Năm 2014, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tăng hơn năm 2013 song chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,69% so với năm 2013; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 22,5% so với năm trước và vượt 6,7% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 591,5 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra. Đó là kết quả của việc quan tâm phát triển đồng bộ sản xuất CN-TTCN trên cả 2 khu vực: công nghiệp chủ lực và CN-TTCN, làng nghề nông thôn.
Những điểm nhấn tích cực
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá thực tế) năm 2014 ước thực hiện đạt trên 54,1 nghìn tỷ đồng. Các loại hình kinh tế cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao: khu vực kinh tế Trung ương tăng 7,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,1%; khu vực kinh tế địa phương tăng 11,9%. 3 KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh hoạt động ổn định với tổng diện tích quy hoạch trên 590ha, diện tích đất công nghiệp đã cho 166 dự án thứ cấp thuê 272,5ha, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.555 tỷ đồng. Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: dệt may, cơ khí, hóa chất... vẫn duy trì sản xuất ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Ngành dệt may phát triển mạnh và đều ở các huyện, thành phố, thu hút được nhiều dự án đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp trong nước như: Cty CP May Sông Hồng, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định... mà còn có các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài như: Cty TNHH Dệt may Thiên Nam đầu tư 1 triệu USD tại xã Giao Tiến (Giao Thủy); huyện Trực Ninh đã thu hút được các Cty TNHH Shin Myung First Vina đầu tư 1 triệu USD tại xã Trung Đông, Cty TNHH Sungwon F and K đầu tư 1 triệu USD tại Thị trấn Cát Thành, Cty TNHH Arma Việt Nam đầu tư 25,5 triệu USD tại Thị trấn Cổ Lễ... Ngành cơ khí vẫn phát triển mạnh ở lĩnh vực sản xuất các loại máy nông nghiệp, xây dựng, sản xuất các mặt hàng gia dụng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đóng tàu như: Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long (Hải Hậu); các Cty CP Công nghiệp tàu thủy Nam Hà, Sông Đào (TP Nam Định) bước đầu phục hồi sản xuất, nhận được các hợp đồng đóng tàu pha sông biển. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất... vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, có tăng trưởng, làm nòng cốt giữ vững nhịp độ phát triển cho toàn ngành. Bên cạnh đó, các giải pháp, chương trình phát triển CN-TTCN, làng nghề nông thôn theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy và chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn phát triển nhanh. Toàn tỉnh hiện có 20 CCN tập trung, với tổng số 471 dự án (tổng vốn đầu tư được duyệt là 2.983 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện là trên 2.706 tỷ đồng). Giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN năm 2014 ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013, tạo việc làm cho 18,7 nghìn lao động nông thôn. Toàn tỉnh đã phát triển được 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN với tổng số 310 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, 52 nghìn hộ cá thể, tạo việc làm thường xuyên cho 135 nghìn lao động. 166 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN trong tổng giá trị sản xuất chiếm từ 10% trở lên; trong 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 có 78 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt từ 15% trở lên. Giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN, làng nghề khu vực nông thôn năm 2014 ước đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 65% so với năm 2010; tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn chiếm hơn 53,58% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh. “Phi công bất phú”, nông thôn đổi mới với nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, tăng cơ giới hóa, giảm lao động nặng nhọc trên đồng ruộng; đồng thời, ngành nghề CN-TTCN nông thôn phát triển tạo thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn đã tạo những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế nông thôn, giúp nông dân tăng thu nhập, làm giàu.
Sản xuất tại Tổng Cty CP Dệt may Nam Định. |
Với hai “chân” công nghiệp chủ lực và CN-TTCN, làng nghề nông thôn đồng hành tăng trưởng đang tạo bước đi vững chắc cho ngành công nghiệp tỉnh nhà trong tiến trình CNH-HĐH, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông thôn, trước mắt là nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Kỳ vọng tăng trưởng
Những kết quả phát triển CN-TTCN của tỉnh năm qua là nền tảng vững chắc, cho ta kỳ vọng về sự tăng trưởng trong năm 2015 với mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh đạt 27.341 tỷ đồng, tăng 23-24%; kim ngạch xuất khẩu đạt 670-680 triệu USD, tăng 15,1% so với năm 2014. Thêm vào đó, năm 2015 tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo là tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng khả quan; nước ta đã hoàn thành ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (song phương và đa phương)... sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, mở ra các cơ hội, thị trường mới cho nhiều sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh như: dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông sản... Năm 2015 được tỉnh xác định là năm trọng điểm thực hiện cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai chính quyền điện tử; thực hiện quyết liệt việc luân chuyển cán bộ làm việc ở các lĩnh vực, công việc, địa bàn có tính nhạy cảm gắn liền với xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực để góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Trong năm 2014, UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 8 dự án đầu tư mới vào các KCN; trong đó có 5 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 380 tỷ đồng và 3 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 84 triệu USD. Đầu năm 2015 dự án KCN Dệt may Rạng Đông giai đoạn 1 rộng hơn 600ha sẽ được khởi công. Tại các CCN đã có thêm 20 dự án đầu tư mới, nâng tổng số các dự án đầu tư trong các CCN huyện, thành phố lên 471 dự án với tổng vốn đầu tư là 2.938 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là trên 2.706 tỷ đồng; đã có 14 CCN đã được lấp đầy và cơ bản lấp đầy diện tích.
Để hiện thực hóa kỳ vọng đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, năm 2015 ngành Công thương tập trung bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh để tập trung mọi nguồn lực, thực hiện có hiệu quả 9 nhóm giải pháp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất CN-TTCN, phát triển thương mại toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt, đồng thời triển khai xây dựng các quy hoạch phát triển chi tiết các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, chủ lực của tỉnh như: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may, công nghiệp hỗ trợ, hoá chất... Tập trung các nguồn lực phát triển các KCN, CCN. Thúc đẩy xây dựng các KCN mới, trong đó ưu tiên phát triển các KCN chuyên ngành như KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng); Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); Thịnh Long (Hải Hậu) và mở rộng diện tích các CCN đã lấp đầy như: Xuân Tiến (Xuân Trường); La Xuyên, Tống Xá (Ý Yên)... Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công (từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh và Bộ Công thương). Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước cũng như tổ chức tốt các hội chợ trên địa bàn tỉnh để tăng cơ hội giao lưu, quảng bá tìm kiếm đối tác, thị trường mới cho các doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Thành Trung