Trên địa bàn tỉnh ta có nhiều làng nghề dệt truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm như: làng Liên Tỉnh, xã Nam Hồng; làng Trung Thắng, xã Nam Thanh (Nam Trực); làng Dịch Diệp, xã Trực Chính và các làng: Cự Trữ, Nhị Nương, Trung Khê, Phú Ninh của xã Phương Định (Trực Ninh); làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản)… góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Sản xuất các sản phẩm khăn xuất khẩu tại làng nghề dệt Trung Thắng, xã Nam Thanh (Nam Trực). |
Theo những cụ cao tuổi xã Nam Thanh, nghề dệt truyền thống có lịch sử phát triển hàng trăm năm “cha truyền con nối” với nhiều thế hệ người dân làng Trung Thắng. Hàng trăm năm trước, cứ sau mùa vụ nông nghiệp, các tráng đinh trong làng lại khăn gói vào tận Nghệ An, Thanh Hóa mua bông về cho phụ nữ kéo thành sợi, dệt vải trên các khung cửi thủ công truyền thống. Thời ấy, sản phẩm dệt của làng chỉ là các loại vải thô, được nhuộm đen hoặc nâu để khâu váy, áo. Qua bao thăng trầm, nghề dệt truyền thống vẫn gắn bó với người dân làng Trung Thắng cho đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết: Làng Trung Thắng có trên 100 hộ thì hiện có trên 60 máy dệt chạy bằng điện với sản phẩm chính là các loại khăn xuất khẩu đủ loại mẫu mã như: khăn trơn và khăn kẻ ô. Nhờ đó, không chỉ chất lượng sản phẩm mà năng suất lao động cũng được nâng lên gấp 1,5-2 lần so với trước. Ông Phan Đình Kính, một thợ dệt có thâm niên trong làng cho biết: Trước đây mỗi khung dệt phải có 1 lao động liên tục thao tác thì nay 1 người có thể đứng 2 máy dệt; người có kinh nghiệm, tay nghề tốt có thể đảm nhiệm đến 3 máy liên hoàn mà vẫn đảm bảo công suất, chất lượng. Với 2 máy dệt tự động, 2 vợ chồng mỗi người một ca, mỗi ngày hộ ông Kính sản xuất được từ 700-1.000 sản phẩm/máy, giá trị ngày công bình quân đạt 100 nghìn đồng/người/ngày. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất và sản phẩm được HTX Dệt may Tiến Sơn, ở thôn Thượng Lao xã Nam Thanh nhận cung ứng và bao tiêu. Trên địa bàn huyện Trực Ninh hiện có 5 làng nghề dệt truyền thống vẫn hoạt động ổn định, thu hút hàng nghìn lao động nông thôn như: làng Dịch Diệp, xã Trực Chính; các làng: Nhị Nương, Cự Trữ, Phú Ninh, Trung Khê của xã Phương Định; trong đó làng Dịch Diệp đã được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 29 làng nghề truyền thống của toàn tỉnh. Sản phẩm chính hiện nay là khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Từ “hạt nhân” làng Dịch Diệp, đến nay nghề dệt đã được nhân rộng ra cả xã Trực Chính với trên 500 khung dệt; trong đó có 4 HTX dệt gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 400 thành viên, hàng trăm hộ nhận gia công, thu hút khoảng 600 lao động trực tiếp. Nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình hợp đồng gia công khăn bông, khăn màn, gạc cho Cty CP Dệt may Sơn Nam phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề trong xã đã đổi mới quy trình sản xuất, đầu tư máy dệt bán tự động, thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/ngày/máy, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp. Ở làng dệt Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) thời điểm cực thịnh, có tới trên 1.000 khung dệt, là vệ tinh của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (nay là Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) sản xuất các sản phẩm vải bảo hộ lao động, khăn (xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu), vải màn phục vụ thị trường nội địa. Bước sang thời kỳ đổi mới, cùng với những biến động lớn của thị trường trong nước và thế giới, nghề dệt truyền thống của làng Quả Linh dần mai một, trầm lắng. Khoảng chục năm gần đây làng nghề đã được khôi phục phát triển trở lại với trên 300 máy dệt, 25 máy may công nghiệp. Làng có 3 doanh nghiệp là: Doanh nghiệp Tư nhân Dệt Lợi Thành, Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng, Cty TNHH Dệt may Hải Trung và 4-5 cơ sở cung cấp nguyên liệu và nhận bao tiêu sản phẩm cho gần 100 hộ dân theo hình thức “bán sợi - trả màn”. Sản phẩm của làng nghề cũng từng bước được đa dạng theo nhu cầu của thị trường như: vải màn (đơn và kẻ ô vuông) và các loại băng - gạc y tế. Nghề dệt truyền thống đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Việc khôi phục phát triển các làng nghề dệt truyền thống không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn mà còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo yêu cầu xây dựng NTM. Nhờ có nghề dệt truyền thống đã góp phần nâng số lao động trực tiếp sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã Nam Hồng lên trên 75%, lao động nông nghiệp chỉ còn chưa đến 25%; cùng với 4 làng nghề dệt truyền thống và nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, với trên 1.500 máy dệt hoạt động ổn định đã góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN của xã Phương Định lên trên 70%, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 30% cơ cấu kinh tế toàn xã.
Sau một thời gian được phục hồi và phát triển trở lại, nghề dệt truyền thống của nhiều địa phương trong tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển bền vững. Đầu tiên là vấn đề nguồn lao động kế cận. Hầu hết lao động hiện tại trong các làng nghề dệt truyền thống là nữ, đã bước sang tuổi trung niên hoặc lao động tận dụng. Ông Phạm Văn Tiến, Chủ nhiệm HTX Dệt may Tiến Sơn, xã Nam Thanh (Nam Trực) cho biết: Vì nhiều lý do, ngày công của lao động nghề dệt ngày càng thấp, 10 năm trước, ngày công của thợ dệt gấp đôi công lao động phổ thông thì nay đã thấp hơn từ 30-50 nghìn đồng/ngày. Bên cạnh đó, dù đã được cải tiến nhiều về công nghệ sản xuất, tuy nhiên phương thức dệt truyền thống vẫn không tránh được các yếu điểm như: tiếng ồn, bụi bông… nên lao động trẻ không mặn mà. Do định hướng phát triển ở các làng nghề này chủ yếu vẫn là gia công sản phẩm thô cho các doanh nghiệp nên không chỉ giá trị ngày công lao động thấp, mức độ đầu tư cho công nghệ, thiết bị cũng rất hạn chế, tiết kiệm tối đa. Phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề hình thành nhằm tạo một đầu mối trung gian trong quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với các hộ sản xuất cá thể nên các khâu đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh hay cải tiến, đổi mới tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả, giá trị lao động còn rất yếu. Khắc phục những yếu tố này sẽ giúp các làng nghề dệt truyền thống phát triển mạnh và nâng cao giá trị lao động cho người làng nghề, tạo sức hút với lao động trẻ./.
Bài và ảnh: Thành Trung