Mô hình thí điểm Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền, tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương. Qua hơn 2 năm thực hiện thí điểm tại tỉnh ta, bước đầu mô hình đã mang lại những kết quả thiết thực, đồng thời đặt ra một số vấn đề cần giải quyết.
Từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền
Tỉnh ta có Đảng bộ huyện Nam Trực, 6 Đảng bộ xã gồm: Giao Lạc (Giao Thuỷ), Hải Lộc (Hải Hậu), Xuân Thượng (Xuân Trường), Trực Hưng (Trực Ninh), Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), Yên Trung (Ý Yên) và 4 Đảng bộ phường của Thành phố Nam Định: Vỵ Xuyên, Vỵ Hoàng, Bà Triệu, Trường Thi được cấp uỷ cấp trên chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND. Việc lựa chọn này được dựa trên các tiêu chí: địa phương có nội bộ đoàn kết, thống nhất; cán bộ chủ chốt có đủ khả năng đảm nhiệm hai chức danh trên; tình hình an ninh, chính trị của địa phương ổn định. Trong số 11 cán bộ đang trực tiếp thực hiện thí điểm, phần nhiều trước đó đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND, một số là Bí thư cấp uỷ, 1 trường hợp là Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ phường. Ngay sau khi thực hiện thí điểm cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã sửa đổi, ban hành quy chế hoạt động mới trong điều kiện đồng chí Bí thư cấp uỷ và Chủ tịch UBND cùng cấp đã được “nhất thể hoá”. Theo đó, quy chế xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ công tác của cá nhân người đứng đầu với cấp uỷ, HĐND (nơi có HĐND) và UBND. Cụ thể là mối quan hệ giữa bí thư với ban thường vụ và cấp uỷ; giữa Chủ tịch UBND với HĐND (nơi có HĐND) và UBND. Không chỉ vai trò, trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND được xác định rõ, tăng cường mà vai trò, trách nhiệm của đồng chí Phó Bí thư thường trực, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND cùng được nâng lên. Qua thực tế ở những đơn vị thí điểm cho thấy: Hoạt động của cấp uỷ, chính quyền và cá nhân đồng chí Bí thư - Chủ tịch UBND có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng giảm bớt họp hành và các bước trung gian như báo cáo, xin ý kiến. Các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy xây dựng, ban hành sát với thực tiễn hơn; các kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp của chính quyền đề ra bám sát chủ trương, nghị quyết và tính khả thi cao hơn. Công tác chỉ đạo của Đảng ủy đối với UBND nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đặc biệt, tính chủ động của đồng chí Bí thư - Chủ tịch được nâng lên rõ rệt. Đồng chí Bùi Quang Động, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Trường Thi (TP Nam Định) nêu dẫn chứng: Mới đây khi tổ dân phố số 4 tổ chức quyên góp làm cống thoát nước chung cho khu dân cư nhưng số tiền quyên góp được không đủ thực hiện. Đại diện tổ dân phố đề xuất phường hỗ trợ thêm kinh phí. Nhận thấy ý kiến đề xuất của tổ dân phố là chính đáng, trong khả năng cho phép, trên cương vị Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường, đồng chí đã quyết định ngay việc hỗ trợ thêm kinh phí cho tổ dân phố số 4. Buổi sáng đề xuất, buổi chiều tổ dân phố đã có thêm kinh phí hỗ trợ của phường để triển khai tiếp dự án. Theo đồng chí Bùi Quang Động, nếu như theo mô hình cũ thì không thể “quyết” nhanh như vậy bởi phải đợi thảo luận trong thường trực Đảng ủy, nếu thường trực nhất trí về chủ trương, UBND phường mới có thể thực hiện. Ở phường Trường Thi, mô hình này còn giúp cho việc kết hợp, phát huy tổng hợp vai trò, quyền hạn của 2 chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chung. Điều này được thể hiện rõ khi triển khai chủ trương, kế hoạch xây dựng tuyến phố không rác thải, tuyến phố văn minh của thành phố thời gian qua. Theo đó, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, đồng chí chỉ đạo quán triệt chủ trương của thành phố, trên cương vị Chủ tịch UBND phường, đồng chí chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, ở cương vị Bí thư đồng chí trực tiếp chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các Ban công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp với UBND, 44 tổ dân phố cùng tham gia thực hiện. Theo đó, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, vận động, các tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức cho từng hội viên, đoàn viên ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định thu gom rác thải, xây dựng tuyến phố văn minh, tạo cho phường diện mạo mới sạch đẹp, văn minh.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Trực Hưng (Trực Ninh) đã được bê tông hóa từ nguồn đóng góp của nhân dân. |
Theo đồng chí Lương Văn Nhuệ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Trực Hưng (Trực Ninh), việc “nhất thể hóa” này đã khắc phục được tình trạng không thống nhất giữa cấp ủy và chính quyền; tình trạng cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với chính quyền, nhất là tình trạng thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm khi làm sai. Đặc biệt, đã đề cao, xác định rõ được trách nhiệm của cá nhân đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND. Mặt khác, đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND là người trực tiếp tiếp thu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, trực tiếp chỉ đạo xây dựng chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ và cũng chính là người chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện. Do vậy, đồng chí Bí thư - Chủ tịch phải chịu trách nhiệm chính về sự đúng đắn của chủ trương cũng như kết quả tổ chức thực hiện nên phải có trách nhiệm, gương mẫu, tâm huyết với công việc hơn; phải nâng cao trình độ, kiến thức để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng chí Lương Văn Nhuệ cho biết, qua hơn 2 năm thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, Đảng bộ, chính quyền xã Trực Hưng tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo cũng như nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Thể hiện rõ nhất là, khi được Huyện uỷ Trực Ninh chọn là 1 trong 7 xã thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó thu được một số kết quả quan trọng trong “lộ trình” xây dựng nông thôn mới; tiêu biểu là thực hiện thành công chủ trương “dồn điền đổi thửa”. Theo đó, xã đã giảm số thửa canh tác của mỗi hộ từ bình quân 3,9 thửa/hộ xuống còn 1,85 thửa/hộ. Xã cũng đã dồn được 14ha đất công với 148 thửa thành 5 vùng tập trung phục vụ việc xây dựng các công trình công ích. Trong đợt thực hiện dồn điền đổi thửa này, xã đã vận động nhân dân hiến hơn 20ha đất phục vụ việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Sau dồn điền đổi thửa, xã đã quy hoạch toàn bộ 344ha đất canh tác thành 3 vùng sản xuất tập trung. Thời gian qua nhân dân Trực Hưng cũng đã đóng góp được 3,4 tỷ đồng, làm được 11km đường bê tông kiên cố. Riêng nhân dân thôn Phú Mỹ đã đóng góp được gần 1 tỷ đồng xây dựng, đưa vào sử dụng nhà văn hóa riêng của thôn. Trong năm 2011 xã đã vận động, tiếp nhận được một dự án đầu tư xây dựng nhà máy may trên địa bàn. Hiện tại, nhà máy đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương…
Để chủ trương thí điểm sớm trở thành hiện thực và phát huy tác dụng
Bên cạnh những yếu tố tích cực, mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND qua hơn 2 năm thực hiện thí điểm tại một số địa phương trong tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn, bất cập. Theo đồng chí Lương Văn Nhuệ, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Trực Hưng, đây là mô hình mới nhưng từ khi áp dụng mô hình đến nay, những cán bộ trực tiếp thực hiện thí điểm chưa được tham gia bất cứ một chương trình tập huấn hướng dẫn nào, chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh, do vậy trong nhiều trường hợp, không tránh khỏi lúng túng. Quá trình thực thi nhiệm vụ, nhiều đồng chí Bí thư - Chủ tịch UBND rất khó xác định và phân định được ranh giới lúc nào thì thực hiện nhiệm vụ của bí thư cấp uỷ, lúc nào thì thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch UBND. Các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền cấp trên thường mời đích danh đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch, do vậy những đồng chí đảm nhiệm cả hai chức vụ này thường mất nhiều thời gian cho việc đi họp, ít có thời gian để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công việc của đơn vị. Do công việc của chính quyền thường rất cụ thể, đa dạng, phức tạp và đòi hỏi phải giải quyết ngay nên trên thực tế các đồng chí Bí thư - Chủ tịch UBND thường phải tập trung thời gian cho công tác chính quyền nhiều hơn, không đảm bảo được việc cân bằng, hài hoà giữa công tác Đảng và công tác chính quyền. Cùng lúc đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng, nếu bản thân đồng chí Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND không có nhận thức đầy đủ, không thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập trung, dân chủ”; Đảng uỷ, HĐND, MTTQ và các đoàn thể buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát; bộ máy, đội ngũ cán bộ giúp việc hoạt động không hiệu quả sẽ dễ dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, có sai sót trong quá trình ra các quyết định của đồng chí Bí thư - Chủ tịch UBND. Vai trò lớn, trách nhiệm cao nhưng với mức phụ cấp 20% cho cán bộ đảm nhiệm 2 chức danh Bí thư - Chủ tịch UBND đang áp dụng như hiện nay chưa thực sự có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ thực tế trên cho thấy, để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế nhằm đưa mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND sớm trở thành hiện thực, trước hết các địa phương thực hiện thí điểm cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chủ trương thí điểm này. Cấp uỷ cấp trên cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của cấp dưới, kịp thời khắc phục, uốn nắn những biểu hiện vi phạm Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, quy định của pháp luật. Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, tạo điều kiện hỗ trợ các đồng chí cán bộ thực hiện thí điểm hoàn thành tốt chức trách được giao. Trong đó, bố trí những cán bộ cấp phó có đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm cao, chủ động hợp tác, cộng đồng trách nhiệm cùng đồng chí Bí thư - Chủ tịch UBND hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đẩy mạnh thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, bố trí, sử dụng hợp lý nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Các đơn vị thực hiện thí điểm cần duy trì, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trước hết là thực hiện dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị, coi đây vừa là phương pháp phát huy trí tuệ tập thể vừa là biện pháp ngăn chặn tình trạng độc đoán, chuyên quyền. Đối với đồng chí là Bí thư - Chủ tịch UBND, phải luôn nỗ lực, cố gắng khẳng định vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đồng thời tôn trọng, tiếp thu ý kiến của tập thể BCH, ban thường vụ, ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; gương mẫu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Xây dựng tác phong làm việc khoa học, đảm bảo vừa cân đối vừa linh hoạt giữa công tác Đảng và công tác chính quyền./.
Bài và ảnh: Duy Hưng