Đánh giá về sản xuất vụ xuân năm 2013, đồng chí Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Sở NN và PTNT khẳng định: “Đây là một vụ xuân có nhiều chuyển biến tích cực cả trong chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức thực hiện của tất cả các địa phương trong tỉnh. Đây là vụ xuân đầu tiên 77.500ha lúa và 13.300ha cây màu của tỉnh cơ bản gieo trồng, cấy xong trong ngày 25-2-2013, đẩy sớm thời vụ lên trên 10 ngày so với các vụ xuân trước; cũng là năm đầu tiên, diện tích lạc xuân toàn tỉnh đạt 5.717ha, tăng 162ha so với vụ xuân năm 2012. Do toàn bộ diện tích lúa, màu vụ xuân được trồng trong khung thời vụ tốt nhất trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên phát triển nhanh”.
Cấy lúa vụ xuân 2013 tại xã Liên Bảo (Vụ Bản). |
Để đạt được kết quả trên, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ các khâu: lấy nước, làm đất, gieo mạ, cấy và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Ở khâu nước, chủ động chống hạn ngay từ vụ đông, tất cả các địa phương đồng loạt ra quân làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Ngay khi lúa mùa mới đỏ đuôi, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL đã ra quân nạo vét, kiên cố hoá các tuyến kênh cấp I, cấp II. Cùng với thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), các địa phương tiến hành chỉnh trang đồng ruộng: nạo vét kênh cấp III, làm đường giao thông nội đồng, khoanh vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh ở hầu hết các xã, thị trấn. Đến trung tuần tháng 1-2013, khối lượng đào đắp thuỷ lợi nội đồng toàn tỉnh đạt trên 8 triệu m3, bằng 150,6% kế hoạch và gần gấp đôi so với khối lượng đào đắp thuỷ lợi nội đồng vụ đông xuân 2011-2012. Nhờ làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng nên các tuyến kênh mương từ cấp I đến cấp III thông thoáng dẫn nước vào tận ruộng. Các Cty thuỷ nông đã tận dụng những đợt triều cường, không mặn tổ chức lấy nước vào đồng. Trong 3 đợt xả nước các hồ thuỷ điện để chống hạn, các thủ cống, các trạm bơm túc trực ngày đêm, không kể giờ giấc, ngày nghỉ, ngày lễ để lấy nước. Ngay từ sau đợt xả nước chống hạn lần thứ nhất, diện tích tưới tiêu vùng thuỷ triều của tỉnh gồm các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng… đã cơ bản đủ nước cho làm đất. Trong 2 đợt xả nước tiếp theo, các Cty cũng tổ chức lấy được tối đa lượng nước để thau chua, rửa mặn và dự trữ cho gieo cấy và chăm sóc lúa đợt 1. Các huyện phía nam tỉnh thực hiện phương châm “ải thâm hơn dầm ngấu” nên ngay từ cuối tháng 11 tranh thủ những ngày nắng hanh, huy động tổng lực máy xuống đồng cày lật đất và 100% diện tích đã được cày trước khi lấy nước vào đồng. Do đủ nước ngay từ đợt đầu nên các địa phương có điều kiện đẩy nhanh tiến độ làm đất. Đến trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ toàn bộ 77.500ha gieo cấy lúa của toàn tỉnh đã cơ bản được làm đất xong. Theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày mùng 3 Tết Quý Tỵ (12-2-2013), tất cả các địa phương đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Chỉ sau 1 tuần xuống đồng, huyện Hải Hậu đã cấy xong toàn bộ 10.530ha lúa xuân. Đến ngày 21-2-2013, các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng cũng hoàn thành 100% diện tích. Ngoài đủ nước, làm đất khẩn trương, các huyện, thành phố đều tuân thủ đúng lịch gieo mạ do tỉnh chỉ đạo, kết thúc gieo mạ trong ngày 5-2-2013. Cùng với việc gieo, cấy sớm, tập trung, vụ xuân 2013 các tiến bộ kỹ thuật cũng được các địa phương đưa vào sản xuất. Gieo sạ hàng được nhân rộng ở tất cả 10 huyện, thành phố với tổng diện tích 12.093ha, chiếm 15,6% diện tích sản xuất lúa vụ xuân, tăng 4.687ha so với vụ xuân 2012. Đặc biệt trong vụ xuân 2013, toàn tỉnh xây dựng 150 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích 6.506ha, gấp 12,5 lần về số lượng và gấp 11,5 lần về diện tích so với vụ xuân 2012; trong đó có 136 mô hình CĐML sản xuất lúa và 14 mô hình CĐML sản xuất cây màu xuân. Các huyện xây dựng được nhiều mô hình CĐML trong vụ xuân này là: Nam Trực 36 mô hình (28 mô hình sản xuất lúa), Trực Ninh 28 mô hình (27 mô hình sản xuất lúa), Nghĩa Hưng 28 mô hình, Xuân Trường 19 mô hình…
Bên cạnh những chuyển biến tích cực ở vụ xuân 2013, vẫn còn những thiếu sót cần rút kinh nghiệm và khắc phục trong các vụ sau. Trong khi 5 huyện phía nam tỉnh chủ động cày lật đất trước khi lấy nước thì các huyện phía bắc tỉnh vẫn “cố thủ” phương pháp làm “dầm” nên đất khó ngả ngấu, không giải phóng được độc tố trong đất, gây hại cho lúa, nhất là bệnh nghẹt rễ. Nhiều địa phương diện tích gieo sạ hàng còn thấp như: Thành phố Nam Định 30ha, Mỹ Lộc 200ha, Trực Ninh 200ha… và vẫn còn một số địa phương gieo sạ sau ngày 20-2 là quá chậm với tổng diện tích 626ha. Bên cạnh các huyện xây dựng nhiều mô hình CĐML như Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, vẫn còn địa phương chỉ có 1 mô hình, thậm chí không có mô hình CĐML. Giống lúa BT7 là giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng còn được gieo cấy với tỷ lệ chiếm tới 36% tổng diện tích, nhiều huyện tỷ lệ này chiếm 40-60%, dễ gây nguy cơ mất mùa cục bộ nếu chăm sóc và bảo vệ không tốt và khoảng 10% diện tích vẫn cấy giống BC15, là giống đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên cấy trong vụ xuân vì nhiễm bệnh đạo ôn nặng./.
Bài và ảnh: Tất Thắc