Thực hiện đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới - Nhìn từ cơ sở (kỳ II)

03:06, 18/06/2010

(Tiếp theo và hết)

II - XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI: THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ CÁC GIẢI PHÁP

Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) triển khai xây dựng nông thôn mới.  Ảnh: Đức Hoa
Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) triển khai xây dựng nông thôn mới.
                                                                                                Ảnh: Đức Hoa
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hơn một năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực tiến hành các bước triển khai đề án thí điểm xây dựng NTM. Ngoài xã Hải Đường (Hải Hậu) được Trung ương chọn là 1 trong 11 địa phương thực hiện thí điểm của cả nước, UBND tỉnh đã chọn 10 xã thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh gồm: Hiển Khánh (Vụ Bản), Nam Hồng (Nam Trực), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Yên Phú (Ý Yên), Giao Hà (Giao Thuỷ), Trực Nội (Trực Ninh), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Xuân Kiên (Xuân Trường), Lộc An (TP Nam Định) thực hiện thí điểm. Đến nay, cả 11 xã thực hiện thí điểm của Trung ương, của tỉnh đều đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng thí điểm NTM của địa phương; hoàn thành việc lập đề án chi tiết… Theo phản ánh của một số địa phương, việc triển khai thực hiện thí điểm xây dựng NTM có những thuận lợi cơ bản: Đó là nội dung, mục đích của đề án nằm trong tổng thể, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương tập trung thực hiện. Nhiều xã đã đạt được những tiêu chí cơ bản trong 19 tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ. Trong đó, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đạt 5 tiêu chí, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đạt 13 tiêu chí… Đề án được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự đồng tình, hưởng ứng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, các địa phương thực hiện thí điểm xây dựng NTM cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn. Trước hết, đây là một chương trình lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, quá trình thực hiện trải qua nhiều khâu, nhiều bước; rất nhiều các dự án, tiểu dự án cần được tiến hành. Đặc biệt, để hoàn thành các dự án, tiểu dự án cần phải có nguồn vốn đầu tư khá lớn. Theo đề án xây dựng NTM từ nay đến năm 2020, xã Giao Hà cần tới gần 200 tỷ đồng, xã Nghĩa Sơn gần 120 tỷ đồng, xã Hiển Khánh cần hơn 107 tỷ đồng, xã Mỹ Tân cần 117 tỷ đồng… Cơ cấu huy động vốn bao gồm: Hỗ trợ của Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, ngân sách địa phương) và huy động đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM được thực hiện với phương châm phát huy tối đa nội lực của địa phương. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để làm động lực. Trong khi đó, thu ngân sách hàng năm của các xã nông thôn trong tỉnh còn thấp, nhiều xã chưa tự cân đối được thu chi do vậy khó có khả năng tự bố trí vốn dành cho chương trình xây dựng NTM. Nguồn hỗ trợ của Nhà nước có hạn, không phải lúc nào cũng có điều kiện hỗ trợ tập trung. Cụ thể, mức hỗ trợ của tỉnh cho các xã thực hiện thí điểm bước đầu từ 8-10 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí thực hiện chủ yếu nhờ vào nguồn huy động đóng góp của nhân dân. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của người dân nông thôn những năm qua đã khá lên nhiều nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn phổ biến ở mức trên dưới 10 triệu đồng/người/năm, khả năng đóng góp do vậy có hạn. Ngoài phần đóng góp đối ứng bằng ngày công, mức kinh phí huy động từ nhân dân sẽ không được nhiều. Nếu xã có 10000 dân, với mức huy động 100 đến 200 nghìn đồng/người/năm thì một năm xã chỉ huy động được 1-2 tỷ đồng đóng góp của nhân dân. Như vậy nguồn hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách địa phương và khả năng đóng góp của nhân dân là rất nhỏ so với nhu cầu đề án các địa phương đã xây dựng. Để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung, dự án của chương trình xây dựng NTM, hệ thống chính trị ở cơ sở cần phải đủ mạnh bởi đây là lực lượng chính lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở cơ sở, tuy nhiên đến nay, chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở các xã thuộc địa bàn nông thôn trong tỉnh nhìn chung vẫn còn hạn chế. Từ những phân tích trên cho thấy, để thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng NTM, các xã thực hiện thí điểm cần lựa chọn các giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp. Trước tiên cần phối hợp làm tốt công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết, kịp thời bổ sung quy hoạch lại nông thôn theo các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó cần chú trọng làm quy hoạch, sử dụng đất đai, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, quy hoạch phân bố dân cư. Tận dụng, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí gồm hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách địa phương và đóng góp của nhân dân. Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp về địa bàn để tăng cường nguồn lực. Việc đầu tư thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh sự dàn trải, lãng phí; lựa chọn những nội dung, phần việc cấp thiết, phù hợp với yêu cầu, khả năng thực tế của địa phương để ưu tiên huy động nguồn lực tập trung thực hiện. Cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng nông thôn, cần chú trọng hỗ trợ nông dân về khoa học - kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn, coi đây là giải pháp cơ bản, có tính lâu dài để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, chủ thể của nông thôn. Trước tiên, cần tiếp nhận, thực hiện hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến ngư đã và đang thực hiện. Tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong đời sống nông thôn hiện tại, tạo tiền đề ổn định thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Có thể nói đây là một chủ trương lớn, quá trình thực hiện lâu dài cần phải làm từng bước, cần huy động trí lực, vật lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, nội dung, mục tiêu của chương trình, qua đó phát huy ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và mỗi người dân. Cùng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị, hạt nhân là các tổ chức Đảng, các đoàn thể xã hội, chương trình chỉ thành công khi trở thành một phong trào sâu rộng của quần chúng./.

Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com