Phòng chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người

08:11, 17/11/2015
Ngày 7-10-2015 trên địa bàn xã Hiển Khánh (Vụ Bản) xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm và kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N6. Ngày 12-10-2015, trên địa bàn xã Trực Phú (Trực Ninh) lại xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Thực hiện các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, các xã Hiển Khánh và Trực Phú tổ chức tiêu hủy gia cầm bị ốm, chết theo đúng quy trình kỹ thuật và thông báo tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên hệ thống truyền thanh của xã, qua đó hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hiển Khánh (Vụ Bản) hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hiển Khánh (Vụ Bản) hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh.
Để chủ động triển khai và phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 lây sang người tại 2 địa bàn trên, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện Vụ Bản, Trực Ninh tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở điều trị để điều tra và lấy mẫu các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm xét nghiệm. Với mục tiêu: Phòng chống tích cực để khống chế và dập dịch trong thời gian ngắn nhất, không để dịch lan rộng trên địa bàn xã, không để lây lan sang người, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện Vụ Bản, Trực Ninh đã phối hợp với các xã Hiển Khánh, Trực Phú tổ chức tập huấn cho cán bộ trạm y tế xã, y tế thôn, đội về công tác phòng chống dịch cúm A/H5N6 trên người tại địa phương. Các trạm y tế lập danh sách và theo dõi sức khỏe hằng ngày đối với những người trong các hộ có gia cầm mắc bệnh, cán bộ và người dân tham gia thiêu hủy gia cầm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các trạm y tế chuẩn bị phòng để cách ly, điều trị những bệnh nhân nghi ngờ bị mắc cúm A/H5N6 và tăng cường giám sát phát hiện dịch 24/24h, cách ly điều trị kịp thời các trường hợp mắc cúm A/H5N6 (nếu có). Song song với các công việc trên, các trạm y tế cũng đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân lựa chọn sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, đặc biệt là tại các vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phối hợp tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải ở các khu dân cư, tham gia với cơ quan thú y để hướng dẫn biện pháp tiêu hủy gia cầm tại ổ dịch để phòng chống dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, tại địa bàn 2 xã trên, dịch bệnh trên gia cầm đã được khống chế, không có trường hợp người nào bị mắc cúm A/H5N6 lây từ gia cầm.
 
Mùa đông - xuân là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút cúm gia cầm phát triển và lây lan. Để chủ động triển khai và phòng chống cúm A/H5N6 lây sang người nói riêng và dịch cúm gia cầm như: cúm A/H5N1, cúm A/H5N2, cúm A/H5N8, cúm A/H7N9 lây sang người nói chung trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Y tế đã có Công văn 1076/SYT-NVY ngày 21-10-2015 chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm như: Tăng cường giám sát phát hiện sớm, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở điều trị để điều tra và lấy mẫu các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm xét nghiệm khẳng định. Đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân thực hiện sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh; cung cấp kịp thời các thông tin đến cộng đồng để người dân không hoang mang, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng 2 đội cơ động phòng chống dịch, cơ số thuốc và vật tư, hóa chất cho công tác phòng chống dịch khi cần thiết. Đặc biệt, vào những thời điểm có dịch trên gia cầm, các địa phương là nơi có ổ dịch cúm gia cầm và các xã lân cận tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy được diễn biến phức tạp, sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với đời sống, từ đó tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng chống dịch. Tập trung tuyên truyền các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống các chủng vi rút cúm, đặc biệt là các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người bằng các biện pháp như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống sôi. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. 
 
Với những nỗ lực cố gắng của các ngành, các địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh, dịch trên gia cầm đã bị khống chế, không phát sinh ổ dịch mới, không có trường hợp nào mắc dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Trong thời gian tới, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia cầm của tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn: Thời tiết diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu; chăn nuôi trong nước tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, sức cạnh tranh thấp, do vậy dịch cúm gia cầm dự báo ngày càng diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Do vậy, các ngành cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra, đảm bảo an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe nhân dân kết hợp với tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh trên gia cầm song song với tăng cường công tác giám sát, báo cáo, xử lý dịch./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com