Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt nhưng tình hình buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt là các hoạt động gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hàng công nghệ phẩm và hàng hóa vi phạm VSATTP... Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội cũng như sự ổn định thị trường.
Lực lượng QLTT và Công an Kinh tế huyện Xuân Trường phối hợp bắt giữ hàng vi phạm VSATTP lưu thông trên địa bàn huyện. |
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo chống gian lận thương mại tỉnh (BCĐ 389), năm 2015, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 16.152 lượt và xử lý 3.547 vụ với số tiền 55,698 tỷ đồng; phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá 21,7 tỷ đồng, truy thu thuế 33,998 tỷ đồng. Trong đó, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 3.349 lượt, xử lý 1.715 vụ, phạt tiền 2,187 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 622,2 triệu đồng; Công an tỉnh phát hiện và xử lý 257 vụ, phạt vi phạm hành chính 667,5 triệu đồng và tịch thu hàng hoá trị giá 204,9 triệu đồng... Qua đấu tranh, điều tra khai thác của ngành chức năng cho thấy hàng lậu và hàng cấm hiện được các đường dây, ổ nhóm cấu kết vận chuyển từ các tỉnh biên giới phía Bắc về. Một số mặt hàng như điện thoại di động, máy tính bảng, thuốc lá, rượu ngoại, thuốc tân dược, vải, quần áo... thường được các đối tượng vi phạm quay vòng hóa đơn để trục lợi. Các đối tượng cũng chia nhỏ, vận chuyển hàng thành nhiều đợt để tránh việc kiểm tra và lợi dụng thủ tục hải quan thông thoáng để gian lận trong việc kê khai số lượng, chủng loại, mã hàng. Dịp Tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm hoạt động của tội phạm buôn lậu, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái với thủ đoạn tinh vi. Trong đợt cao điểm chống gian lận thương mại dịp Tết Bính Thân (15-1-2016 đến 22-2-2016), Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra trên 500 lượt, phát hiện, xử lý trên 300 vụ việc, phạt hành chính trên 500 triệu đồng, hàng hóa tịch thu trị giá trên 300 triệu đồng. Trong đó, có nhiều vụ việc nghiêm trọng như vận chuyển buôn bán pháo nổ, đồ chơi kích động bạo lực, thực phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP và mỹ phẩm giả… Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện đối tượng vi phạm chống trả quyết liệt để chạy thoát cả người và phương tiện hoặc để lại hàng hóa rồi tẩu thoát. Ngày 30-1-2016, Đội QLTT số 9 đã phối hợp với Công an huyện Xuân Trường kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 18C-02873 có nhiều dấu hiệu gian lận thương mại đang dừng trên địa bàn giáp ranh giữa xã Xuân Kiên và Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có 514kg mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon đóng trong bao bì sản phẩm đường kính để đánh lạc hướng cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển. Tại buổi kiểm tra đột xuất 3 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên tuyến Quốc lộ 10 vào thời điểm từ 20-24 giờ ngày 6-1-2016, đoàn kiểm tra liên ngành Công thương, KH và CN đã phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng, dầu của Cty CP Vật tư Ý Yên gian lận đo lường lên tới 8%. Theo đó cứ 10 lít xăng, doanh nghiệp bán thiếu cho khách hàng 1,5 lít. Lực lượng chức năng đã niêm phong cây xăng vi phạm, yêu cầu ngừng kinh doanh và hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý là hiện tượng người vi phạm chấp nhận bị xử phạt nặng khi bị phát hiện nhưng che giấu đầu mối liên quan. Chủ cây xăng của Cty CP Vật tư Ý Yên “thản nhiên” khai báo: Em chỉ gian lận vào ban đêm chứ ban ngày tuyệt nhiên không dám, xin các bác thông cảm, xử phạt nhẹ (?!). Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Năm 2015, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389, Sở Công thương, Chi cục QLTT đã tích cực triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, lực lượng QLTT vẫn còn gặp phải những khó khăn vướng mắc. Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã được nâng lên song có lúc, có nơi chưa quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương. Công tác phát hiện và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn khi liên hệ và phối hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng QLTT chưa đồng đều nên ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc các ngành chức năng đã tăng cường tối đa về cả lực lượng thi hành công vụ và các biện pháp để ngăn chặn, triệt phá các hành vi phạm tội nhưng trên thực tế, thực trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để công tác chống gian lận thương mại hoạt động hiệu quả hơn, thời gian tới cần đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường phối hợp và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng trong việc trao đổi và cung cấp thông tin về các đối tượng buôn lậu như thời gian hoạt động, tuyến đường vận chuyển… nhằm đề ra các biện pháp phối hợp đấu tranh hữu hiệu. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ phù hợp; đổi mới phương pháp trinh sát, điều tra, nghiên cứu nắm rõ đối tượng để có biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả, triệt phá các đường dây, xử lý tận gốc. Bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy, nhất là lĩnh vực ATTP, đồng thời có văn bản hướng dẫn áp dụng đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc kiểm tra, xử lý. Các ngành, các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất và đưa ra phương án xử lý các vấn đề bất cập trình cấp trên trực tiếp xử lý có hiệu quả vấn đề quản lý Nhà nước theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, đồng thời huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm chất lượng ATTP. Về phía người tiêu dùng, cũng cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc đấu tranh bài trừ hàng giả, hàng nhái, thay đổi thói quen dễ dãi trong tiêu dùng, góp phần “làm sạch” thị trường hàng hóa./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương