Những ngày này các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang gấp rút chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Sự phong phú, đa dạng về chủng loại các mặt hàng thực phẩm kéo theo nguy cơ hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trà trộn, gây mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Để đẩy mạnh công tác đảm bảo VSATTP, các ngành chức năng, các địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Các ngành tập trung xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các tuyến, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thuộc phạm vi được phân công. Ngành Y tế tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong toàn tỉnh; chuẩn bị sẵn các phương án xử lý các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; khống chế không để dịch bệnh đường tiêu hoá bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Ngành Công thương kiểm tra phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không xác định nguồn gốc xuất xứ… đang được sản xuất và lưu thông trên thị trường trong tỉnh. Ngành NN và PTNT thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo chất lượng hàng hóa nông nghiệp, ATVSTP nông lâm thủy sản. Cùng với việc quản lý lĩnh vực theo chuyên ngành, các ngành cũng tăng cường việc phối hợp, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các tuyến để kiểm tra công tác ATTP. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở dịch vụ ăn uống. Tại tuyến tỉnh, 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh gồm các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công thương cùng các thành viên trong đoàn gồm đại diện Cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra các cơ sở được phân công cho tuyến tỉnh quản lý, bao gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, các siêu thị.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh kiểm tra mặt hàng bánh, mứt, kẹo, bia, rượu phục vụ Tết Nguyên đán tại một cửa hàng ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). |
Các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra. Quá trình thanh tra, kiểm tra, cán bộ của ngành Y tế có dụng cụ, phương tiện để lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra, kiểm nghiệm tại chỗ. Ngoài việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp các cơ sở, các đoàn thành tra, kiểm tra tuyến trên sẽ làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác đảm bảo ATTP tại địa phương. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương cũng phối hợp chia sẻ thông tin trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực của ngành mình để giúp cho công tác thanh tra, kiểm tra được đầy đủ, khách quan, chính xác. Theo các ngành chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được tiến hành một cách nghiêm túc, đồng bộ và sẽ có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm theo các mức như bị phạt tiền, bị đóng cửa, bị thu hồi và tiêu hủy những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP... Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Cục ATTP, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất các quầy hàng kinh doanh ô mai tại chợ Văn Miếu (TP Nam Định). Chi cục đã kiểm tra 2 cơ sở, lấy mẫu ngẫu nhiên 3 sản phẩm (ô mai đào ngọt Việt An, ô mai dâu, ô mai gừng). Qua kiểm tra xác định 1 mẫu ô mai được sản xuất tại cơ sở sản xuất và thương mại Hùng Việt (Võng La, Đông Anh, Hà Nội), 2 mẫu ô mai được chủ cơ sở khai báo lấy từ chợ Mỹ Tho (TP Nam Định), không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tất cả các mẫu ô mai đều không ghi ngày sản xuất trên bao bì. Đoàn kiểm tra đã gửi 3 mẫu ô mai đến Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia để kiểm nghiệm chỉ tiêu chất tạo ngọt Cyclamate có trong các mẫu sản phẩm. Sau khi kiểm tra, Chi cục ATVSTP tỉnh đã khuyến cáo các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nâng cao ý thức trách nhiệm, cam kết thực hiện kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng, đảm bảo ATTP; tiếp tục kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm vi phạm để xử lý theo quy định.
Đồng chí Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm cũng được tăng cường. Vào thời điểm này, ngành NN và PTNT đang tích cực phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vật tư hàng hóa nông nghiệp, ATVSTP nông lâm thủy sản cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất như nông dân, ngư dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến... Ngành Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc lưu thông các mặt hàng thực phẩm trên thị trường, nhất là thực phẩm tươi sống, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm VSATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua công tác tuyên truyền, giúp cho người dân thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, đồng thời cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác kịp thời những vi phạm về ATTP cho ngành chức năng để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn cho chính mình./.
Bài và ảnh: Minh Thuận