Điều mơ ước nay đã thành hiện thực: 2 tuyến đường huyết mạch từ Thành phố Nam Định đến vùng kinh tế trọng điểm các huyện phía nam tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp cải tạo. Đây không chỉ là tin vui đối với nhân dân trong tỉnh đón nhận mà còn khơi dậy lòng tự hào của những người Nam Định xa quê và gây ấn tượng tốt đẹp với những ai đã một lần đến với Nam Định.
Cty CP TASCO thảm bê tông nhựa đường 490C đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Quốc lộ 21 từ Thành phố Nam Định đến Thị trấn Thịnh Long dài 58,2km là tuyến đường huyết mạch nối Thành phố Nam Định với 5 huyện phía nam tỉnh. Sau nhiều năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp trong khi đó số lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến ngày càng tăng. Việc xây dựng, nâng cấp tuyến đường là nhiệm vụ cấp bách, bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch giao thông của tỉnh, phát huy hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đầu tư trong những năm qua; tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái, tăng cường phòng thủ bờ biển, bảo đảm an ninh tỉnh ta nói riêng và vùng Nam đồng bằng sông Hồng nói chung. Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long thuộc hợp phần nâng cấp - Dự án nâng cấp cải tạo mạng lưới đường bộ sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Đoạn từ Nam Định đến Lạc Quần dài 23,8km được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Đoạn Lạc Quần - Thịnh Long được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Xác định tầm quan trọng của dự án, ngay sau khi nhận bàn giao cột mốc GPMB, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Thành phố Nam Định và các huyện có dự án đi qua khẩn trương thực hiện. Cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể cùng đa số nhân dân đồng thuận nên công tác GPMB cơ bản bảo đảm tiến độ. Trên toàn tuyến có 6.390 hộ bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường GPMB là 498 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 1.156,5 tỷ đồng (tổng diện tích đất thu hồi 43,844ha). Công tác GPMB được các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm và có sự chỉ đạo sát sao nên những nơi khó khăn đã được tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những tồn tại. Trong quá trình GPMB, tại các địa phương đều công khai các chính sách, phương án bồi thường đến từng hộ dân và áp dụng nhất quán trên toàn tuyến; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, Hội đồng GPMB các huyện đã kiên quyết thực hiện bảo vệ thi công, cưỡng chế với các hộ cố tình không chấp hành. Trong quá trình thi công được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị nhà thầu đã có nhiều cố gắng, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung thiết bị máy móc vật tư, nhân lực, tăng cường sự chỉ đạo... Các Cty Vinaconex 34, Vinaconex 12, Vinaconex EC đã huy động máy móc đồng bộ theo dây chuyền như các loại máy lu, ủi, san, xúc... Để bảo đảm chất lượng mặt đường, trên toàn tuyến chỉ thảm khi có chiều dài trên 400m. Việc thảm mặt đường được giao cho Cty Vinaconex 34, Cty TRICO... Những tháng cuối năm 2011, khi vào thời điểm nước rút, từ Thành phố Nam Định đến Lạc Quần, các đơn vị thi công đã rải quân thực hiện luân phiên các phần việc: Thảm lớp 2, đoạn thi công các cầu cống, đoạn lát vỉa hè... Trung bình mỗi tháng cuối năm, các đơn vị đã áp phan được 3-4km; riêng tháng 11-2011 thảm được trên 10km, đạt giá trị trên 20 tỷ đồng. Cuối tháng 11-2011, khi đi kiểm tra tiến độ thi công quốc lộ 21.1, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời để Ban quản lý dự án bổ sung một số hạng mục. Dù thời gian gấp rút nhưng Ban quản lý dự án đã thực hiện đúng sự chỉ đạo như vuốt mở rộng dốc cầu Lạc Quần (phía huyện Trực Ninh); mở rộng nút giao đê Quy Phú, lát vỉa hè đoạn cầu Vòi (Nam Trực); tăng cường biển báo hiệu, cọc tiêu... Như vậy, sau 40 tháng kể từ ngày khởi công đã hoàn thành việc nâng cấp toàn tuyến.
Tỉnh lộ 490C đoạn cầu Đò Quan đến phà Thịnh Long dài 40,342km. Tuyến có tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương và khu vực. Do đường cũ nhỏ hẹp và xuống cấp nghiêm trọng, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư mở rộng nâng cấp. Đường 490C1 từ cầu Đò Quan đến đường S2 dài 3,542km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị cấp II. Tỉnh lộ 490C2 từ S2 đến phà Thịnh Long dài 36,8km được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư là 697 tỷ đồng. Thành phố Nam Định và các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng đã làm tốt công tác GPMB. Toàn tuyến có 3.571 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường là 133,37 tỷ đồng. Do bàn giao mặt bằng đúng thời gian đã tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công đúng tiến độ. Có thời gian trên tuyến có tới 10 đơn vị thi công. Các đơn vị được phân chia từng vị trí hợp lý phù hợp theo năng lực thi công như Cty CP TASCO Trường Phát, Cty CP Xây dựng TASCO, Cty CP TASCO Chiến Thắng, Cty CP Hùng Thắng... Các đơn vị đã tổ chức thi công liên tục, huy động phương tiện, máy móc đồng bộ. Giai đoạn cuối, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ trong tháng 8-2011 đã thảm được 7,5km, trị giá trên 40 tỷ đồng, góp phần bảo đảm tiến độ toàn tuyến. Sau gần 24 tháng, tuyến đường đã hoàn thành.
Thảm áp phan lớp 2 quốc lộ 21, đoạn qua địa bàn xã Việt Hùng (Trực Ninh). |
Cả 2 tuyến đường vừa khai thác vừa thi công nhưng các đơn vị đã thực hiện đúng phương án, biện pháp thi công, bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc kéo dài. Trong khi thi công các đơn vị đã cử người cảnh giới, hướng dẫn giao thông. Khi ngừng thi công có biển báo hiệu, ban đêm có đèn đỏ báo hiệu.
Khi 2 tuyến đường hoàn thành đã nâng cao năng lực vận tải hành khách và hàng hóa tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa được thuận lợi. Thời gian tham gia giao thông trên cả 2 tuyến trung bình đã giảm được 30%; trật tự an toàn giao thông từng bước được nâng lên. Để tăng tuổi thọ và phát huy tối đa tác dụng của các tuyến đường, các địa phương có tuyến đường đi qua đã có nhiều giải pháp để bảo vệ đường, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ. Huyện Nghĩa Hưng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân dọc tuyến đường 490C2 có ý thức chấp hành quy định về hành lang an toàn giao thông. Huyện ủy, UBND huyện xác định công tác bảo vệ hành lang ATGT phải duy trì và làm thường xuyên giao trách nhiệm cho UBND các xã ven đường phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm. Tùy theo điều kiện có thể thành lập đội tự quản để bảo vệ hành lang. Các hộ dân không được lắp đặt các tấm đan từ đường lên hè (nếu cần phải làm bằng sắt theo mẫu thiết kế chung, thuận lợi cho việc thoát nước). Huyện Nghĩa Hưng đưa bảo vệ hành lang an toàn giao thông vào tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Trên tuyến quốc lộ 21, huyện Trực Ninh đã tổ chức giải tỏa vi phạm về lán di động, mái vẩy che khuất tầm nhìn; giải tỏa vi phạm lòng lề đường, để cây bên đường. Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về trật tự an toàn giao thông, tổ chức ký cam kết với các hộ ven đường quốc lộ 21 không vi phạm hành lang an toàn giao thông, không xây các tấm đan từ đường lên hè… Huyện Hải Hậu thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT trên quốc lộ 21 để bày bán hàng, dựng biển quảng cáo, làm bãi rửa xe, trồng và để chậu cây cảnh trên hành lang ATGT đường bộ. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lực lượng chủ động đồng loạt ra quân giải tỏa triệt để các bãi vật liệu, cây cối trong phạm vi hành lang ATGT trên tuyến quốc lộ 21.
Thời gian tới, hiệu quả từ 2 tuyến đường sẽ cao hơn khi Khu Kinh tế Ninh Cơ và Nhà máy Nhiệt điện Nam Định được phê duyệt. Vùng kinh tế trọng điểm phía nam tỉnh sẽ được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh quan tâm và là điều kiện để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà./.
Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết