Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-ĐUK ngày 27-11-2012 về “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong Khối, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cty CP May Nam Hà là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm may công nghiệp, Cty hiện có 624 cán bộ, công nhân, 4 năm liền đạt giải Bạc chất lượng quốc gia. Cty được công nhận là đơn vị đạt chuẩn “Nếp sống văn hóa” cấp tỉnh; được biểu dương tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Cty cho biết: Đạt được kết quả trên, Đảng ủy, HĐQT, Ban giám đốc Cty đã tập trung lãnh đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công nhân lao động thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, Cty chú trọng xây dựng hệ thống quy chế, quy định trên cơ sở các quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Môi trường, Luật BHXH… Để thực hiện chất lượng hoàn hảo tạo ra nét riêng của doanh nghiệp, Đảng ủy và lãnh đạo doanh nghiệp đã triển khai và nâng cấp thường xuyên hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm 7 bước nghiêm ngặt. Nhiều khách hàng đánh giá sản phẩm của Cty không thể lẫn với doanh nghiệp khác. Mọi hoạt động trong doanh nghiệp đều được thông báo thường xuyên, đầy đủ đến cán bộ, đảng viên và công nhân lao động. Trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Cty xác định: Xây dựng doanh nghiệp là một hệ thống vận hành chặt chẽ, khoa học và cải tiến không ngừng dựa trên các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14000 và SA 8000. Đồng thời thường xuyên cập nhật, sử dụng các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất lao động như 5S, TPM, lean Six Sigma. Do thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Cty đạt nhiều kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính nhất như thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản; đảm bảo việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cho người lao động. Quan hệ giữa người lao động trong doanh nghiệp đoàn kết, kỷ luật và thân thiện. Mọi ứng xử mang tính chuẩn mực dựa trên nền tảng luật pháp, văn hóa, giàu tính nhân văn. Người lao động là chủ doanh nghiệp thực sự; cùng góp vốn, cùng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năng suất lao động luôn được nâng lên, chất lượng sản phẩm đảm bảo, thu nhập của người lao động tăng trưởng bình quân 20%/năm trong nhiều năm liền và cổ tức đạt 20% trở lên trong những năm gần đây.
Cty CP Dây lưới thép Nam Định đã xây dựng thành công thương hiệu WINESCO là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam về sản xuất dây thép mạ kẽm, dây kẽm gai, lưới thép các loại, rọ đá, rồng đá và thảm đá đạt tiêu chuẩn quốc tế. |
Cty CP Dây lưới thép Nam Định là một trong các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, đồng thời là đơn vị tiêu biểu trong phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thời gian qua, Cty đã xây dựng thành công thương hiệu WINESCO là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam về sản xuất dây thép mạ kẽm, dây kẽm gai, lưới thép các loại, rọ đá, rồng đá và thảm đá đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng chí Phạm Văn Chí, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Cty cho biết: Cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh, Cty đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động. Cty đã xây dựng và duy trì văn hoá doanh nghiệp trở thành một trong những yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, đầu tư xây dựng thương hiệu WINESCO thành thương hiệu mạnh, thông qua việc tuyên truyền, quảng bá và cam kết cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng, đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng, người tiêu dùng. Xác định rõ “nguồn lực con người là nhân tố chính quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp”, Cty đã tích cực đầu tư đổi mới từng bước, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức: sắp xếp lại các vị trí làm việc cho phù hợp; cử cán bộ đi học các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ; mở lớp mời các chuyên gia về giảng dạy. Đặc biệt, Cty có mối quan hệ thường xuyên với các trường đại học, trường dạy nghề và có chính sách đãi ngộ đối với các sinh viên giỏi về làm việc. Cty thường xuyên giáo dục cho mọi thành viên ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ xây dựng các quỹ từ thiện nhân đạo; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Như Hà, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III (nhiệm kỳ 2010-2015); Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng văn hoá doanh nghiệp đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ Khối, những năm qua, các doanh nghiệp trong Khối đã tập trung đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm không ngừng giữ vị thế trên thị trường và kinh doanh có hiệu quả. Đến nay đã có 30% số doanh nghiệp triển khai tốt việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực của doanh nghiệp. Đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp đứng trước cơ hội và thách thức, một số doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, trụ vững và phát triển bền vững, đã tỏ rõ được bản lĩnh, trí tuệ của mình, một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ Khối về xây dựng văn hoá doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Nhiều doanh nghiệp trong Khối vẫn còn chưa chú ý tới sự cần thiết tất yếu của văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chưa định hình được phong cách làm việc chuyên nghiệp, chưa sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Trong quá trình hoạt động, vẫn bộc lộ những tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trên là do chưa nhận thức đầy đủ về văn hoá doanh nghiệp. Những áp lực kinh tế, công ăn việc làm, thu nhập đời sống, nhất là áp lực chạy theo lợi nhuận; không ít doanh nghiệp và doanh nhân chưa nhận thức được vai trò động lực của văn hoá trong phát triển kinh tế, thậm chí còn coi xây dựng văn hoá doanh nghiệp chưa là vấn đề quan trọng, cấp thiết, nằm ngoài quá trình sản xuất, kinh doanh mà chỉ là yếu tố phụ trợ. Để nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; của lãnh đạo doanh nghiệp và phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp đối với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự gương mẫu đi đầu trong chỉ đạo và thực hiện của lãnh đạo và cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp đối với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tạo sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của doanh nghiệp. Phát huy và sử dụng nhân tố con người, đoàn kết, gắn bó các thành viên trong doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động./.
Bài và ảnh: Việt Thắng