Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân, không khí mua sắm đã nhộn nhịp khắp nơi. Dạo qua các khu chợ truyền thống và các trung tâm thương mại từ Thành phố Nam Định đến các xã vùng chân sóng, hàng hóa phục vụ Tết khá phong phú, đa dạng.
Đánh giá thị trường phục vụ Tết năm nay được cơ quan chức năng và cả người tiêu dùng khẳng định là xu thế tiêu dùng hàng nội trội hơn hẳn. Theo đó hầu hết đặc sản các vùng miền trong cả nước như: Gà móng Đông Tảo (Hưng Yên), lợn Mường (Sơn La), gạo nếp nương, thịt trâu gác bếp (Điện Biên), hạnh nhân (Lào Cai), măng tre, cam (Hòa Bình), mứt Hàng Đường, cam Canh, bưởi Diễn (Hà Nội), yến sào (Khánh Hòa), dưa hấu, vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), dừa xiêm (Bến Tre), thanh long (Bình Thuận); mộc nhĩ, nấm hương Tuyên Quang, miến dong Cự Đà, hạt tiêu đen Phú Quốc… được các cửa hàng cung ứng thực phẩm, cửa hàng chuyên doanh đặc sản vùng, miền chuẩn bị đã hội tụ đầy đủ, góp phần làm phong phú sắc xuân trong mỗi gia đình. Ngoài gạo tám xoan (Hải Hậu), nếp Quần Liêu (Nghĩa Hưng), nước mắm Sa Châu (Giao Thủy), các doanh nghiệp trong tỉnh cũng tranh thủ sức mua tăng chào bán sản phẩm “giò 7 phút” của Cty Nam Thái (TP Nam Định); chân giò xông khói, xúc xích, thịt nguội của Cty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu; tỏi đen (Hải Hậu); rau quả sạch; nấm linh chi, nấm ăn các loại của các HTX chế biến nấm trên toàn tỉnh… Tại các trung tâm thương mại lớn trên địa bàn như Siêu thị BigC, Micom Plaza… luôn đông nghẹt khách đến mua sắm, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Theo các chủ cửa hàng, trung tâm thương mại thì hàng sản xuất trong nước được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, mẫu mã cũng phong phú… Nhìn chung, đến thời điểm này, giá các mặt hàng bánh, kẹo, nước giải khát, bia, rượu chưa có nhiều biến động; một số mặt hàng tăng nhẹ nhưng không gây biến động, người tiêu dùng vẫn có thể chấp nhận được.
Đặc sản hoa quả các vùng miền tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định). |
Giá các mặt hàng thực phẩm như: gạo, thịt lợn, thịt gà vẫn giữ nguyên; thậm chí nhiều mặt hàng còn có chiều hướng giảm như rau xanh, hàng công nghệ phẩm, điện tử, điện lạnh… Gạo tẻ thường có giá 18-20 nghìn đồng/kg, thịt bò 260 nghìn đồng/kg, thịt lợn hơi 50 nghìn đồng/kg, thịt gà ta 110-120 nghìn đồng/kg, cá chép 60-80 nghìn đồng/kg. Các mặt hàng công nghệ phẩm giá ổn định hơn: dầu ăn 35-47 nghìn đồng/lít, bia Hà Nội 210 nghìn đồng/thùng, bia Heineken 370 nghìn đồng/thùng, bia Halida 190 nghìn đồng/thùng; bia Tiger 300 nghìn đồng/thùng… Nguyên nhân góp phần ổn định giá ngoài lý do giá xăng, dầu thời gian qua giảm liên tục, còn có sự nỗ lực bình ổn thị trường, điều hành quản lý giá, dự báo thị trường của ngành chức năng. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán với trị giá khoảng 200 tỷ đồng gồm: 500 tấn gạo tẻ, 200 tấn gạo tám, 150 tấn gạo nếp; 115 nghìn thùng mỳ tôm; 15 tấn thịt lợn, 10 tấn thịt bò; 100-200 tấn dầu ăn; 2 triệu bao thuốc lá các loại; 2.000 tấn bánh kẹo; 50 tấn đường ăn; 200 nghìn thùng bia, 130 nghìn chai rượu, 10 tấn chè, 50 tấn thuỷ, hải sản... Trong quá trình chuẩn bị hàng hóa, các nhà phân phối, đại lý đã cố gắng ổn định chân hàng, tìm nguồn hàng có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, giá cả và niên hạn sử dụng rõ ràng để người dân lựa chọn. Đồng thời hợp đồng chặt chẽ với nhà sản xuất chia sẻ lợi nhuận với khách hàng bằng cách giữ ổn định giá, chất lượng, tặng quà khuyến mại và hạ giá thành sản phẩm, giao hàng tận nhà đối với những đơn hàng lớn. Hệ thống Siêu thị BigC đã thực hiện chương trình khóa giá từ 15-12-2015 để khách hàng an tâm mua sắm. Chị Hoàng Hoài Anh ở phường Bà Triệu (TP Nam Định) chia sẻ: “Năm nay, bánh kẹo đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã… Đặc biệt bánh kẹo của các hãng sản xuất trong nước như Hải Hà, Bibica, Hữu Nghị, Hà Nội, Kinh Đô có mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý mà chất lượng lại rất tốt nên tôi và nhiều khách hàng ở đây chọn mua”. Bên cạnh nhóm mặt hàng thực phẩm, các loại hàng hóa dùng trưng bày trang hoàng nhà cửa như cây cảnh, hoa tươi, tranh ảnh và đồ phong thủy được bày bán nhiều và khởi động sớm hơn mọi năm. Đã hơn một tuần nay, Anh Trần Văn Trà, xã Nam Phong (TP Nam Định) đã thuê đất nhà dân ven đường quốc lộ để bày bán các loại hoa, cây cảnh. Anh Trà cho biết: “Thời điểm này bày bán các loại hoa cây cảnh là sớm, nhưng năm nay thời tiết nắng nhiều, các loại hoa Tết như ly, thược dược, lay-ơn… đều sẽ nở sớm; ngay cả quất, đào cũng sẽ nhiều cây không đẹp, mượt mà như mọi năm có rét đậm nên tôi bày sớm các loại cây hoa cảnh nhập khẩu để người dân đến xem, tìm hiểu tâm lý khách hàng để có phương án kinh doanh hợp lý. Từ khi bày hàng đến nay, khách đến xem cũng rất đông và sau khi được tư vấn đã quyết định mua các loại cây cảnh chơi với thời gian lâu như bon sai, tiểu cảnh; hoa dạ yến thảo, trạng nguyên, tôn tử lan, hoa trà, hoa mộc, lan chi, kim tiền…”. Không khí mua sắm và thị trường hàng hóa cung ứng phục vụ Tết ở thành phố và nông thôn năm nay không có khoảng cách là mấy bởi giao thông thuận tiện cho việc chuyên chở, lưu thông hàng hóa, điều kiện kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn đã được tăng lên rất nhiều. Các đại lý phân phối hàng hóa, các doanh nghiệp sản xuất đã mở thêm nhiều gian hàng cung ứng hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Hầu hết người dân nông thôn không còn phải lên thành phố sắm Tết như xưa và người làm ăn xa quê cũng không phải mua sắm ở thành phố mang về, vừa vất vả trên đường đi mà lại đắt đỏ.
Để đảm bảo thị trường an toàn, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thông suốt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá và chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những ngày sát Tết, các địa bàn nông thôn xa trung tâm người dân ít thông tin. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng trong việc chọn mua các loại hàng hóa, đặc biệt là bánh, mứt, kẹo giá rẻ, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương