Những chợ đêm "tự phát" ở Thành Nam

09:10, 30/10/2015
Mới 19 giờ nhưng chợ đêm Ngã Sáu Năng Tĩnh ở ngõ 49 đường Trần Phú, Thành phố Nam Định đã tấp nập người mua, người bán. Ngõ chỉ dài chưa đến 100m nhưng có đến hơn 30 gian hàng bày bán quần áo, giày, dép, túi sách, khung ảnh, dây thắt lưng, ví da, kẹp tóc, gấu bông… Ngoài một số cửa hàng có mái che, còn phần lớn dựng tạm bợ, trải mảnh áo mưa để hàng hoặc hàng hoá treo vào thành tường. Chợ hoạt động từ lúc chập tối đến khoảng 23 giờ là kết thúc. Dưới ánh sáng từ các bóng đèn com-pắc, người bán, người mua trao đổi khá náo nhiệt. Em Lương Thanh Hương, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết: “Em rất thích chợ này. Cứ khoảng một tháng là em và bạn bè tới đây một, hai lần để mua sắm quần áo, giày dép. Mặc dù chất lượng hàng hoá không thật “xịn” nhưng với mẫu mã phong phú, giá khá rẻ, phù hợp với mức chi tiêu eo hẹp của sinh viên”. Không chỉ học sinh, sinh viên, chợ đêm Năng Tĩnh được nhiều công nhân, người lao động lựa chọn. Đưa con trai 4 tuổi đi mua quần áo rét, chị Trần Thu Hoài ở đường Trần Nhân Tông cho biết: “Vợ chồng tôi đều là công nhân, đời sống cũng không dư dả, với lại ban ngày bận việc nên cũng thường xuyên qua đây mua sắm. Tôi vừa mua 4 chiếc quần nỉ cho con chỉ có 25 nghìn đồng/quần, cũng chất liệu, kiểu dáng như vậy chị hàng xóm nhà mình mua ở phố Hàng Cấp gần 80 nghìn đồng/chiếc”. Đến khoảng hơn 20 giờ, số lượng khách đến mua hàng càng đông. Tranh thủ gấp lại mấy bộ quần áo khách chọn không vừa bỏ ra, bà Trần Thị Lan, 63 tuổi, chủ một quầy hàng cho biết: “Chợ đêm này mở cũng được gần 20 năm rồi, lúc đầu chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của sinh viên Trường Cao đẳng nghề kinh tế - kỹ thuật Vinatex ở đường Hoàng Diệu. Do hàng ở chợ có “tiếng” rẻ nên ngày càng được nhiều sinh viên, người lao động lựa chọn. Là công nhân Nhà máy Dệt nghỉ mất sức lao động, tôi từng xoay sở nhiều nghề để sống. Cách đây hơn 10 năm khi sức khoẻ không còn tốt, tôi chuyển ra đây bán quần áo đều đặn mỗi ngày. Do không có vốn đầu tư cửa hàng nên tôi trải bạt bày bán chục bộ quần áo mặc ở nhà của phụ nữ, váy bà bầu, trẻ em nên lời lãi không đáng mấy, ngày chỉ được gần 100 nghìn đồng đủ tiền chi mắm muối cho gia đình”. Nhiều gia đình có mặt tiền của ngõ tự mở cửa hàng kinh doanh, số khác cho thuê lại mặt bằng với giá khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các ki-ốt thì trưng bày quần áo chuyên nghiệp hơn, khá đa dạng, phong phú chủng loại, giá cả nên thu nhập cũng cao hơn. 
Chợ đêm trong Trung tâm thương mại Micom (TP Nam Định) hoạt động vào thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ.
Chợ đêm trong Trung tâm thương mại Micom (TP Nam Định) hoạt động vào thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ.
Nếu như chợ đêm Ngã Sáu Năng Tĩnh khá nhộn nhịp thì ở các chợ đêm khác trên địa bàn thành phố hoạt động vắng hơn. Tại chợ đêm trên đường Nguyễn Cao Luyện có gần chục gian hàng khi chúng tôi đến chỉ lác đác người mua. Một người dân nơi đây cho biết, ban ngày chợ này bán các loại hàng tạp hoá, thức ăn…; tối mới bán quần áo, giày dép, túi sách… Đối tượng mua sắm chủ yếu là công nhân, người lao động, có thu nhập thấp. Chợ đêm nằm trong Trung tâm thương mại Micom hoạt động từ 17 giờ đến 22 giờ các ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ. Các ki-ốt trong chợ ở Siêu thị Micom được xây dựng khá khang trang, có mái tôn, điện chiếu sáng, trang trí bắt mắt. Tuy nhiên, mẫu mã quần áo chưa phong phú nên số lượng khách mua sắm vì thế cũng chưa nhiều. Đặc biệt, nơi đây có nhiều sinh viên tham gia bán hàng. Em Đinh Thuỳ Linh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Nam Định bán quần áo cho biết: “Em bán hàng được vài tháng nay. Bán hàng ở chợ đêm, em được giao lưu với các bạn sinh viên; đồng thời có thêm một khoản tiền kha khá hằng tháng để trang trải cho việc học tập”. Khu vực ngã ba Hàn Thuyên - Trần Nhật Duật nhiều năm nay cũng được coi là điểm mua hàng quần áo thu hút đông sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định… Hàng hoá được bán ở các chợ đêm này chủ yếu lấy từ Trung Quốc, nếu là quần áo thì được nhập từ các xưởng may gia công ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) và một số xã ngoại thành Nam Định với giá rẻ, mẫu mã phong phú. Thời tiết chưa trở lạnh nên người mua còn thưa thớt, đợt nào rét mạnh hoặc gần Tết Nguyên đán các chợ sẽ hút nhiều người mua hơn, hoạt động mua bán hàng nhộn nhịp hơn.
 
Sự hình thành của các chợ đêm hoạt động buổi tối mang tới cơ hội mua sắm cho đối tượng là sinh viên, học sinh, người không có thời gian mua sắm ban ngày. Tuy nhiên, hoạt động của các chợ này ít nhiều ảnh hưởng đến ATGT, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Ở chợ đêm Ngã Sáu Năng Tĩnh, nhiều người bán hàng bày hàng tràn ra mặt đường, choán hết lối đi lại, các xe rác của Cty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nam Định phải rất vất vả mới ra, vào được để thu gom rác; nhiều người để xe máy vỉa hè hoặc dựng xe lòng đường gây ảnh hưởng đến giao thông. Một số gia đình quanh chợ mở dịch vụ coi xe máy nhưng cũng chỉ góp phần giảm bớt lượng xe cộ. Để giải quyết tình trạng này, Thành phố Nam Định cần đưa ra các phương án thành lập các chợ đêm, chợ ẩm thực…, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và sự phát triển của đô thị./.
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com