Nâng cao hiệu quả công tác y tế lao động

08:04, 09/04/2013

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 đơn vị y tế công lập tuyến tỉnh, huyện và 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn với gần 4.000 cán bộ y tế. Hệ thống y tế ngoài công lập gồm 1 bệnh viện tư nhân, 238 phòng khám đa khoa, chuyên khoa với gần 450 cán bộ y tế. Những năm qua, việc hướng dẫn, quản lý vệ sinh lao động (VSLĐ), sức khỏe người lao động (NLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) được ngành y tế quan tâm thường xuyên. Qua đó, nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), VSLĐ và môi trường lao động được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện thường xuyên và đi vào nền nếp. Các chế độ, chính sách về ATLĐ, VSLĐ được thực hiện đầy đủ, góp phần nâng cao sức khỏe cho NLĐ.

Cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Thực hiện Thông tư 19/2011/TT-BYT về công tác ATLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ và phòng chống BNN, Trung tâm YTDP tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế phân cấp quản lý công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ cho các Trung tâm y tế huyện, thành phố và y tế tại các cơ sở lao động; triển khai tốt công tác ATVSLĐ, phòng chống BNN tại các đơn vị y tế trong tỉnh, xây dựng các mô hình điểm về công tác ATVSLĐ trong các đơn vị y tế… Trung tâm YTDP tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt công tác ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe NLĐ với các nội dung: Chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và BNN, tập trung vào một số lĩnh vực có nguy cơ cao như công nghiệp dệt may, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi khả năng lao động cho NLĐ thông qua việc đầu tư nâng cấp các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng, điều trị BNN, tăng cường nghiên cứu các phương pháp phòng chống BNN và phục hồi khả năng lao động; tăng cường hợp tác và tranh thủ nguồn kinh phí của Bộ Y tế đầu tư, trợ giúp kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện, học tập kinh nghiệm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác BHLĐ, ATLĐ, VSLĐ... Đối với chương trình phòng chống BNN, Trung tâm YTDP tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng và áp dụng mô hình can thiệp phòng chống các BNN viêm gan B, sạm da nghề nghiệp; hằng năm tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị phục hồi chức năng BNN cho cán bộ BHLĐ, cán bộ y tế làm công tác ATVSLĐ tại các huyện, thành phố, doanh nghiệp; phổ biến và tuyên truyền rộng rãi cho NLĐ, người sử dụng lao động về công tác VSLĐ và phòng chống BNN, từng bước nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp. Trung tâm đã bổ sung một số trang thiết bị phục vụ công tác giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN như máy đo bụi, máy đo huyết áp, cân điện tử, máy đo độ rung, máy đo vi khí hậu, máy siêu âm, máy điện tim… Trong công tác y tế lao động, năm 2012, Trung tâm đã lập hồ sơ, giám sát môi trường lao động ở 25 cơ sở sản xuất, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ của 102 cơ sở, khám BNN cho NLĐ của 3 cơ sở; cung cấp 15 nghìn tờ rơi, áp phích, băng rôn về ATVSLĐ và phòng chống BNN; truyền thông cho 20 đơn vị, doanh nghiệp, mở 15 lớp tập huấn về ATVSLĐ, phòng chống BNN và tập huấn sơ, cấp cứu ban đầu. Xây dựng và áp dụng mô hình can thiệp phòng chống BNN tại Bệnh viện Đa khoa Trực Ninh và Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh, mở 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác ATVSLĐ tuyến huyện, thành phố và ở doanh nghiệp. Qua đó đã góp phần chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn chặn tai nạn lao động, BNN, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, đảm bảo an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của nhà nước, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư 19/2011/TT-BYT còn nảy sinh một số bất cập: Số cơ sở sản xuất có bố trí cán bộ phụ trách y tế chỉ chiếm 11%, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn và vừa; số đơn vị y tế có thành lập hội đồng BHLĐ chỉ chiếm 15%, 100% doanh nghiệp lớn có Hội đồng BHLĐ, 71,4% doanh nghiệp vừa có hội đồng BHLĐ và chỉ 8,4% doanh nghiệp nhỏ có hội đồng BHLĐ. Công tác ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe NLĐ tuyến huyện hạn chế cả về nhân lực, trình độ chuyên môn và trang thiết bị. Công tác thống kê báo cáo tại các cơ sở lao động, Trung tâm y tế huyện, thành phố không đều, không đủ nên khó khăn cho Trung tâm YTDP tỉnh tổng hợp, báo cáo. Công tác khám BNN chủ yếu tập trung ở một số cơ sở sản xuất lớn, còn đa phần là cá nhân đi khám BNN đơn lẻ. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về y tế tại các trung tâm y tế, cơ sở lao động còn hạn chế về số lượng và năng lực chuyên môn, lại biến động liên tục, gây khó khăn cho Trung tâm YTDP tỉnh trong việc triển khai hướng dẫn thực hiện các hoạt động quản lý và chăm sóc sức khỏe NLĐ. Từ những khó khăn trên, để làm tốt công tác quản lý ATVSLĐ, phòng chống BNN và chăm sóc sức khỏe NLĐ, cần kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách về y tế từ tỉnh đến các huyện, thành phố để công tác y tế lao động được triển khai toàn diện đến từng đơn vị, cơ sở. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn về y tế lao động cho các cán bộ tuyến huyện, thành phố. Bổ sung trang thiết bị tại Trung tâm YTDP tỉnh và một số tuyến huyện có các CCN. Tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, NLĐ để họ thấy rõ quyền và trách nhiệm trong thực hiện các nội dung ATVSLĐ, phòng chống BNN và chăm sóc sức khỏe NLĐ tại đơn vị. Tiếp tục triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư 19 đến các cơ sở lao động trong tỉnh để công tác quản lý ATVSLĐ, phòng chống BNN và chăm sóc sức khỏe NLĐ ngày càng đạt hiệu quả./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com