Việt Nam hiện có khoảng hơn 44 triệu người đang sử dụng internet, trong đó đa phần là có sử dụng các mạng xã hội đặc biệt là giới trẻ. Giống như viết blog 360 trước đây, facebook, twitter, zalo hiện đang tạo nên một trào lưu lớn, cuốn theo một số lượng người dùng khổng lồ đặc biệt là với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, người dùng mạng xã hội dễ dàng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả. Mạng xã hội vì thế ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích thì mạng xã hội cũng đang có nhiều tác động vào lối sống và văn hóa của những người trẻ.
Đầu tiên có thể nhận thấy những ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội đến lối sống giới trẻ hiện nay như: tập hợp được các nhóm người có cùng sở thích, cùng sự quan tâm, từ đó giúp họ trao đổi với nhau về công việc, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động từ thiện; chia sẻ sở thích du lịch trẻ; trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái; tìm hiểu lịch sử văn hóa... Từ mạng xã hội, nhiều người trẻ còn tổ chức được các nhóm, mở được các diễn đàn trao đổi, tranh luận quanh các vấn đề chính trị - xã hội như tuyên truyền biển, đảo, đóng góp các ý kiến vào các dự thảo Luật… giúp nâng cao nhận thức của giới trẻ nói riêng, người dân nói chung. Anh Trần Trọng Huy, cán bộ Tỉnh Đoàn một người khởi xướng và tham gia nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho biết, hầu hết các hoạt động từ thiện của nhóm đều được triển khai thông qua mạng xã hội facebook. Từ mạng xã hội, anh có thể kết nối các thành viên, bàn bạc cụ thể chương trình từ thiện, được giới thiệu thêm các địa điểm, hoàn cảnh, đối tượng để đi từ thiện. Cũng từ facebook, nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến các hoạt động tình nguyện của nhóm anh, tự nguyện tìm đến, hỗ trợ hoạt động cho nhóm cả về vật chất, tinh thần... Anh Huy chỉ là một trong vô số những người trẻ đang sử dụng mạng xã hội 1 cách hiệu quả, phục vụ cho những mục đích tốt đẹp, có lợi cho cộng đồng. Tính tương tác của mạng xã hội, thậm chí còn giúp nhiều nhiều nhà văn, nhà thơ trực tiếp đưa tác phẩm đến với bạn đọc để hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, việc thường xuyên vào mạng xã hội còn giúp người sử dụng biết sàng lọc thông tin phù hợp với bản thân. Đây chính là những tác động tốt mà mạng xã hội mang lại.
|
Sử dụng mạng xã hội đã trở thành thói quen hàng ngày của giới trẻ ngày nay. |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc sử dụng mạng xã hội cũng gây không ít “hệ lụy” cho người dùng, đặc biệt là những người trẻ. Hầu như buổi sáng nào đến cơ quan làm việc, bên cạnh việc kiểm tra một số giấy tờ có liên quan, H, nhân viên văn phòng của 1 Cty TNHH cũng phải lôi điện thoại ra tranh thủ “kiểm tra 1 vòng facebook”. H vào facebook để xem những tin tức của bạn bè mới đăng tải, đọc các thông tin được chia sẻ và… xem bức ảnh tối hôm qua mới đưa lên được bao nhiêu lượt “like” và bình luận. Cũng như nhiều người dùng facebook khác, thói quen hằng ngày của H là chụp vài bức ảnh “tự sướng”, “treo” thêm status giới thiệu. Trong lúc làm việc, nếu có ai like hoặc bình luận, H sẵn sàng trả lời ngay. Việc lên facebook do đó ngốn khá nhiều thời gian trong giờ làm việc của H, ảnh hưởng tới công việc chung. Tuy nhiên, đây lại là thói quen của những người dùng mạng xã hội. Có thể thấy, hiện nay có khá nhiều những người trẻ tuổi thuộc đủ các thành phần học sinh, sinh viên, giới công chức… “nghiện” mạng xã hội. Thời gian họ bỏ ra để “lướt mạng”, truy cập và tìm kiếm những thông tin vô bổ, thậm chí có hại tốn khá nhiều. Chưa kể đến việc, một số người sử dụng mạng để chơi game online bất kể giờ giấc, trong số đó không hiếm trường hợp các bạn trẻ sa đà vào những game bạo lực, khiêu dâm. Mạng xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ khi những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được 1 cá nhân đưa lên mạng để chia sẻ với người thân, bạn bè… nhưng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng, sử dụng vào mục đích xấu nhằm bêu riếu, hạ thấp danh dự, gây mâu thuẫn… Hoặc mạng xã hội trở thành công cụ “tiếp tay” cho những người xấu, vô trách nhiệm đưa thông tin thất thiệt lên mạng, gây ảnh hưởng không tốt đến suy nghĩ của một bộ phận cư dân mạng và dư luận xã hội dẫn đến những tai hoạ khôn lường.
Làm gì để ngăn chặn những tiêu cực từ mạng xã hội đối với giới trẻ và quản lý, giáo dục, hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội cho thanh niên một cách an toàn, hướng họ đến những hành vi và lối sống tốt đẹp, có ích cho bản thân và cho cộng đồng? Vấn đề này rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường, các cơ quan quản lý văn hóa, nhà cung cấp dịch vụ... Trong đó gia đình, môi trường sống… là những nhân tố quan trọng định hướng giúp giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách tích cực. Theo đó, các bậc cha mẹ, thầy cô cũng cần nâng cao hiểu biết về mạng xã hội, tìm hiểu những tiện ích của nó để có thể tư vấn, định hướng cho con em mình khi sử dụng; tạo điều kiện gần gũi, giúp các em chia sẻ những suy nghĩ của mình. Bên cạnh trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ khi tham gia tư vấn, định hướng cho giới trẻ sử dụng các mạng xã hội; để quản lý, sàng lọc những thông tin không chính xác, tin xấu, tin rác… còn cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ nhằm ngăn chặn những tác động xấu từ mạng xã hội, trả về sự “trong sạch” cho môi trường vốn dĩ quá rộng lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hại này./.
Bài và ảnh:
Hoa Quyên