Triển khai các giải pháp trong công tác phân luồng học sinh

09:01, 13/01/2015

Những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện phân luồng học sinh; từ việc giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến việc phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Những ngày này, đến các Trung tâm GDTX trong tỉnh sẽ gặp các học viên đang nỗ lực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Mỗi năm học, có khoảng 8% học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập và ngoài công lập vào học tại các Trung tâm GDTX. Như vậy, việc học sinh xác định năng lực học tập, tiếp thu văn hóa yếu, lựa chọn một hình thức học phù hợp năng khiếu, sở trường, điều kiện của gia đình đã có chuyển biến tích cực. Với mô hình liên kết dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề, lượng học sinh học văn hóa - nghề ở các Trung tâm GDTX trong 3 năm học gần đây tương đối ổn định, năm sau tăng hơn năm trước. Từ năm 2012 đến năm 2014, toàn tỉnh đã có 7.646 học viên học văn hóa - nghề ở các Trung tâm GDTX. Các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề cũng đã đào tạo nghề cho 1.864 học viên ở các Trung tâm GDTX. Các Trung tâm GDTX dạy văn hóa cho 4.682 học viên ở các trường cao đẳng và trung cấp. Số lượng học viên học văn hóa ở các trường trung cấp chuyên nghiệp là 1.947 người. Các đơn vị tham gia liên kết với các Trung tâm GDTX phần lớn đều đóng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện liên kết, các Trung tâm GDTX đã dạy đủ 8 môn văn hóa theo quy định của Bộ GD và ĐT và tổ chức thi tốt nghiệp lấy bằng GDTX cấp THPT theo đúng quy chế, quy định. Các nghề được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề gồm 15 ngành nghề khác nhau; nhiều học viên ra trường đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và có thu nhập tương đối ổn định.

Học sinh THPT Thành phố Nam Định trong một chương trình tư vấn mùa thi năm 2014.
Học sinh THPT Thành phố Nam Định trong một chương trình
tư vấn mùa thi năm 2014.

Trung tâm GDTX Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng), từ nhiều năm nay đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp học văn hóa - nghề cho học sinh. Từ thực tế, mỗi năm tại khu vực 16 xã, thị trấn miền hạ của huyện có khoảng 450-500 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học bậc THPT và khoảng 350-450 học sinh tốt nghiệp THPT không đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, cùng hàng trăm người lao động, bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề mà không có điều kiện học tập, trung tâm đã chủ động liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của các đối tượng, tư vấn lựa chọn nghề học cho học viên học các môn văn hóa bậc bổ túc THPT, đồng thời cử giáo viên dạy các bộ môn văn hóa bổ trợ trong chương trình trung cấp nghề. Trung tâm xây dựng chương trình đào tạo, giám sát, kiểm tra quá trình đào tạo nghề và cùng với các trường trung cấp, cao đẳng nghề thực hiện việc gắn đào tạo nghề sát với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường lao động hiện nay và tăng cường liên hệ, phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để học viên đi thực tập sản xuất tại xưởng gắn với bố trí việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã mở được hàng chục lớp học văn hóa - nghề cho gần 800 học viên; 100% học viên sau khi tốt nghiệp có tay nghề vững vàng và đã được bố trí việc làm; trong đó phần lớn được tiếp nhận làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tổng Cty Sông Đà, Tổng Cty Xây dựng Senco8… với thu nhập ổn định. Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp phân luồng học sinh đã mở ra con đường học tập sau THCS cho học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh có học lực yếu kém, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn và học sinh có nguy cơ bỏ học… Đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không có khả năng vào học tại các trường đại học thì với mạng lưới 16 cơ sở có đào tạo bậc TCCN (gồm 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 7 trường TCCN) với quy mô hằng năm có khả năng tiếp cận 8.000 học sinh học TCCN theo học ở 40 ngành nghề TCCN. Cùng với hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với 21 cơ sở (3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề và 12 trung tâm dạy nghề), quy mô đào tạo theo thiết kế bậc cao đẳng nghề là 12.200 sinh viên/năm, bậc trung cấp nghề là 4.500 học sinh/năm sẽ đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh trong tỉnh.

Tuy nhiên, để làm tốt công tác phân luồng giúp cho học sinh vào học ở từng loại hình, từng cấp độ đào tạo phù hợp với điều kiện, năng lực của mỗi cá nhân và nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành GD và ĐT cần chỉ đạo các nhà trường, các Trung tâm GDTX tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp. Tổ chức tập huấn trang bị cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông, các Trung tâm GDTX kiến thức về tư vấn hướng nghiệp góp phần tích cực vào công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp; phối hợp, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tổ chức thực hành, thực tập nghề nghiệp, bảo đảm đào tạo sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tạo đầu ra ổn định, tin cậy cho người học, giúp cho mọi học sinh đều có thể lựa chọn cho mình một ngành học, một nghề nghiệp đúng với năng lực, sở trường và điều kiện của bản thân./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com