Phát huy hiệu quả từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp

10:12, 07/12/2011

Sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả  kinh tế; tạo tiền đề xây dựng, phát triển nền nông nghiệp tập trung, hiện đại; gắn với nhu cầu thị trường. Thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Khu quy hoạch chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản xã Hải Đông (Hải Hậu).
Khu quy hoạch chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản xã Hải Đông (Hải Hậu).

Đến nay, 209 xã, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuỳ đặc điểm, điều kiện mỗi địa phương có quy hoạch sản xuất khác nhau song đều thực hiện theo hướng đảm bảo an ninh lương thực gắn với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các địa phương đều quy hoạch phần lớn diện tích trồng lúa, gồm: diện tích trồng lúa cao sản, đặc sản và lúa giống, những diện tích trồng lúa năng suất, hiệu quả kinh tế thấp chuyển đổi sang trồng rau màu và nuôi thuỷ sản. Các xã, thị trấn ở các huyện phía nam tỉnh chuyển đổi diện tích đất chân cao, đất thịt nhẹ sang trồng cà chua, dưa chuột, dưa hấu...; các huyện phía bắc tỉnh chuyển đổi diện tích đất pha cát sang trồng lạc, khoai tây, ngô ngọt... Nhiều địa phương quy hoạch thành các vùng chuyên sản xuất rau màu, rau sạch. Hầu hết diện tích đất bãi ven sông, ven biển, đất trũng được các địa phương quy hoạch phát triển mô hình kinh tế trang trại. Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) có 581,9ha cấy 2 vụ lúa. Trên cơ sở định hướng quy hoạch chung của huyện, xã dành 304,4ha (52,3% tổng diện tích) quy hoạch vùng chuyên sản xuất lúa năng suất cao. Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng thu nhập cho nông dân, xã quy hoạch 79ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao; 108,8ha chuyên sản xuất 2 vụ lúa kết hợp 1 vụ màu; 6,1ha chuyên trồng màu; 37,3ha chuyên nuôi trồng thuỷ sản; 5,9ha phát triển kinh tế trang trại và hơn 40ha phục vụ việc mở rộng, xây mới đường giao thông, công trình thuỷ lợi, nơi tập trung rác thải. Xã Bình Hoà (Giao Thuỷ) quy hoạch 287ha trong tổng số 462,33ha đất nông nghiệp thành vùng chuyên cấy lúa, trong đó có 142,15ha diện tích cấy lúa năng suất cao; 143,79ha trồng lúa chất lượng cao kết hợp sản xuất rau màu vụ đông; 3,68ha phát triển kinh tế gia trại. Từ định hướng mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây vụ đông trên chân ruộng 2 vụ lúa và phát triển mô hình kinh tế trang trại nên trong đợt quy hoạch, các xã, thị trấn của huyện Hải Hậu đã chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng rau màu và cây cảnh, trước đó, huyện đã chuyển đổi 699ha, từ nay đến năm 2013, huyện tiếp tục chuyển đổi thêm 500ha, phấn đấu đến năm 2015 diện tích cây vụ đông đạt 25% diện tích canh tác. Các xã, thị trấn trong huyện đã quy hoạch diện tích để phát triển mô hình kinh tế trang trại, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và xa khu dân cư. Toàn huyện hiện có 350 trang trại chăn nuôi và nuôi thuỷ sản, phấn đấu đến năm 2015 phát triển được 450 trang trại. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của các xã, thị trấn trong huyện Trực Ninh cũng phát triển theo các vùng đã quy hoạch, bao gồm vùng sản xuất lúa, vùng sản xuất cây vụ đông, vùng trồng hoa, cây cảnh, vùng nuôi trồng thủy sản. Các xã, thị trấn trong huyện đều dành 40-45% diện tích cấy lúa cao sản, 30-35% diện tích cấy lúa chất lượng cao, 15% diện tích cấy lúa đặc sản vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa nâng cao giá trị sản xuất. Đối với sản xuất cây vụ đông, mỗi xã, thị trấn  trong huyện thực hiện quy hoạch 2-3 vùng sản xuất theo liên đội, mỗi vùng 10-20ha. Các xã xây dựng nông thôn mới đợt I như Trung Đông, Việt Hùng, Trực Thanh, Trực Hưng, Trực Nội, Trực Đại, Trực Hùng mỗi xã quy hoạch 3-4 vùng chuyên canh 3 vụ, đạt 15-20% diện tích canh tác. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện quy hoạch 3 vùng sản xuất cây vụ đông liên xã. Vùng 1 rộng 150ha gồm các xã Trung Đông, Trực Chính, Thị trấn Cổ Lễ. Vùng 2 rộng 130ha gồm các xã Trực Nội, Trực Mỹ, Trực Thuận. Vùng 3 rộng 200ha gồm các xã Trực Đại, Trực Thái, Việt Hùng. Các xã Trực Chính, Trực Hưng, Trực Thuận... đã chuyển đổi 200ha diện tích trồng lúa đất cao, đất cát pha sang chuyên trồng màu hoặc trồng 2 vụ màu 1 vụ lúa. Vùng trồng hoa cây cảnh được huyện quy hoạch phát triển tập trung ở các xã Trực Thắng, Trực Hùng, Trực Nội, Thị trấn Cổ Lễ. Vùng chăn nuôi được các địa phương quy hoạch xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Vùng nuôi trồng thủy sản được quy hoạch trên các vùng đất trồng lúa hiệu quả thấp, đất bãi ven sông, mỗi vùng rộng từ 5-10ha…

Một trong những yêu cầu quan trọng sau khi thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp là đảm bảo tính bền vững và phát huy hiệu quả. Thực tế, ở nhiều địa phương trong tỉnh tình trạng nông dân sản xuất không theo quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “được mùa mất giá” liên tục tái diễn trong nhiều năm qua. Ở nhiều địa phương, thời gian qua nhiều hộ nông dân tự ý chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng cây cảnh không theo quy hoạch, khiến diện tích đất trồng lúa bị giảm mạnh. Tình trạng trên một phần do công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương còn bất cập, chưa sát với tình hình thực tế, quy hoạch không dựa trên năng lực, kinh nghiệm sản xuất của nông dân, thiếu khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường, đặc biệt không có sự đầu tư cần thiết về cơ sở hạ tầng đảm bảo duy trì, phát triển sản xuất theo quy hoạch. Nhằm phá thế độc canh cây lúa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từ năm 2003 xã Xuân Phong (Xuân Trường) đã chuyển 20ha đất trồng lúa năng suất thấp sang sản xuất rau màu và thực hiện luân canh 4 vụ trong năm gồm: dưa hấu xuân, đậu tương hè thu, dưa hấu thu đông, khoai tây đông xuân. Tuy nhiên, mô hình chuyển đổi trên không phát huy hiệu quả bền vững do mấy năm gần đây nhiều địa phương trong tỉnh cùng ồ ạt đưa cây dưa hấu vào sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm trở nên bấp bênh khiến nông dân trong xã bỏ sản xuất. Cách đây mấy năm, xã Yên Phú (Ý Yên) đã quy hoạch hàng chục ha sản xuất rau màu vụ đông, chủ lực là cây cà chua. Xã đã liên kết với một số doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, không ít lần đến kỳ thu hoạch, nhà máy không thu mua nông sản, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến nông dân trong xã không còn mặn mà với cây vụ đông, diện tích cây vụ đông của xã do vậy giảm mạnh. Vì vậy, đa số nông dân trong xã chọn giải pháp cấy hai vụ lúa và ra thành phố tìm việc làm thêm. Ở xã Bình Hoà (Giao Thuỷ) chưa đạt được mục tiêu phát triển diện tích cây rau màu vụ đông trên đất 2 vụ lúa do đến nay hệ thống tưới tiêu nước ở vùng quy hoạch sản xuất rau màu vụ đông của xã chưa đảm bảo...

 Thực tế trên cho thấy để duy trì, phát huy hiệu quả quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau quy hoạch. Trong đó, các vùng quy hoạch chuyên canh, nhất là vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá cần được ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất có tính đặc thù. Ở những địa phương thực hiện quy hoạch chuyển đổi sản xuất, nhất là chuyển đổi từ sản xuất lúa sang sản xuất cây, con mới, yêu cầu trình độ kỹ thuật cao, nông dân cần được tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ cung ứng giống, vật tư phải đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Các ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện tốt vai trò cầu nối, đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất và các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho nông sản để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất./.

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com