Hiểm họa tai nạn giao thông từ việc sử dụng điện thoại khi lái xe

09:11, 06/11/2015
Những ngày đầu tháng 9-2015, trên mạng internet lan truyền nhiều đoạn video clip cảnh báo về tình trạng sử dụng điện thoại khi lái xe được rất nhiều người quan tâm. Nhà mạng AT&T đã thực hiện một loạt những video clip để tuyên truyền cho chiến dịch “It can wait” (nó có thể chờ đợi) với những thông điệp: Điều gì cũng có thể chờ, đừng đánh đổi mạng sống của bạn khi cố sử dụng điện thoại khi lái xe. Một trong những đoạn video clip để lại ấn tượng là đoạn video về một gia đình hạnh phúc với vợ chồng và hai đứa con. Trên đường từ công sở trở về nhà, họ liên tục nói chuyện qua điện thoại và kiểm tra xem có nhiều người thích hình đứa con gái bé bỏng mà họ vừa đăng tải lên trên mạng xã hội (facebook) hay không. Để rồi bất thình lình, họ va vào nhau, vì trước đó, họ bận nhìn điện thoại thay vì nhìn đường khi lái xe… 
Nhiều người dân có thói quen sử dụng điện thoại khi đang lái xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (Ảnh chụp tại đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định).
Nhiều người dân có thói quen sử dụng điện thoại khi đang lái xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (Ảnh chụp tại đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định).
Xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị công nghệ viễn thông ngày càng hiện đại thì chiếc điện thoại di động trở thành vật dụng phổ biến đối với mọi lứa tuổi, từ thanh niên, học sinh, sinh viên đến cả người lớn tuổi. Ngày nay, đối với một chiếc điện thoại di động, ngoài chức năng thực hiện gọi và nhận cuộc gọi, điện thoại di động còn được tích hợp thêm các chức năng: nhắn tin, duyệt web, nghe nhạc, chụp ảnh, quay phim, xem truyền hình… Đặc biệt, chiếc điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với các bạn trẻ, họ coi đó như là một chiếc máy tính xách tay thu nhỏ rất tiện ích và có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Họ thường sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin, lên mạng, lướt facebook, gửi e-mail… mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành động nguy hiểm đối với lái xe cũng như những người tham gia giao thông khác. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các quy định của pháp luật đối với người sử dụng điện thoại di động khi đang tham gia giao thông nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên. Trên các tuyến phố của Thành phố Nam Định, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh học sinh, sinh viên, người dân đang lưu thông trên đường vẫn vô tư nghe điện thoại, nhắn tin, lướt mạng… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông còn do chế tài xử lý vi phạm theo Luật Giao thông đường bộ Việt Nam năm 2008, Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Điều 30, khoản 3, điểm c đã quy định: Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Và theo Điều 6, khoản 1, điểm h của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP thì sẽ phạt tiền từ 60 nghìn đến 80 nghìn đồng đối với người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động. Do hình thức xử phạt còn nhẹ nên nhiều bạn trẻ và người dân tham gia giao thông không chấp hành. Chị Trần Thị Huệ ở đường Phù Nghĩa, phường Hạ Long (TP Nam Định) bức xúc cho biết: Có hôm đang trên đường đón con đi học về qua đoạn đường Trần Hưng Đạo, đang trong lúc giờ tan tầm nên các phương tiện tham gia giao thông rất đông đúc, đến đoạn ngã tư chợ Rồng thì có hai, ba bạn trẻ vì mải nghe điện thoại và nhắn tin nên qua đường không chú ý quan sát, khi chuyển hướng không báo hiệu xi-nhan khiến tôi không kịp đánh tay lái ngã ra đường. Nhiều trường hợp do mải nghe điện thoại đã xảy ra va chạm với các phương tiện giao thông khác. Đối với người đang tham gia giao thông việc một tay lái xe, một tay sử dụng điện thoại sẽ khiến người tham gia giao thông mất tập trung điều khiển, khi gặp những tình huống bất ngờ không thể phản ứng kịp, đối với xe ga thì việc người điều khiển tay trái cầm điện thoại sẽ không sử dụng được hệ thống phanh kết hợp, khi gặp những tình huống bất ngờ sẽ khiến người điều khiển sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột rất dễ gây tai nạn giao thông. Trong trường hợp cần thiết, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông bắt buộc phải sử dụng điện thoại thì có thể áp dụng bằng những cách như đeo tai nghe từ trước và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe, còn không phải dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là những cách an toàn cho cả người điều khiển phương tiện giao thông và những người xung quanh. Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt web, chat khi tham gia giao thông. 
 
Để hạn chế những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra đối với các phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại, trong thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, các hành vi vi phạm khác quy định trong Luật Giao thông đường bộ, hậu quả và chế tài xử lý cụ thể đối với người vi phạm…, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên cần nâng cao kiến thức về ATGT, kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông để đảm bảo trật tự, kỷ cương đô thị, bảo đảm an toàn tính mạng khi tham gia giao thông./.
 
Bài và ảnh: Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com