Nhân viên tổ thu gom rác xã Nam Dương (Nam Trực) thu gom rác thải. |
Hiện nay, tình trạng đổ rác thải ra lòng, lề đường giao thông gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc của người dân ở nhiều địa phương thuộc huyện Nam Trực. Trên tuyến đường 490C và các trục đường của các thôn, xã, hàng loạt bãi rác lộ thiên, nhiều bãi rác dài hàng chục mét, gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Nhiều địa phương chưa quản lý chặt chẽ việc phun thuốc trừ sâu, bón phân đạm thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc sau sử dụng. Toàn huyện hiện có khoảng 53 nghìn hộ dân có hoạt động chăn nuôi, trong đó có gần 200 trang trại, gia trại quy mô 200-300 con gia súc, gia cầm đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường như: xây dựng xa khu dân cư, có hầm biogas, thực hiện các kỹ thuật chăn nuôi an toàn, vệ sinh..., còn lại hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nguồn nước thải xả trực tiếp ra đồng ruộng, sông ngòi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Hoạt động sản xuất CN-TTCN của huyện phát triển mạnh và phân bổ khắp trên địa bàn như nghề cơ khí ở các làng Đồng Côi, Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang), Bình Yên (Nam Thanh); nghề dệt khăn xuất khẩu ở các xã: Nam Hồng, Nam Hoa, Nam Lợi, Tân Thịnh, Nam Thắng; sản xuất VLXD ở các xã có vùng bãi bồi ven sông phát sinh lượng lớn chất thải rắn, nước thải và khí thải gây ô nhiễm nặng nề đến môi trường sống. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN và MT), riêng khối doanh nghiệp trên địa bàn huyện, bình quân mỗi tháng đã xả thải ra môi trường gần 2.000m3 nước; 362.98kg chất thải nguy hại và 67.600kg chất thải rắn. Trong đó, 20% số doanh nghiệp trên địa bàn huyện xả nước thải trực tiếp ra môi trường và 91,7% doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường không khí. Trong một vài năm gần đây, tại làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh) tình trạng ô nhiễm gia tăng nhanh do số doanh nghiệp, hộ tham gia mở rộng sản xuất, tái chế nhôm tăng nhanh. Thôn Bình Yên hiện có 210 hộ tái chế sản xuất nhôm. Do hoạt động sản xuất tự phát, công nghệ thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề. Tại làng nghề Vân Chàng chuyên sản xuất đồ gia dụng như chậu thau, dao, kéo, phụ tùng xe đạp, máy kéo, nồi hơi… đã thải ra môi trường nhiều bụi, hóa chất, nước và rác thải… Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được huyện Nam Trực và các ban, ngành chuyên môn giải quyết triệt để khiến môi trường đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý