Trở lại huyện Trực Ninh sau gần một năm tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, chuyển đổi ngành nghề để xóa bỏ lò gạch thủ công theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 5-6-2014 của UBND tỉnh, chúng tôi thấy được sự quyết tâm và những giải pháp hữu hiệu mà Đảng bộ, chính quyền huyện đã triển khai, góp phần từng bước hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua.
Trước đây, nghề sản xuất gạch ngói thủ công là một trong những nghề chính đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn 18 xã ven sông Ninh Cơ, sông Hồng và đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất toàn huyện; tạo việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động phổ thông ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển các lò gạch thủ công hoạt động tự phát, thiếu quy hoạch, tồn tại xen kẽ trong khu dân cư gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng môi trường sống. Đồng chí Phạm Văn Phòng, Trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, các ngành chức năng đã nỗ lực vận động người dân tự giác tháo dỡ các lò gạch thủ công theo lộ trình. Căn cứ số liệu rà soát, báo cáo của các xã, thị trấn, năm 2014, chỉ tiêu toàn huyện sẽ xóa bỏ 46/108 lò gạch thủ công truyền thống. Tuy nhiên ngay khi chưa xóa được lò nào thì tháng 9-2014, Phòng Công thương đã tiến hành kiểm tra, rà soát thấy phát sinh 23 lò mới, nâng tổng số lò gạch thủ công trên địa bàn huyện lên đến 131 lò”. Nguyên nhân thống kê thiếu số lò gạch thủ công chủ yếu do đội ngũ thực thi nhiệm vụ của xã chưa nhận thức hết tầm quan trọng của chủ trương, nhiệm vụ xóa bỏ lò gạch thủ công, chưa dốc sức làm việc hết trách nhiệm, chỉ kiểm đếm các lò gạch nằm ven sông bãi chứ chưa thống kê các lò gạch nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đặc biệt, một số địa phương chưa thông báo trực tiếp đến các chủ lò gạch thủ công về chủ trương xóa lò gạch thủ công và các chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh khiến các chủ lò gạch lo ngại bị truy thu đóng thuế tài nguyên dẫn đến tình trạng khai không đầy đủ về công suất lò gạch. Trước thực trạng trên, tháng 8-2014, huyện đã triển khai cuộc họp phổ biến Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 6-8-2014 của UBND huyện về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện tới cán bộ, lãnh đạo 14 xã, thị trấn phải xóa bỏ lò gạch thủ công trong năm 2014, đồng thời chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện đúng lộ trình đã đề ra. Theo đó, Phòng Công thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xác định chính xác công suất lò gạch thủ công của chủ cơ sở; chuẩn bị hồ sơ liên quan và lập phương án hỗ trợ kinh phí cho các chủ cơ sở; tổng hợp, hoàn thiện các thủ tục thẩm định và phê duyệt. Các xã, thị trấn chấm dứt hợp đồng thuê, khoán đất đối với cơ sở sản xuất vật liệu nung bằng phương pháp thủ công, lò đứng, lò vòng; chuẩn bị hồ sơ địa chính và thu nhập hồ sơ, các tài liệu của chủ cơ sở lò gạch thủ công cần xóa bỏ có liên quan đến diễn biến quá trình sử dụng đất đai, tài sản trong phạm vi dỡ bỏ lò gạch thủ công. Đài phát thanh huyện tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan đến thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục và lò vòng. Đặc biệt, tháng 9-2014 lãnh đạo huyện cùng với cán bộ Phòng Công thương trực tiếp đến 131 lò gạch thủ công, tiến hành đo đạc lập bản vẽ phác họa kích thước lò, phối hợp cùng các cán bộ xã, chủ cơ sở xác định công suất lò trên thực tế. Chính cách chỉ đạo sát sao, bám thực tế để đạt kết quả chuẩn xác trong công tác thống kê số lò, công suất lò đã giúp người dân hiểu rõ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp cũng như nhận thấy những giá trị thiết thực mà họ trực tiếp được hưởng lợi. Từ đó, người dân nhanh chóng đồng tình, tự nguyện đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ lò gạch thủ công. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2014, các chủ lò gạch đã tích cực thực hiện ký cam kết với huyện. Thậm chí có chủ lò đã tự nguyện tháo dỡ lò gạch thủ công sớm hơn so với lộ trình cam kết. Vì thế, đến hết tháng 12-2014, số lò gạch thủ công đã được xóa bỏ của toàn huyện đạt 69 lò/46 lò, bằng 150% kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như xã Phương Định đã xóa bỏ được hoàn toàn 6 lò gạch thủ công, xã Trực Hùng xóa bỏ được 22/34 lò gạch thủ công truyền thống, xã Trực Đại xóa bỏ được 14/19 lò gạch thủ công… Các lò gạch thủ công đã được xóa bỏ được nghiệm thu “kép” ở 2 cấp xã và cấp huyện trước khi thống kê, báo cáo Sở Xây dựng, UBND tỉnh. Hằng tuần, cán bộ Phòng Công thương cũng tiến hành kiểm tra thực địa, rút kinh nghiệm công tác vận động và giải quyết các kiến nghị vướng mắc của chủ cơ sở lò gạch. Các chủ lò gạch thủ công cũng được khuyến khích tận dụng mặt bằng lò gạch cũ chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi, trang trại, gia trại VAC hiệu quả như nuôi lợn, nuôi thủy sản…
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng do chuyển đổi từ việc xóa bỏ lò gạch thủ công tại hộ ông Nguyễn Văn Hiến, thôn Phú Thịnh, xã Phương Định. |
Đến thôn Phú Thịnh, xã Phương Định, chủ lò gạch Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Bản thân tôi đã gắn bó với nghề làm gạch ngói nung được hơn 15 năm. Quá trình đầu tư lò gạch cũng mất tới cả trăm triệu đồng, chưa kể mỗi năm từ sản xuất gạch, ngói, gia đình tôi có thể thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Khi mới biết chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của tỉnh, huyện, xã không chỉ riêng tôi mà tất cả các hộ sản xuất gạch, ngói thủ công khác trong xã đều cảm thấy rất khó khăn khi phải đưa ra quyết định tự tay mình phá bỏ lò gạch của gia đình. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo, tuyên truyền, vận động từ các cấp ủy Đảng, địa phương và các cán bộ Phòng Công thương, tôi và gia đình đã ý thức được những ảnh hưởng tiêu cực của lò gạch thủ công đối với môi trường sống cũng như đối với sức khỏe của bản thân và tự nguyện tháo dỡ 2 lò gạch của gia đình trong 2 tháng cuối năm 2014. Sau khi tháo bỏ lò gạch, tôi đã đầu tư chuyển đổi nghề sang nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt”. Hiện tại trên diện tích hơn 1ha mặt bằng lò gạch cũ, gia đình anh Hiến đang tiến hành đầu tư 700 triệu đồng để cải tạo, nạo vét thành 7 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Dự kiến, đầu tháng 4-2015, gia đình anh sẽ bắt đầu thả giống vụ nuôi đầu. Gia đình ông Nguyễn Văn Nguyện ở xóm 3 cũng chuyển đổi từ lò gạch thủ công 8 vạn viên/lựa sang mô hình chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 50 con. Ông Nguyễn Đức Khiêm ở xóm Hợp Hòa cũng chuyển từ sản xuất gạch thủ công công suất 25-30 vạn viên/lựa sang mô hình nuôi cá nước ngọt truyền thống như trắm, trôi, mè… Tại xã Trực Hùng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Tiến Dũng cho biết: “Hiện tại, xã đã xóa bỏ được 22/34 lò gạch thủ công truyền thống tại các bãi bồi ven sông Ninh Cơ. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 2 lớp dạy nghề về trồng trọt và chăn nuôi cho hơn 60 học viên, chủ yếu là lao động của các lò gạch thủ công đã được xóa bỏ để giúp họ tạo lập nghề mới, phát triển sinh kế bền vững”. Quá trình thực hiện, xã tổ chức rút kinh nghiệm hằng tuần, hằng tháng và đề ra biện pháp thực hiện theo đúng lộ trình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đối thoại, giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của các chủ lò gạch. Mặt khác, UBND xã kiên quyết không cho khai thác đất tại chỗ để sản xuất gạch nung, cấm các phương tiện không được vận chuyển than, đất từ nơi khác về địa bàn để sản xuất gạch. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã chú trọng giải quyết việc làm cho số lao động ở các lò gạch bằng việc sớm định hướng người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các ngành nghề: vận tải thủy, đóng tàu, làm dịch vụ… Đồng thời, liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động có thể tiếp nhận số lao động dư thừa tại địa phương sau khi xóa bỏ các lò gạch thủ công.
Hiện tại, UBND huyện Trực Ninh đang đề xuất UBND tỉnh cấp sớm kinh phí hỗ trợ cho các chủ cơ sở đã xóa bỏ lò gạch thủ công truyền thống. Đồng thời, tiến hành họp tổng kết kiểm điểm rút kinh nghiệm công tác xóa bỏ lò gạch thủ công giai đoạn I ở các địa phương, làm cơ sở triển khai tiến hành vận động, tuyên truyền triển khai xóa bỏ lò gạch thủ công đợt 2 trong năm 2015. Bên cạnh đó, huyện xây dựng các phương án hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp tục cho vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc được đào tạo nghề để các hộ chuyển đổi nghề nghiệp sau khi những lò gạch đất sét nung phải dừng hoạt động vào năm 2015. Đây chính là cách làm điển hình trong chương trình xóa bỏ lò gạch thủ công, giúp các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh học tập, rút kinh nghiệm để ứng dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn