Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững

08:02, 19/02/2013

Từ năm 2004, huyện Hải Hậu đã xây dựng đề án chuyển đổi diện tích cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Huyện đã thành lập ban chỉ đạo và có 16/35 xã, thị trấn tham gia. Các xã căn cứ vào diện tích quy hoạch, tạo ra các vùng chuyển đổi tập trung với diện tích tối thiểu mỗi vùng 5ha. Các vùng chuyển đổi đều thành lập các tổ hợp tác, CLB để chuyển giao kỹ thuật đào ao, quản lý môi trường nuôi trồng và thống nhất thả cùng giống nhằm tạo ra các vùng nuôi chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo hiệu quả bền vững. UBND huyện chỉ đạo quy hoạch hệ thống thủy lợi, ao nuôi; có chính sách khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Từ năm 2007-2009 huyện có chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS, đối với nuôi nước ngọt hỗ trợ 2,7 triệu đồng/ha; đối với nuôi nước lợ được hỗ trợ 4,05 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 887ha cấy lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang NTTS và hình thành các vùng nuôi tập trung ở các xã: Hải Chính 40ha, Hải Triều 20ha, Hải Lý 20ha, Hải Đông 30ha, Hải Lộc 25ha… Các hộ nuôi mạnh dạn đầu tư ao nuôi quy mô đa dạng. Ngoài nuôi tôm, nhiều hộ còn đa dạng con nuôi như: cua, ếch, cá sấu, ba ba, lươn... xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa.

Vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản của xã Xuân Hoà (Xuân Trường).
Vùng chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản của xã Xuân Hoà (Xuân Trường).

Những năm qua các địa phương trong tỉnh đều có chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích cấy lúa, sản xuất muối hiệu quả thấp sang NTTS. Nhiều huyện có diện tích chuyển đổi sang NTTS lớn như: Hải Hậu 887ha, Giao Thủy 345ha, Nghĩa Hưng 220ha... Các địa phương đã quản lý và thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản, được tỉnh phê duyệt. Vốn ngân sách đầu tư được tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cấp I cho vùng chuyển đổi như kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn, đường giao thông, điện. Về quản lý vùng chuyển đổi, chủ yếu là do UBND xã, HTX. Vùng nuôi đều có hệ thống kênh tưới và hệ thống kênh tiêu. Các hộ nuôi trong vùng chuyển đổi NTTS xây dựng hệ thống ao nuôi có ao chứa lắng để xử lý nước, ao ương giống, ao nuôi thương phẩm; hệ thống ao được quy hoạch chi tiết. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, hệ thống ao nuôi được giao lại cho các hộ tổ chức nuôi. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều phát huy hiệu quả, các hộ nuôi trong vùng đã tận dụng thời gian và mặt nước tổ chức NTTS đạt hiệu quả cao. Ở một số vùng chuyển đổi, các hộ đã đưa một số con nuôi có giá trị kinh tế và hiệu quả cao như cá lóc bông, cá vược, cá rô đồng, cá lăng chấm, cá trắm đen… Ngoài các hộ nuôi ở các xã Xuân Hoà, Xuân Vinh (Xuân Trường) tổ chức nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến là chủ yếu, phương thức nuôi tại các vùng được hình thành tập trung theo hướng thâm canh và bán thâm canh. Công nghệ nuôi được thay đổi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Công tác cải tạo ao, đầm; chăm sóc, quản lý ao nuôi đi vào nền nếp. Các hộ NTTS tại các vùng chuyển đổi đã chuyển từ sử dụng thức ăn tự chế sang thức ăn công nghiệp; từ dùng hoá chất, thuốc kháng sinh sang dùng các chế phẩm sinh học cho hiệu quả cao, bền vững, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngành NN và PTNT và các địa phương có vùng dự án chuyển đổi NTTS đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, trao đổi, hội thảo, tham quan… nên trình độ của các hộ nuôi được nâng lên. Ở vùng nuôi nước lợ, đã hình thành các vùng nuôi tập trung với các con nuôi là đối tượng có giá trị kinh tế cao như vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong (Giao Thuỷ); Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); vùng nuôi cua biển, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược và một số loài khác ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ở vùng nước ngọt chuyển đổi sang NTTS đã hình thành các vùng nuôi thương phẩm tập trung như vùng nuôi cá lóc bông ở Nghĩa Hưng, vùng nuôi cá rô phi, diêu hồng ở Hải Châu (Hải Hậu), nuôi cá truyền thống ở Mỹ Tiến, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… Do được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, ngành, diện tích nuôi trồng toàn tỉnh tăng từ 14.224ha (năm 2006) lên 15.782 (năm 2012), trong đó nuôi mặn lợ 6.157ha, nuôi nước ngọt 9.625ha. Sản lượng NTTS năm 2012 đạt hơn 53 nghìn tấn.

Để quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang NTTS nhằm phát triển kinh tế theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, chính quyền các cấp, ngành cần tiếp tục rà soát và bổ sung quy hoạch sử dụng đất đai; quy hoạch thuỷ lợi; quy hoạch xây dựng NTM của các địa phương; đảm bảo có hiệu quả và thực hiện từng bước vững chắc. Thực hiện phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực. Phấn đấu mỗi năm tổng sản lượng lúa đạt 900 nghìn tấn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 150 nghìn tấn. Tập trung chỉ đạo phát triển đồng bộ nuôi trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuỷ sản theo hướng ưu tiên phát triển NTTS bền vững, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Chuyển đổi sang NTTS theo quy hoạch, tránh hiện tượng nuôi tràn lan, nhỏ lẻ phá vỡ quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển NTTS theo hướng trang trại, gia trại. Tập trung phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tăng cường công tác khuyến ngư, áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn VietGap trong NTTS. Tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thuỷ sản. Từng bước xây dựng thương hiệu thuỷ sản của các địa phương trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com