Tạo bước đột phá trong phát triển du lịch

08:11, 10/11/2015

Những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng khách du lịch và nguồn thu từ du lịch của tỉnh năm sau tăng cao hơn năm trước, tác động tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, để du lịch của tỉnh phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh, tỉnh và các ngành chức năng cần xác định đúng định hướng phát triển và triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, từ năm 2010 đến nay lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh đạt mức tăng bình quân 6%/năm, thu nhập du lịch tăng bình quân 19%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, có trên 1,5 triệu lượt khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2014; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 288 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động du lịch của tỉnh những năm qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu, điểm du lịch còn yếu. Hiện nay, nhiều khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ), Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần (TP Nam Định), Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản)… chưa được lập quy hoạch chi tiết để đầu tư phát triển đồng bộ. Các Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thuỷ) quản lý quy hoạch chưa tốt dẫn đến tình trạng phát triển lộn xộn. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn yếu, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nhân, các nhà đầu tư có tiềm lực ở trong nước và nước ngoài. Các cơ sở kinh doanh du lịch chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chất lượng dịch vụ chỉ ở mức trung bình, không có các nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao để phục vụ khách có khả năng chi trả cao. Các sản phẩm du lịch được coi là thế mạnh của tỉnh như du lịch văn hoá tâm linh lễ hội, du lịch biển chịu ảnh hưởng mạnh của yếu tố mùa vụ nên lượng khách thiếu ổn định, chủ yếu là khách nội địa. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kinh phí tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường khách trọng điểm. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch thấp với gần 50% lao động trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh du lịch là lao động phổ thông.

Khách quốc tế trải nghiệm du lịch bằng xe đạp tại xã Giao Xuân (Giao Thuỷ).
Khách quốc tế trải nghiệm du lịch bằng xe đạp tại xã Giao Xuân (Giao Thuỷ).

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh khi thu hút 3,2 triệu lượt khách, trong đó có 70 nghìn lượt khách quốc tế, thu nhập đạt 1.600 tỷ đồng, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh đã xây dựng định hướng phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong đó, tiếp tục phát huy thế mạnh của các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh như Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, các lễ hội tiêu biểu khác như Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Chùa Lương (Hải Hậu)… thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng hoạt động các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm đồng thời mở rộng khả năng kết nối giữa các khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển với các điểm tham quan di tích, danh thắng nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách, khắc phục yếu tố mùa vụ. Xây dựng các làng nghề truyền thống nổi tiếng trong tỉnh thành các điểm du lịch hấp dẫn du khách thông qua các hoạt động: tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoàn thành xây dựng khách sạn 4-5 sao và các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là tại Thành phố Nam Định để từng bước trở thành trung tâm du lịch hội nghị hội thảo (MICE) của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm văn hoá ẩm thực đặc trưng của các địa phương trong tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm cho khách...

Để thực hiện các định hướng trên, thời gian tới các ngành, các địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các Khu du lịch biển: Quất Lâm, Thịnh Long gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái VQG Xuân Thuỷ, Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp, Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy là các điểm du lịch quốc gia đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án xây dựng khách sạn, nhà nghỉ tại Thành phố Nam Định và các khu du lịch ven biển hoàn thiện công trình để đưa vào phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, đồng thời thu hồi diện tích đất của các chủ đầu tư đã nhận lâu nhưng không xây dựng để tạo quỹ đất cho các dự án xây dựng khu vui chơi giải trí, mua sắm phục vụ khách du lịch. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cơ sở dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách, sản xuất và bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại VQG Xuân Thuỷ, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Rạng Đông. Kết hợp giữa phương châm xã hội hoá và hỗ trợ vốn chương trình mục tiêu cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích danh thắng, khôi phục và phát triển di sản văn hoá phi vật thể như hát chèo, chầu văn, rối nước…, các ngành nghề truyền thống, các sản phẩm hàng hoá mang tính đặc trưng của địa phương nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Nhà nước, của tỉnh; tổ chức các đoàn khảo sát các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để xây dựng các chương trình, các tour cho du khách trong nước và quốc tế đến tỉnh. Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của vùng như du lịch văn hoá Trần, du lịch sinh thái các khu dự trữ sinh quyển, các VQG… để thu hút khách du lịch. Quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành. Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh trong việc tích cực vận động các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau tạo bước đột phá thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com