Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế

07:01, 22/01/2015

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK), công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế… Tại bệnh viện, nhân viên xã hội là một thành phần trong ê kíp trị liệu, có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị thích hợp trên cơ sở thu thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của bệnh nhân; thực hiện các trợ giúp về tâm lý đối với người bệnh như: trấn an, giảm áp lực, tránh mặc cảm hoặc tư vấn về điều trị… Công tác CSSK tại gia đình và cộng đồng cũng rất cần có sự tham gia của nhân viên xã hội trong việc tham dự vào các hoạt động CSSK ban đầu tại cộng đồng như: truyền thông, giáo dục sức khỏe, giúp các nhóm đặc thù phục hồi, phát triển thể chất và tinh thần…

Các điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu.
Các điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu.

Thực hiện Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020”, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020”. Sau hơn 3 năm triển khai, CTXH đã xuất hiện tại một số bệnh viện tuyến Trung ương và một số tỉnh với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc người bệnh góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Một số mô hình tổ chức hoạt động CTXH trong bệnh viện và tại cộng đồng cũng đã được hình thành như: Phòng CTXH, Phòng chăm sóc khách hàng, tổ từ thiện xã hội… tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã, phường… Bước đầu hoạt động này đã góp phần cung cấp các thông tin theo yêu cầu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh; kết nối bệnh nhân với các dịch vụ trong và ngoài bệnh viện; hỗ trợ sinh hoạt vận động đối với những bệnh nhân khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 bệnh viện tuyến huyện, thành phố, 1 bệnh viện ngành và 1 bệnh viện ngoài công lập. Tại các bệnh viện, một số hoạt động từ thiện, nhân đạo đã và đang tiềm tàng ý nghĩa của CTXH. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập đội hướng dẫn bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh gồm 4 nhân viên bệnh viện thay nhau làm nhiệm vụ. Tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu có 2 đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân làm các thủ tục khám, chữa bệnh… Tuy nhiên, hoạt động CTXH tại các bệnh viện mới chỉ mang tính tự phát, chưa được điều chỉnh bởi các văn bản mang tính pháp lý, chưa có văn bản quy định về chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự cũng như chưa có Phòng CTXH trong tổ chức bộ máy của các bệnh viện. Ngoài ra một số bệnh viện tuyến tỉnh và một số ít các bệnh viện tuyến huyện có duy trì hoạt động xã hội mang tính từ thiện để trợ giúp bệnh nhân, song vẫn chỉ là những việc làm tự phát do một số cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện tham gia và còn thiếu tính chuyên nghiệp, chỉ giúp bệnh nhân giải quyết được một số nhu cầu bức thiết như: bếp ăn từ thiện, bữa ăn từ thiện, gây quỹ từ thiện… Nhân viên y tế chưa có thời gian và khả năng để giải quyết nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh, dẫn tới nảy sinh không ít vấn đề tại các bệnh viện như: sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế, sự mệt mỏi, căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc… Hiện tại toàn tỉnh có 4.139 giường bệnh ở 20 bệnh viện các tuyến và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Với số lượng bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh và số giường bệnh, nếu hình thành một mạng lưới hoạt động CTXH tại các đơn vị trên thì cần đến hàng trăm nhân viên xã hội để hỗ trợ bệnh nhân và hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Ngoài ra, tại cộng đồng, nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai cũng đang rất cần có sự tham dự của nhân viên CTXH, đặc biệt là các chương trình liên quan đến những nhóm đặc thù như: quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV tại cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, phòng, chống lao, CSSK tâm thần dựa vào cộng đồng, quản lý sức khỏe hộ gia đình, sức khỏe sinh sản, dân số - KHHGĐ, phòng, chống tai nạn thương tích… Nếu hình thành mạng lưới CTXH trong CSSK tại cộng đồng thì cần thiết phải có đội ngũ nhân viên được đào tạo về lĩnh vực này.

Với mục tiêu Bộ Y tế đặt ra là đến hết năm 2020, triển khai hoạt động CTXH trong CSSK tại 60% các bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện tuyến huyện, 40% số xã, phường, thị trấn, thì việc thực hiện trên địa bàn tỉnh là rất khó khăn; bởi hiện tại tỉnh chưa có văn bản nào hướng dẫn việc phát triển và duy trì nghề CTXH trong ngành Y tế. Do vậy để phát triển CTXH ngành Y tế cần xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, phù hợp về vị trí, vai trò và việc hình thành, phát triển nghề CTXH trong CSSK. Đào tạo và đào tạo lại, kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên y tế, dân số. Xây dựng chương trình nhằm cụ thể hóa việc phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế. Thực hiện mô hình điểm về CTXH tại các bệnh viện, góp phần cải thiện năng lực của hệ thống y tế./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com