp.
|
Một ca làm việc của công nhân Đội Duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống thoát nước, Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định. |
Anh Đỗ Minh Dũng, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định cho biết: “Đội Duy tu bảo dưỡng vận hành hệ thống thoát nước thành phố hiện có 9 nữ, còn lại là nam. Công việc của họ được xếp vào loại 3, loại nặng nhọc, độc hại, 15 năm công tác liên tục có thể… về hưu”. 7h sáng, giữa dòng người đang nườm nượp đi lại trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Quân, sinh năm 1995 đang cùng 3 anh chị trong đội của mình mở nắp hố ga “chào” ngày làm việc mới. Nắp cống mở ra, đập vào mắt là một thứ bùn đen sền sệt nước, bốc mùi khó chịu. Sau khi cậy nắp hố ga, hơi nóng từ miệng hố bốc lên hầm hập, mùi hôi nồng nặc. Nhóm công nhân tản ra một lúc chờ thoát khí rồi mặc quần áo bảo hộ chui xuống. Hố ga sâu chừng 2m, dưới lòng tối om, men theo ánh đèn từ mũ bảo hộ, 4 công nhân bì bõm xúc từng xô bùn đặc quánh chuyển lên bờ đổ vào thùng xe chuyên dụng. Rác thải ngập đến bụng, vừa cúi xuống nạo vét, mọi người vừa cố gắng né ống nước thải của các hộ dân đổ xuống cạnh đầu mình. Đây là 1 ngày làm việc như mọi ngày của những công nhân trong đội. Vất vả là thế, vậy mà những người thợ vẫn nhịp nhàng chuyền tay nhau lượng rác thải khổng lồ, đen đặc lên xe đẩy chờ xe bồn đến mang đi. Các công nhân cặm cụi làm việc chừng gần 1 giờ thì bùn đất, rác thải dưới hố ga và ống cống thoát nước thải được nạo vét sạch sẽ, khơi thông. Cả buổi sáng làm việc vất vả mặt, người Quân ướt sũng. Hít thở thật sâu cho đỡ mệt, Quân cho biết: “Em vào Cty làm đã được 2 năm. Em nghĩ, công việc nào cũng có cái vất vả, miễn là mình chịu khó, nghiêm túc với nhiệm vụ được giao. Do đặc thù công việc nên công nhân vệ sinh môi trường cần có sức khỏe, lòng kiên nhẫn để bám trụ với nghề lâu dài. Ngoài việc mưu sinh, chúng em luôn xác định, đây là trách nhiệm góp phần làm cho thành phố sạch, đẹp hơn”. Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1986 có “thâm niên” làm việc tại đội đã 5 năm. Đi bộ đội về, Tuấn “kế nghiệp” mẹ, vào đội nhận nhiệm vụ: “Những ngày đầu vào nghề, mỗi lần xuống cống làm việc em đều có cảm giác buồn nôn vì mùi hôi thối, về nhà ăn cơm không nổi. Lâu dần thì cũng quen, rác rưởi, bùn đất trở nên bình thường. Trái ngược với trên đường thì sáng sủa, công việc của chúng em dưới cống lại tối om, đầy bùn đen, rác và nước thải. Người ta nói công nhân nạo vét cống là những người “dưới đáy của xã hội” là vì thế. Vất vả, khó nhọc thì khỏi phải nói, hì hục suốt ngày dưới cống, tối về toàn thân đều mỏi, chân tay tê cứng”, Tuấn cười hiền lành chia sẻ. Làm công nhân nạo vét cống cũng tương đối lâu, Tuấn cũng như nhiều anh, chị em trong đội nếm trải nhiều nỗi nhọc nhằn, buồn vui với nghề. Anh Dũng cho biết thêm: “Để lòng cống luôn thông thoáng, tiêu thoát nước nhanh, vào mùa mưa bão, đội phải trực 100% quân số. Đối với những sự cố lớn, chúng tôi còn phải huy động cả lực lượng của các đội khác sang hỗ trợ đội. Không kể bất cứ ngày giờ nào, cứ lượng mưa trên 100mm là công nhân của Cty chúng tôi lại lên đường. Vì nếu không thông cống, nguy cơ ngập lụt của thành phố rất cao”. Do vậy, mùa mưa bão là những ngày mệt nhọc nhất của thợ nạo vét cống. Vào những ngày này họ thường xuyên phải ngâm mình dưới nước để khơi thông dòng chảy. Có những hôm vừa nạo vét buổi sớm, đến chiều mưa lớn, rác lại lấp đầy miệng cống. Mệt nhọc, độc hại, hôi thối vẫn chưa phải là những gì đáng ngại nhất với những người thợ nạo vét cống. Sợ nhất vẫn là không may trong lúc nạo vét họ vô tình đụng phải bơm kim tiêm, kim loại nhọn đâm vào chân, tay. Do đó, nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván có thể xảy ra. Hơn nữa, nhiều gia đình thiếu ý thức, không xây bể phốt mà xả thải trực tiếp xuống cống càng gây khó khăn cho việc vệ sinh môi trường. Bên cạnh những nỗi khổ của nghề thì các công nhân nạo vét cống cũng “có những tâm sự, nỗi niềm riêng” là không nhiều người trong xã hội nhìn họ với ánh mắt thiện cảm, thậm chí coi thường. Và, tuy công việc nhọc nhằn, làm việc trong điều kiện vất vả mức lương hiện nay mà các công nhân trong đội nhận được chưa cao, chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng. “Mức thu nhập này so với các ngành nghề khác chỉ vào loại trung bình, đặc biệt, so với đặc thù, sự độc hại và sức lực mà mỗi người thợ phải bỏ ra”, anh Dũng thành thật. Tuy vậy khi được hỏi có muốn gắn bó lâu dài với nghề không, các công nhân trong đội đều nói, chúng tôi sẽ làm cho đến khi… về hưu. Cũng theo anh Dũng, trong đội không hiếm có những gia đình 2 thế hệ đều làm công nhân nạo vét cống. Có những người gắn bó với công việc này suốt đời. Trong nỗi nhọc nhằn, thường xuyên phải tiếp xúc với bùn đất, rác, nước thải, công nhân nạo vét cống cũng có những niềm vui bình dị. Đó là những lần xử lý thành công sự cố thoát nước, tìm được tài sản có giá trị của người dân vô tình lọt xuống cống, hệ thống thoát nước vận hành suôn sẻ, môi trường của thành phố luôn trong lành, sạch, đẹp…
Góp phần giảm tải sức lao động, giảm bớt khó khăn, vất vả cho các công nhân của đội, Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định đã trang bị 2 xe hút, xe phụt nước rửa dọn và ròng rọc vận chuyển bùn đất hỗ trợ công việc nạo vét hệ thống thoát nước. Ngoài ra, anh em trong đội còn được cấp phát mặt nạ chống độc, quần áo, mũ, găng tay, ủng bảo hộ, bình khí ô-xi khi làm việc. Để kịp thời điều trị, giảm thiểu các bệnh nghề nghiệp, hằng năm, Công đoàn Cty thường xuyên tổ chức đưa công nhân đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, bình chọn đối tượng hưởng chế độ an dưỡng để động viên người lao động... Anh Dũng chia sẻ: “Cty luôn chú trọng chăm lo đời sống công nhân, bảo đảm việc làm, thu nhập, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách dành cho lao động nặng nhọc, độc hại. Lao động nữ được bố trí làm việc trên mặt đất, lao động nam gánh phần việc nặng hơn dưới cống ngầm”.
Tạm biệt những người thợ chuyên làm nhiệm vụ nạo vét cống, vào giữa giờ tan tầm, khi mà người của họ cũng đang lẫn với màu, mùi của bùn đất, một vài người nhanh chân chạy lên xe chuyên dụng dùng nước rửa qua người, vội vã vớ lấy chai nước uống, chúng tôi thật sự cảm nhận được sự mệt nhọc, vất vả của họ. Để thành phố được yên bình, sạch, đẹp, hằng ngày có biết bao người đang âm thầm làm việc, cống hiến bằng sức lực, việc làm nhỏ nhất. Để thấy rằng, những điều bình dị, những công việc thầm lặng đều đáng quý./.
Bài và ảnh:
Hoa Quyên