[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
II - Đổi mới trong khai thác
Xác định là năm đổi mới toàn diện từ khâu tổ chức, quản lý, đến cải tiến phương tiện… để tạo ra bước đột phá mới trong khai thác thủy sản của những năm tới theo hướng: rộng hơn, sâu hơn và xa hơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện ven biển tăng cường công tác quản lý hoạt động nghề cá trên biển. Tổ chức hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ, đội khai thác thủy sản với chủ trương phát huy tốt năng lực tàu khai thác theo hình thức tổ, đội, đoàn và liên kết với dịch vụ hậu cần nghề cá; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất cả về giá nhiên liệu, vật tư, giá bán sản phẩm… cũng như cứu trợ nhau trên biển khi gặp sự cố, thiên tai. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 35 tổ, đội khai thác thủy sản với 1.125 tàu đang hoạt động, chiếm 47% tổng số tàu khai thác toàn tỉnh và 2.741 lao động trực tiếp đánh bắt. Chính sự hợp tác sản xuất trên biển đã động viên và tạo ra khí thế thi đua trong ngư dân tích cực bám biển để khai thác cũng như tìm kiếm ngư trường mới… nên càng về cuối năm sản lượng khai thác càng cao. Việc đầu tư phát triển nghề khai thác cũng tạo ra sự thay đổi tích cực. So với đầu năm 2010, loại tàu công suất nhỏ dưới 20CV giảm 258 chiếc, chỉ còn 1.697 chiếc; loại tàu công suất từ 50 đến dưới 90CV giảm 93 chiếc nhưng tàu công suất lớn, loại 90CV trở lên tăng 92 chiếc. Với lực lượng 304 tàu, đây chính là những tàu có thể đánh bắt xa bờ, đi dài ngày khai thác trên biển được Chính phủ và UBND tỉnh khuyến khích mở rộng, kể cả hỗ trợ về tiền, về bảo hiểm thân tàu cũng như các thuyền viên trên tàu. Phương thức đánh bắt cũng thay đổi theo hướng chuyển sang đánh bắt bằng lưới rê, lưới rê nhiều tầng, lưới rê kết hợp với câu chụp mực bằng ánh sáng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt đánh bắt bằng lưới rê trôi vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa cho thu nhập cao. Đánh bắt bằng lưới rê nhiều tầng khai thác được cá to, ngon và không đánh bắt theo kiểu hủy diệt nên nguồn lợi thủy sản luôn bảo đảm. Dùng lưới rê nhiều tầng kết hợp với phao và dây ganh có thể đánh bắt ở độ sâu 40-50m nước với các loại cá ngon: chim, thu, nhụ… cả cá dưa, cá đuối ăn đáy biển vẫn đánh bắt được và giá cao. Chính đánh bắt bằng lưới rê nhiều tầng tàu công suất 50-90CV vẫn khai thác được ở độ sâu 30-35m và vụ cá bắc (mùa đông) đánh bắt ở vùng lộng đạt kết quả cao. Hiện tại ở tỉnh ta có trên 100 tàu công suất lớn của Hải Hậu thường xuyên khai thác tại ngư trường biển miền Trung, thậm chí vào cả miền Nam. Một số tổ, đội hợp tác chuyên đánh bắt bằng nghề lưới rê nhiều tầng, lưới rê kết hợp chụp mực của các xã Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu) trừ chi phí mỗi chuyến khai thác biển có lãi 25-30 triệu đồng, nhiều tàu cho thu lãi mỗi chuyến 60-80 triệu đồng. Như trong vụ cá Bắc năm 2011 tàu của ông Vũ Văn Dương, xã Hải Chính (Hải Hậu) có chuyến đánh bắt được 2,6 tấn cá ngon, bán được trên 200 triệu đồng; tàu của ông Phạm Thanh Hòa, ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) nhiều chuyến đánh bắt đạt 2,2 tấn cho doanh thu 170 triệu đồng/chuyến; tàu của ông Trần Văn Dưỡng, ở xã Hải Triều, không ít chuyến đạt 2,5 tấn với doanh thu đạt 190 triệu đồng một chuyến…
Bến neo đậu và sửa chữa tàu thuyền khai thác thuỷ sản cửa Hà Lạn (Giao Thuỷ). |
Thực hiện tốt các thông tư, nghị định của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền khai thác thủy sản, năm 2011 theo Quyết định của UBND tỉnh các tàu, thuyền đánh bắt thủy sản có công suất dưới 20CV với chiều dài đường nước dưới 15m được phân cấp quản lý cho UBND các huyện. Như vậy 1.741 tàu cá công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, các bãi ngang đã được bàn giao cho các huyện quản lý. Trong đó Hải Hậu quản lý 682 tàu với 1.364 lao động, Giao Thủy quản lý 779 tàu với 1.558 lao động khai thác, Nghĩa Hưng quản lý 253 tàu với 506 lao động khai thác và Trực Ninh 27 tàu với 54 lao động trực tiếp khai thác. Chính sự phân cấp quản lý này mà huyện, xã nắm chắc hoạt động các tàu công suất nhỏ của địa phương mình, nắm chắc hiệu quả khai thác, các thiếu sót trong khai thác cũng như an toàn cho tàu, người… đồng thời có kế hoạch giảm dần số phương tiện này và từng bước thực hiện quy định không được đóng mới tàu cá thuộc diện cần phát triển đối với những tàu công suất dưới 30CV. Mặt khác công tác đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng đã đi vào nền nếp để thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ an toàn cho các tàu, thuyền đánh cá và phương tiện thủy hoạt động trên biển, gắn sản xuất với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Năm 2011 số tàu đã đăng kiểm đạt 95% tổng số tàu thuyền thuộc diện đăng kiểm và số tàu đã cấp, đổi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đạt 70%... Hiện nay, ngoài cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và 5 bến cá, năm 2011 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Ninh Cơ đang được xây dựng mới với tổng mức đầu tư lớn, đúng tiến độ, cùng với 100 cơ sở thu mua, chế biến hải sản và 10 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá… tạo điều kiện cho khai thác phát triển. Trong năm 2011, tổng số tàu thuyền khai thác của toàn tỉnh là 2.310 chiếc, giảm 259 chiếc so với năm 2010, chủ yếu là giảm số tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Tuy lượng tàu khai thác giảm nhưng sản lượng đạt 40.057 tấn, bằng 101% kế hoạch, tăng 0,4% so với năm 2010; giá trị sản lượng đạt 1.122 tỷ 174 triệu đồng, bằng 111,24% so với năm 2010, tăng 550 tỷ đồng so với năm 2010. Đây thực sự là một cố gắng lớn trong khai thác thủy sản.
Mặc dù khai thác thủy sản năm 2011 có tiến bộ song trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý đánh bắt, nhất là đánh bắt xa bờ còn hạn chế. Nhiều thuyền trưởng, máy trưởng và đội ngũ thuyền viên chưa được đào tạo cơ bản, năng suất và hiệu quả đánh bắt chưa cao. Thông tin về số liệu, dữ liệu khai thác chưa đánh giá hết nguồn lợi hải sản gây khó khăn cho công tác quản lý nguồn lợi và phát triển khai thác. Công tác dự báo ngư trường chưa đáp ứng được quá trình sản xuất của ngư dân. Công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa tốt kể cả phân loại sau đánh bắt và cấp đông chưa bảo đảm chất lượng, thậm chí không tổ chức bảo quản sản phẩm ở các tàu công suất nhỏ. Mật độ tàu thuyền khai thác gần bờ quá đông, vượt mức cho phép (số tàu khai thác gần bờ công suất dưới 20 CV là 1.697 chiếc, chiếm 73,5% tổng số tàu hiện có) không những gây nguy cơ làm giảm nguồn lợi thủy sản mà còn làm tăng ô nhiễm môi trường dải ven bờ. Vẫn còn nhiều tàu sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, thậm chí dùng xung điện để đánh bắt mang tính hủy diệt vẫn chưa được khắc phục. Cơ sở dịch vụ nghề cá ở tại các bến cá và cả tại cảng cá Ninh Cơ còn thiếu và không đồng bộ. Chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh và dịch vụ tại cảng cá còn hạn chế. Luồng lạch ra vào cảng cá Ninh Cơ thường xuyên bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng… Những tồn tại trên là nguyên nhân chính làm cho khai thác thủy sản của tỉnh ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có mà thiên nhiên ban tặng./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Tất Thắc